Kỳ lân VNG tăng vốn hoá 'như mơ' chỉ nhờ 100 cổ phiếu
(DNTO) - Vào lúc 10 giờ sáng nay, bất ngờ khi lần đầu 100 cổ phiếu của Kỳ lân VNG được bán và ngay lập tức đẩy giá cổ phiếu này nhảy vọt 40%, đưa giá trị vốn hoá của doanh nghiệp tăng gần 3.000 tỷ đồng chỉ trong một phiên.
Đây là lô cổ phiếu "mở hàng" của VNZ, cổ phiếu của Công ty cổ phần VNG, sau ba tuần được giao dịch. Ngay sau đó, lượng cổ phiếu ít ỏi này nhanh chóng được hấp thụ đẩy thị giá VNZ bật tăng mạnh mẽ lên tới 40%, tương đương mức tăng 90.000 đồng cho mỗi đơn vị. Tuy nhiên, đây là lô đầu tiên cũng là lô duy nhất kể từ khi ra mắt của VNZ.
Kết phiên, VNZ vẫn còn dư mua 33.000 cổ phiếu. Cổ phiếu Kỳ lân VNG chính thức lập kỷ lục mới với thị giá cao nhất thị trường hiện tại 336.000 đồng/cp. Như vậy chỉ với 100 cổ phiếu được giao dịch, tương đương giá trị 34 triệu đồng, giá trị vốn hoá của kỳ lân đã vọt tăng từ hơn 6.800 tỷ đồng lên hơn 9.600 tỷ đồng, tức tăng gần 3.000 tỷ đồng, một con số "trong mơ" với mọi doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.
Việc ai là người bán lô cổ phiếu này là điều được nhiều người khá tò mò quan tâm, mặc dù vậy cũng rất khó để đoán định trong bối cảnh VNZ có tỷ lệ sở hữu cô đặc với gần 90% vốn do các cổ đông lớn và các thành viên quan trọng của doanh nghiệp nắm giữ. Mặc dù vậy, hôm nay là một phiên giao dịch thành công của cả cổ phiếu này, một tân binh non trẻ trên thị trường.
Năm 2014 là một cột mốc đáng nhớ của VNG khi được định giá 1 tỷ đô la Mỹ theo World Start – up Report, trở thành ‘kỳ lân’ đầu tiên tại Việt Nam. VNZ hiện là doanh nghiệp đang theo đuổi bốn mảng chính bao gồm: phát hành, phát triển trò chơi; truyền thông, phương tiện truyền thông; thanh toán điện tử và dịch vụ đám mây, trong đó hai mảng đầu tiên đóng góp lần lượt 70% và 16% tổng doanh thu doanh nghiệp trong chín tháng đầu năm 2022.
Theo ông Thái Gia Hào, chuyên viên phân tích của SSI Research, trong thời gian tới, lĩnh vực trò chơi điện tử, mảng "hái ra tiền" của VNG được dự đoán có mức tăng trưởng tích cực nhưng chỉ ở mức một con số do dư địa tăng không còn nhiều bởi sự xâm nhập của Internet, điện thoại thông minh đã khá cao. Trong khi đó, quảng cáo trực tuyến lại là mảng đầy hứa hẹn đến từ ứng dụng Zalo và các nền tảng khác trong hệ sinh thái của doanh nghiệp này.
"Việc tích cực kiểm soát chi phí cần được chú trọng để có thể cải thiện tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp", chuyên gia của SSI cho biết.
Theo dự đoán của ông Thái Gia Hào, năm 2023, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ có thể quay lại ở mức của năm 2021 là 412 tỷ đồng, tương ứng với P/E là 16,7 lần, so với mức 22,8 lần của các công ty cùng ngành; tỷ suất lợi nhuận trước thuế có thể được giả định ở mức 12% so với các công ty cùng ngành là 21%.
"Chúng tôi không đưa ra khuyến nghị đối với cổ phiếu VNZ", SSI nhận định.
Trong phiên VNZ lập kỷ lục giá mới thì thị trường chứng chứng khoán lại có một phiên giao dịch khá ảm đạm. Chỉ số VN-Index giảm hơn 35 điểm chốt phiên tại 1.075 điểm, HNX-Index giảm hơn 6 điểm về 216 điểm; UPCoM-Index giảm 0,91 điểm còn 74,93 điểm. Toàn thị trường có tới 72 cổ phiếu giảm hết biên độ. Lực bán áp đảo đặc biệt trong phiên chiều khiến sắc đỏ nhuộm kín toàn bảng điện.