Doanh nghiệp hàng không chật vật, khó khăn vẫn chưa qua
(DNTO) - Dù các đường bay đã hoạt động nhộn nhịp trở lại nhưng những dấu tích của giai đoạn khó khăn vừa qua vẫn đeo bám các doanh nghiệp hàng không vận tải hành khách. Vietnam Airlines và Vietjet vẫn hiện diện khoản lỗ nghìn tỷ trong năm 2022.
Sau giai đoạn dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, năm 2022 đóng vai trò quan trọng, năm bản lề bước đầu đưa ngành này từng bước trở lại hồi phục sau Covid-19. Mặc dù vậy, giá nguyên liệu tăng cao, biến động của lãi suất, tỷ giá cùng tác động từ các yếu tố vĩ mô như cuộc chiến Nga - Ukraine, áp lực từ lạm phát khiến nhu cầu đi lại bị suy giảm, lượng khách Trung Quốc và nhiều nước bị ảnh hưởng do dịch bệnh... đã khiến các doanh nghiệp vận tải hàng không chật vật trở lại đường đua.
Quý 4, theo báo cáo tài chính mới được công bố, cả Vietnam Airlines và Vietjet đang gánh trên vai khoản lỗ lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Nguy cơ bị loại khỏi sàn chứng khoán
Báo cáo hợp nhất từ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (mã chứng khoán:HVN), trong quý cuối cùng của năm 2022, "ông lớn" của ngành đang có mức lỗ ròng hơn 2,5 ngàn tỷ đồng, tăng 127% so với cùng kỳ năm 2021 với mức âm hơn 1,1 ngàn tỷ đồng.
Gánh nặng của doanh nghiệp này được cho đến từ các nguyên nhân sau: Chi phí tài chính tăng vọt từ 280 tỷ đồng của quý 4/2021 lên hơn 1.023 tỷ đồng trong quý 4/2022, trong đó chi phí lãi vay tăng gấp đôi từ 198 tỷ lên 371 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng mạnh khoảng 4 lần từ 245 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng; giá vốn bán hàng cũng tăng gấp đôi từ 9,8 ngàn tỷ đồng lên hơn 20 ngàn tỷ đồng.
Dù doanh thu của quý sôi động nhất trong năm của "ông lớn" bật tăng gần 20 ngàn tỷ đồng nhưng quá nhiều chi phí tăng lên khi trở lại hoạt động khiến khoản lỗ mà họ phải gồng cũng bật tăng.
Tính chung cho cả năm 2022, lợi nhuận hợp nhất sau thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn trên 10 ngàn tỷ đồng, giảm so với con số âm 13 ngàn tỷ đồng của năm 2022; vồn chủ sở hữu vẫn âm trên 10 ngàn tỷ đồng.
Bức tranh kinh doanh của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam vẫn không mấy sáng sủa. Phía doanh nghiệp cho biết, họ đã hoàn thành đề án tái cơ cấu công ty cho giai đoạn 2021-2025 để khắc phục tình trạng lỗ hiện nay, đồng thời chuẩn bị điều kiện để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu ngay khi được đồng ý.
Mặc dù vậy, phía HoSE cũng vừa có văn bản cho biết, với tình hình kinh doanh hiện nay, HoSE lưu ý công ty về việc cổ phiếu HVN trước khả năng bị huỷ niêm yết nếu sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Trong 5 phiên giao dịch gần nhất, thị giá HVN đã mất hơn 11% giá trị, chốt phiên ngày 2/2 tại 13.11 đồng/cp.
Vẫn lỗ... vì đầu tư tài sản
So với Vietnam Airlines thì Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (mã chứng khoán: VJC) có kết quả kinh doanh không khá hơn nhiều. Quý 4, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của doanh nghiệp có mức lỗ hơn 2,3 ngàn tỷ đồng, tăng 2.427% so với cùng kỳ năm 2021.
Tình cảnh của doanh nghiệp này khá giống Vietnam Airlines khi doanh thu đã bật tăng so với cùng kỳ nhưng cùng đó, các khoản chi phí cũng bị đẩy lên. Giá vốn bán hàng tăng từ 2,4 ngàn tỷ lên 15,6 ngàn tỷ đồng; chi phí tài chính cũng tăng 4 lần từ gần 300 tỷ đồng lên 1,3 ngàn tỷ đồng...
Cho cả năm 2022, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của Vietjet âm tới 2,1 tỷ đồng, mức lỗ tăng mạnh 1.818% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, phía doanh nghiệp cho biết đã chuyển lợi nhuận trên 3,5 ngàn tỷ đồng về công ty mẹ để tăng cường đầu tư động cơ và tàu bay mới, phục vụ cho mục tiêu đẩy mạnh khai thác thị trường, nguyên nhân khiến doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận âm.
Điểm tích cực của VJC là tổng tài sản tăng tốt. Tại thời điểm cuối năm, số dư tiền và các khoản tương đương tiền duy trì ở mức 1,8 ngàn tỷ đồng, đáp ứng tốt nhu cầu thanh khoản cho hoạt động kinh doanh.
Hiện cổ phiếu VJC đang được giao dịch ở mức cao 112.000 đồng/cp.
Dù kết quả kinh doanh được ghi nhận khá ảm đạm nhưng ngành hàng không lại được kỳ vọng nhiều trong năm tới. Theo nhiều chuyên gia, ngành hàng không sẽ còn phải đối mặt với các thách thức như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, suy giảm nhu cầu do nền kinh tế bị tác động... tuy nhiên, lợi thế cho ngành lại khá nhiều như: giá dầu giảm sẽ hỗ trợ lợi nhuận doanh nghiệp; nhu cầu dồn nén về du lịch quốc tế sau giai đoạn dịch bệnh; tính chất quan trọng trong hoạt động vận tải của ngành...
Với các cổ phiếu hàng không, SSI Research khuyến cáo, nhà đầu tư nên chú ý các vấn đề: Quá trình tái cấp vốn của các hãng hàng không sẽ gây ra rủi ro pha loãng, do đó nhà đầu tư nên chờ đợi quá trình này hoàn tất, ước tính diễn ra vào năm 2023.
Ngoài ra, "cơ sở hạ tầng tại các sân bay lớn, trong đó sản lượng khách trong nước đã vượt mức trước Covid-19 và cảng hàng không nội địa chính tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã vượt công suất thiết kế, trong khi các dự án mở rộng chưa bắt đầu", SSI cho biết.