HPG của Hoà Phát chờ một chu kỳ tăng giá mới?
(DNTO) - Với phiên tăng điểm kịch trần hơn 6,9% hôm nay, ngày 17/1, HPG chính thức vượt lên vùng giá mới. Trong bối cảnh khối ngoại liên tục "mở két" để ôm lượng lớn HPG, nhiều người đặt câu hỏi: liệu HPG đang chuẩn bị bước sang chu kỳ tăng giá mới?
Mã HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã ghi nhận một phiên giao dịch thành công khi tăng kịch trần gần 7%, cùng đó là lượng giao dịch khủng với hơn 42 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên. Theo đó, HPG đẫn đầu thị trường về khối lượng giao dịch và là một trong 10 cổ phiếu tăng điểm nhiều nhất trong phiên trên sàn HoSE.
Phiên giao dịch hôm nay cũng chứng kiến một khối lượng lớn cổ phiếu HPG của Hoà Phát được khối ngoại khớp lệnh. Hơn 8,6 triệu cổ phiếu được mua vào, số lượng lớn nhất trong 10 phiên gần đây, trong khi lượng bán rất nhỏ, đưa giá trị mua ròng của khối ngoại với riêng HPG lên tới hơn 165 tỷ đồng trong phiên.
Thành quả của phiên giao dịch hôm nay đã chính thức đẩy PHG lên một vùng giá mới, vượt qua mức 20 ngàn đồng mỗi đơn vị, chốt phiên tại 21.650 đồng/cp. Như vậy kể từ mức giá thấp nhất 12.100 đồng/cp trong ngày 10/11/2022, sau hơn 2 tháng, HPG đang từng bước hồi phục, tăng gần 80% thị giá. Theo đó, vốn hóa thị trường cũng tăng thêm hơn 55 ngàn tỷ đồng lên mức hơn 125 ngàn tỷ đồn,g đưa Hòa Phát trở lại top 10 doanh nghiệp giá trị nhất sàn HoSE.
Thành quả của HPG được cho là có sự đóng góp mạnh của khối ngoại. Năm 2022, nếu HPG từng là mã bị khối này xả hàng mạnh nhất thì giai đoạn cuối tháng 12/2022 và từ đầu tháng 1/2023 đến nay, dòng tiền của khối ngoại bất ngờ quay xe, đổ vào gom mạnh cổ phiếu của tỷ phú Trần Đình Long.
Đơn cử, từ ngày từ 23/12/2022-10/01/2023, quỹ VanEck Vietnam ETF (VNM ETF) đã mua trên 3 triệu cổ phiếu HPG. Quỹ iShares MSCI Frontier & Select EM ETF, quỹ chuyên tập trung vào các cổ phiếu thị trường cận biên và mới nổi, gom trên 1,6 triệu HPG. Liên tục hơn 20 phiên, HPG thường được đứng đầu danh sách mua vào của khối ngoại.
Động thái trên của khối ngoại diễn ra khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong toả. Giá thép được kỳ vọng tăng trở lại qua đó thoát khỏi chu kỳ giảm và giúp cải thiện giá bán trong nước. Đây chính là động lực cải thiện biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp ngành thép, trong đó có Hoà Phát.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong nước còn giúp các doanh nghiệp trong nhóm ngành vật liệu như Hoà Phát được hưởng lợi. Hiện HPG đang chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực thép xây dựng dao động trong khoảng 30-35% và lên tới gần 50% riêng tại khu vực phía Nam và ở thị trường xuất khẩu. Việc khởi công các công trình cơ sở hạ tầng như mục tiêu Chính phủ đề ra sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện sản lượng bán hàng trong nửa cuối năm 2023.
Mặc dù vậy, theo SSI Research, hiệu suất sử dụng thép trong năm 2023 có thể thấp và điều này ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Ngoài ra việc Trung Quốc mở cửa trở lại có khả năng trở thành "con dao hai lưỡi" bởi sức cầu yếu trong nước khiến HPG khó trong việc tăng giá bán lên ngang tầm khu vực.
Các chuyên gia tính toán, lợi nhuận Hoà Phát có thể phục hồi nhưng vẫn còn rủi ro cao.
"Nhu cầu yếu có thể dẫn đến hiệu suất sử dụng thấp, chỉ ở mức 60-75% (so với trên 80% trong năm 2022 và hơn 90% trong năm 2021), điều này sẽ gây áp lực lên doanh thu, dòng tiền và tỷ suất lợi nhuận của công ty trong năm tới. Ngoài ra, khoảng cách giá giữa Việt Nam và các thị trường khác ngày càng thu hẹp sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu kém hấp dẫn hơn so với giai đoạn 2020-2021", SSI khuyến nghị.
Trong khi đó, Chứng khoán Agriseco cho biết: "Định giá của nhóm cổ phiếu trong VN30 vẫn chưa thực sự rẻ, song đã xuất hiện một số cổ phiếu ở vùng giá hấp dẫn" và HPG là một trong những cổ phiếu tiềm năng.