Cắt giảm hơn 16.300 tỷ đồng nhưng vẫn khó khăn, Vietnam Airlines kiến nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ
(DNTO) - Thị trường quốc tế hiện mới phục hồi được khoảng 50% sau 10 tháng trong khi tình hình thế giới còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, giá nhiên liệu tăng cao..., khiến các doanh nghiệp trong ngành hàng không vẫn gặp không ít khó khăn. Các doanh nghiệp mong có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa.
Nguồn khách chính vẫn hạn chế
Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón hơn 81 triệu lượt khách qua các cảng hàng không và con số này được dự báo đạt 100 triệu lượt trong năm nay, gần tiệm cận con số 120 triệu lượt khách thời điểm 2019, theo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải).
Chia sẻ trong tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn để ngành hàng không phục hồi và phát triển sau đại dịch”, sáng 14/11, ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng vận tải, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh, trong khi lượng khách du lịch là nguồn khách chính của ngành hàng vẫn còn rất hạn chế. Chưa kể, kinh tế thế giới đối diện với lạm phát cao dẫn đến nhu cầu du lịch quốc tế sụt giảm do người dân thắt chặt chi tiêu. Điều này tác động không nhỏ đến việc phục hồi thị trường hàng không quốc tế Việt Nam.
“Thị trường Nga gần như đóng băng toàn bộ. Với Trung Quốc, sau nhiều nỗ lực, đã cho phép bay trở lại với tần suất 16 chuyến bay/tuần mỗi bên nhưng cũng chỉ như "muối bỏ bể" so với 2019 với 600 chuyến bay/tuần. Trong một thời gian dài, các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan vẫn duy trì các biện pháp chống dịch, chưa tạo điều kiện cho du lịch quốc tế, chỉ mở của trở lại trong thời gian gần đây”, ông Đăng nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, chi phí nhiên liệu tăng cao là trong những áp lực rất lớn với các doanh nghiệp hàng không. Ông Phạm Thanh Sơn, Phó Trưởng Ban Kế hoạch thị trường, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ước tính, mức giá nhiên liệu bình quân 10 tháng đầu năm gấp 2,2 lần cùng kì năm ngoái và hơn 2,6 lần giai đoạn trước dịch.
“Ước tính 10 tháng đầu năm, chi phí của Vietnam Airlines tăng thêm 6.351 tỷ đồng, dự kiến cả năm tăng thêm 7.836 tỷ đồng (so với trước đại dịch), gây áp lực rất lớn lên doanh nghiệp. Trong khi đó, với thị trường nội địa, Bộ Giao thông Vận tải vẫn duy trì mức giá trần theo Thông tư 17 dựa theo mức giá trần xác định từ năm 2015 theo thông tư 36, khi giá nhiêu liệu hàng không chỉ ở mức 56,9 USD”, ông Đăng cho biết.
Cũng theo đại diện Vietnam Airlines, 2 năm qua, hãng hàng không này tiếp tục cắt giảm chi phí triệt để, tái cơ cấu tổ chức. Các giải pháp thanh lý tài sản cố định và thoái vốn đã giúp Vietnam Airlines bổ sung thu nhập 804 tỷ đồng, bổ sung dòng tiền 1.342 tỷ đồng. Tổng chi phí cắt giảm được ước đạt 16.357 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2025, hãng cho biết tiếp tục xác định giải pháp trọng tâm tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp.
“Chúng tôi đề xuất, kiến nghị với nhà nước – với vai trò là cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines, tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ đối với ngành hàng không nói chung, hãng hàng không quốc gia nói riêng để nhanh chóng phục hồi, nắm bắt cơ hội phát triển hậu đại dịch”, ông Phạm Thanh Sơn, cho biết.
Khi giá nhiên liệu tăng cao, kéo theo giá vé máy bay cũng tăng, ảnh hưởng đến ngành du lịch. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc AZA Travel ước tính, giá vé máy bay chiếm tới 30% đến 50% với một tour trọn gói. Tại đợt cao điểm du lịch hè năm nay, giá vé tăng từ 20% đến 40% so với những năm trước, làm giảm nhu cầu du lịch và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp du lịch vực dậy sau khủng hoảng.
“Có một thực tế là vé máy bay tăng cao, nhiều khách hàng muốn đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phúc Quốc đã phải chọn du lịch Vịnh Hạ Long, Sầm Sơn”, ông Đạt cho hay.
Nỗ lực trở lại
Trong năm nay, việc nới lỏng các biện pháp chống dịch đã giúp thị trường hàng không Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục từ tháng 3, đặc biệt là thị trường nội địa.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngay từ tháng 4, mức tăng trưởng thị trường hàng không nội địa đã tương đương cùng kỳ năm 2019. Với sự bùng nổ của nhu cầu trong dịp hè, thị trường nội địa đã hồi phục hoàn toàn và có sự tăng trưởng trên 30% vào các tháng 7,8 so với so cùng kỳ năm 2019.
Đối với thị trường quốc tế, tốc độ hồi phục diễn ra chậm, tốc độ tăng trưởng không như kỳ vọng, thị trường quốc tế mới đạt 26% so với năm 2019 mặc dù Việt Nam đã dỡ bỏ các hạn chế đối với hành khách nhập cảnh từ 15/3, khôi phục lại chính sách miễn thị thực cho 25 quốc gia từ tháng 5.
Nhận định về cơ hội phục hồi và phát triển của doanh nghiệp hàng không Việt Nam trong thời gian tới, ông Phạm Thanh Sơn, nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển, chính trị xã hội ổn định, đồng thời du lịch khi đạt các giải hàng đầu về MICE, điểm đến tại Châu Á theo World MICE Awards và World Travel Awards. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho khách MICE (nhóm khách cho các sự kiện lớn).
“Với ngành hàng không, khi Chính phủ tiếp tục đầu tư, nâng cấp các sân bay nội địa: Côn Đảo, Điện Biên, Long Thành, nhà ga mới tại Tân Sơn Nhất… cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng ngành hàng không, thu nhập người dân tăng lên và thói quen đi lại bằng máy bay ngày càng phổ biến, thị trường hàng không nội địa đang tiếp tục tăng trưởng rất tốt sẽ tạo môi trường thuận lợi cho ngành hàng không phát triển”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đại diện công ty AZA Travel mong muốn Chính phủ giải quyết sớm vấn đề visa để vực dậy hoạt động du lịch; đồng thời ngành du lịch và hàng không cần liên kết chặt chẽ với nhau hơn nữa trong các chương trình kích cầu, quảng bá, xúc tiến thị trường truyền thống cũng như các thị trường mới. Đặc biệt, ngành hàng không cần cải thiện chất lượng dịch vụ, cụ thể là giảm tối tối đa tình trạng hoãn, huỷ nhằm hạn chế khó khăn cho doanh nghiệp cũng như tránh sự bức xúc của du khách.