Chứng khoán quý 1 'khó đi xa'?
(DNTO) - Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, nhà đầu tư ngắn hạn nên tính chuyện chốt lời với các cổ phiếu đã có lãi, giảm tỷ trọng với các mã chưa thể có lợi nhuận; với cổ phiếu bất động sản cần thận trọng giải ngân và chờ các đợt "sale off" lớn trong năm nay.
Thị trường chứng khoán đi qua một năm nhiều khó khăn thách thức: Đầu tư công chưa được khơi thông mạnh mẽ; room tín dụng bị giới hạn; thị trường trái phiếu bị siết chặt; cùng đó là việc xử lý sai phạm nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn... "Năm 2022, là năm mà niềm tin nhà đầu tư dành cho thị trường thấp nhất", ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) chia sẻ với nhà đầu tư trong một chương trình về chứng khoán mới diễn ra.
Nói về thị trường trong ở giai đoạn hiện tại, theo góc nhìn của vị chuyên gia, những khó khăn ấy có thể đã vơi bớt nhưng thị trường chưa thể thuận lợi để "đi xa", ít nhất trong quý 1 này.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất; mức lãi suất cao trong nước vẫn duy trì; doanh nghiệp niêm yết tiếp tục chật vật trong việc tiếp cận vốn... Do đó, kết quả kinh doanh quý đầu tiên của năm 2023 sẽ khó lạc quan, thậm chí chưa chắc đã tốt hơn quý 4 vừa qua. Và đây chính là điểm trừ của thị trường trong giai đoạn đầu năm.
Về chính sách lãi suất trong nước, nếu có tín hiệu nới lỏng thì khả năng rơi vào cuối quý 2 khi mà chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương thay đổi theo hướng tích cực, các dấu hiệu lạm phát giảm rõ rệt. Trong khi đó, với nền kinh tế Mỹ, suy thoái chưa chắc đã xảy ra nhưng áp lực lại tương đối cao. Quý 1 sẽ phản ánh rõ nhất độ trễ của các chính sách tăng lãi suất của Fed.
Trước các phân tích trên, theo ông Đỗ Bảo Ngọc, thị trường dù đã trải qua giai đoạn tăng giá hai tháng vừa qua nhưng chưa thể quay đầu giảm ngay, có thể còn hồi phục, tuy nhiên "để đi xa trong quý 1 là điều khó khăn".
Theo khuyến cáo của ông, hiện thị trường đang ở giai đoạn tăng tốt và đây là thời điểm nhà đầu tư nên nghĩ tới quyết định chốt lời.
"Nhà đầu tư tham gia thị trường giai đoạn vừa rồi, thời điểm nền kinh tế vĩ mô ở trạng thái xấu, tuy nhiên vẫn được hưởng thành quả vì thị trường đã rơi vào sự sụt giảm quá đà trước đó nên khi hồi phục trung tính, nhiều cổ phiếu về đúng giá trị sẽ mang lại lợi nhuận cho họ. Và càng ở hiện tại, thị trường khó mang lại đột biến lợi nhuận như vậy mà áp lực bán sẽ tăng lên", ông Ngọc phân tích.
Với danh mục trung và dài hạn, nếu đã lỡ đầu tư ở giai đoạn giá cao, chưa thể gỡ được vốn thì nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng và chỉ khi thị trường đã xây được nền vững chắc thì mới nên mua lại.
"Không nên nắm giữ cổ phiếu quá 50% danh mục. Ngay bản thân tôi đã bán một phần trong danh mục cổ phiếu ngắn hạn. Giai đoạn này mà nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng cao là rủi ro", ông Ngọc chia sẻ.
Với nhóm cổ phiếu bất động sản, chuyên gia CSI khuyến nghị, việc giải ngân với nhóm ngành này cần hết sức thận trọng bởi doanh nghiệp ngành bất động sản đang mất kiên nhẫn khi các chính sách mới liên quan đến ngành hiện vẫn chưa có tín hiệu tích hiệu. Nếu tình hình xấu tiếp diễn sẽ xảy ra các vấn đề: sa thải nhân viên, giảm giá sản phẩm hàng tồn kho… "Các câu chuyện 'sale off' sẽ là cơ hội tốt cho nhà đầu tư trong năm 2023 mua được giá hời cổ phiếu bất động sản", ông nhận định.
Chỉ số VN-Index hiện đang kiểm nghiệm quanh vùng MA20, tâm lý lưỡng lự người mua và người bán rõ ràng. Liệu thị trường giữ được mốc này hay không rất quan trọng cho tuần này và tuần sau bởi thị trường sẽ hoặc tốt lên hoặc đảo chiều trước áp lực bán gia tăng. Nhà đầu tư nên chờ thị trường hấp thụ hết thông tin xấu của kết quả kinh doanh quý 4.
Nói về đáy dài hạn của thị trường, theo ông Đỗ Bảo Ngọc, mốc 870 của năm 2022 sẽ là đáy dài hạn vì đây là năm đã hội tụ nhiều yếu tố tiêu cực nhất. Năm 2023, khó khăn đã giảm bớt nên sẽ khó phá đáy cũ.
Kết phiên giao dịch ngày 3/2, VN-Index giảm 0,44 điểm xuống 1.077 điểm, HNX-Index giảm 0,02 điểm về 215 điểm, UPCoM-Index tăng 0,66 điểm xuống 75,54 điểm.