Kinh doanh quý 4/2022 sụt giảm, các công ty chứng khoán khó lạc quan
(DNTO) - Bức tranh kinh doanh quý 4/2022 của các công ty chứng khoán không mấy sáng sủa khi ghi nhận sự sụt giảm ở nhiều mảng như môi giới, cho vay margin, khiến lợi nhuận thu được trong năm qua không được như kỳ vọng.
Ngành chứng khoán vốn chịu nhiều tác động từ diễn biến của thị trường. Năm 2021, giai đoạn bùng nổ của thị trường chứng khoán trong nước, nhóm doanh nghiệp chứng khoán đều lập kỷ lục về doanh thu và lợi nhuận kể từ khi thành lập nhờ mảng môi giới và cho vay tăng trưởng vượt trội.
Năm 2022, trong bối cảnh thị trường chung đã có nhiều thay đổi, VN-Index từ vùng 1.500 về quanh mức 1.000 điểm, cùng đó là sự sụt giảm sâu của giá trị thanh khoản, bình quân giảm trên 30%, đã tạo ra nhiều áp lực cho các doanh nghiệp. Báo cáo tài chính quý 4 của các công ty chứng khoán đã cho thấy một bức tranh không mấy sáng.
Margin "gặp khó"
Tính đến cuối quý 4/2022, SSI giảm từ hơn 23 ngàn tỷ đồng đầu năm chỉ còn hơn 11 ngàn tỷ đồng, mức giảm trên 50%; Mirae Asset từ 17,2 ngàn tỷ đồng xuống còn 13,5 ngàn tỷ đồng, hai công ty chứng khoán hiếm hoi còn duy trì khoản margin trên 10 ngàn tỷ đồng.
VNDS cũng giảm từ 15,4 ngàn tỷ đồng đầu năm xuống còn hơn 9 ngàn tỷ đồng; TCBS từ 15,8 ngàn tỷ đồng chỉ còn 9,3 ngàn tỷ đồng; hay Agriseco giảm từ hơn 1,6 ngàn tỷ đồng còn gần 1 ngàn tỷ đồng. Công ty APG giảm mạnh khi từ 368 tỷ đồng đầu năm chỉ còn hơn 83 tỷ đồng.
Trong năm qua, sau thông tin tăng lãi suất từ phía Ngân hàng Nhà nước, một loạt công ty chứng khoán đã tiến hành điều chỉnh lãi suất giao dịch ký quỹ (margin) hầu hết được nâng lên tỷ lệ trên 13% để phù hợp với mức lãi suất ngân hàng mới. Tuy nhiên, thị trường đi xuống, thách thức không còn nhỏ, nhà đầu tư cẩn trọng hơn khi dùng margin để bảo toàn tài sản.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bất động sản bị siết chặt với margin hay ảnh hưởng từ làn sóng bán giải chấp của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng khiến cho mảng này của các công ty chứng khoán bị ảnh hưởng.
Doanh thu môi giới rớt mạnh
Ngoài cho vay margin, doanh thu từ môi giới chứng khoán cũng mang lại nguồn thu chính cho các doanh nghiệp. Quý 4/2022, đi cùng với sự đi xuống của thị trường, hoạt động môi giới tại các công ty cũng có dấu hiệu "nguội dần".
VPS từ 1,1 ngàn tỷ đồng còn hơn 549 tỷ đồng; SSI từ hơn 792 tỷ đồng đầu năm chỉ còn hơn 318 tỷ đồng cuối quý 4; VND từ 543 tỷ đồng xuống còn 206 tỷ đồng; TBSC từ 328 tỷ đồng xuống còn 141 tỷ đồng; cá biệt APG từ 176 tỷ đồng xuống còn 920 triệu đồng.
Theo xếp hạng từ HoSE về thị phần môi giới năm 2022, VPS là doanh nghiệp dẫn đầu với 17,38%, tiếp theo đó là SSI với 9,84%, VNDS đứng thứ ba với 7,88%.
Năm qua, trước nhiều biến động khó lường, nhà đầu tư cẩn trọng hơn với các giao dịch của mình khi không ít người rơi vào thua lỗ. Tâm lý lo sợ khiến nhiều nhà đầu tư chấp nhận đứng ngoài nghe ngóng chờ đợi cơ hội, hoặc giải ngân với số tiền nhỏ, nguyên nhân khiến doanh thu từ môi giới của các công ty khó đạt như kỳ vọng.
Khó khăn từ margin và môi giới đã làm lợi nhuận doanh nghiệp đi thụt lùi so với cùng kỳ. Quý 4, Mirae Asset ghi lãi 150 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ; SSI cũng giảm lãi sau thuế tới 38%, xuống còn gần 224 tỷ đồng; HCM báo lãi 125 tỷ đồng, giảm 44%; VCSC chỉ lãi 28 tỷ đồng, MBS lãi 72 tỷ đồng, giảm 58%.
Các công ty chứng khoán cần chờ động lực mới từ thị trường. Năm 2023, thị trường chứng khoán được nhận định sẽ có nhiều thay đổi tích cực mang lại cơ hội tốt cho nhà đầu tư.
SGI Cappital nhận định, lãi suất và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ là hai động lực của thị trường. Theo đó, "nửa đầu 2023 sẽ là đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất, nhưng lại là giai đoạn tăng tốc của chu kỳ suy giảm lợi nhuận do ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt".
"Đỉnh điểm của chu kỳ suy giảm lợi nhuận sẽ là khi suy thoái toàn cầu xảy ra với nhiều tin xấu của doanh nghiệp và thị trường tài chính, tín dụng. Nhưng suy thoái, nếu xảy ra, cũng sẽ khiến chính sách đảo chiều và mang lại những cơ hội đầu tư tốt nhất. Lịch sử cho thấy, thị trường chứng khoán tạo đáy trước kinh kế thực trung bình 6 tháng", SGI cho biết.