Chỉ số chứng khoán Mỹ tăng kỷ lục sau báo cáo lạm phát đầy triển vọng
(DNTO) - Báo cáo lạm phát khả quan đẩy các chỉ số chứng khoán Mỹ Dow, Nasdaq, S&P tăng cao dữ dội. Các nhà đầu tư "đánh cược" vào việc Fed sẽ giảm tiến độ tăng lãi suất cho năm 2023.
Giá cổ phiếu Mỹ đã có sự tăng trưởng cao nhất trong vòng hai năm qua, ngay sau khi báo cáo lạm phát thấp hơn dự đoán được tung ra, đem triển vọng cho việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không vội đưa ra mức tăng lãi suất trong thời gian tới.
Sự tăng vọt chóng vánh của giá cổ phiếu ngày vừa qua cho thấy mức ảnh hưởng của lạm phát đến quyết định của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Trong hầu hết năm 2022, nền kinh tế Mỹ đã trở nên uể oải hơn dự đoán của nhiều nhà đầu tư. Lạm phát cao đã buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng mức lãi suất cao nhất trong vòng vài thập kỷ qua - khiến lợi suất trái phiếu tăng cao và ép thị trường chứng khoán vào chiều hướng thuyên giảm tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó.
Đó cũng là lý do tại sao bản báo cáo lạm phát được tung ra hôm 11/11 đã làm các nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm. Theo bản báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - ngoại trừ giá năng lượng và thực phẩm dễ biến đổi, tăng 6.3% so với tháng 10 năm ngoái, thấp hơn mức 6.5% đã được dự đoán bởi các nhà phân tích kinh tế, và đã giảm nhiều so với mức tăng kỷ lục hồi tháng 9. Nhìn chung, lạm phát chỉ còn 7.7%, xuống từ mức 8.2% trong tháng 9. Đây là mức lạm phát thấp nhất kể từ tháng 1, trước khi chiến sự Nga - Ukraine đẩy giá vật phẩm trên thị trường lên mức đáng ngại.
Những thông số này đã “nhóm lửa” cho hy vọng Fed sẽ giảm mức độ tăng lãi suất cho năm 2023.
Vừa lúc mở cửa, thị trường chứng khoán Mỹ đã rầm rộ đua nhau leo dốc. Vào lúc 4g30 sáng 11/11: S&P 500 tăng 207.80 điểm, tương đương 5.5% và chạm ngưỡng 3956.37. Trong khi đó, chỉ số chuyên ngành công nghệ Nasdaq Composite nhảy 760.97 điểm (7.4%), đạt 11114.15. Chỉ số Dow Jones Industrial Average “bay” cao ngất ngưởng, thêm 1201.43 điểm, bằng 3.7%, trở thành 33715.37.
Cả ba chỉ số đã có một ngày tăng kỷ lục cao nhất kể từ thời kỳ gian nan của đại dịch Covid-19 trong năm 2020.
Trước đó, trong một cuộc họp báo, Chủ tịch Fed - Jerome Powell, đã cho biết ông không nhất thiết phải có các con số lạm phát thấp để Fed giảm tiến độ tăng lãi suất. Có nghĩa là bảng báo cáo lạm phát đầy triển vọng kia còn có sức nặng hơn thế nữa. Các nhà đầu tư tin rằng nền kinh tế đang ở vị trí tốt nhất để Fed bắt đầu nghĩ đến việc ngừng mức tăng lãi suất.
Jay Hatfield - Nhà quản lý danh mục đầu tư của Infrastructure Capital Advisors, dự đoán lạm phát sẽ còn giảm trong năm tới nếu giá năng lượng tiếp tục được giao dịch ở mức thấp như hồi quý 1/2022.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn còn rất lưỡng lự, tin rằng thị trường chứng khoán đang có phản ứng thái quá, nhất là khi lạm phát vẫn còn cao.
Thị trường từng chứng kiến phản ứng tương tự như thế này. Giá cổ phiếu từng tăng vào mùa hè vừa qua với tin Fed có thể ngưng thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm tới. Nhưng các điểm được tăng tồn tại ngắn ngủi. Thị trường đã thụt lùi trong tháng 8 và tháng 9, do bị áp lực của tin Fed dự tính tiếp tục tăng lãi suất và kèm theo đó là các thông số lạm phát trong thời điểm đó vẫn còn rất “nóng”.
Các nhà phân tích và đầu tư vẫn cho rằng thị trường sẽ trông chờ rất nhiều vào chỉ số lạm phát và ảnh hưởng của nó đến xu hướng hoạch định chính sách của Fed.
Trước lần Fed thông báo chính sách cuối cùng của năm vào tháng 12 này, vẫn còn có một báo cáo con số lạm phát tháng 11 của Bộ Lao động Mỹ, và cả báo cáo các con số của thị trường việc làm. Các chuyên gia của Bank of America cho biết, quyết định tăng 0.5% hay 0.75% lãi suất của Fed sẽ được tính toán dựa vào các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang dần hồi phục.
Nhưng ngay vào lúc này, các nhà đầu tư đã bắt đầu “đặt cược” vào việc Fed sẽ tung ra các chính sách nhẹ nhàng hơn trong các tháng tới. Các mức tăng trong ngày lan rộng ra tất cả các ngành. Bảng chỉ số S&P 500 “xanh rì”, với 96% cổ phiếu đồng loạt tăng.
Chỉ số KBW Nasdaq Bank Index, vốn theo dõi các tổ chức cho vay như Bank of America hay JPMorgan Chase, tăng 5.8%.
Các cổ phiếu của những công ty sản xuất, thường nhạy cảm với dự đoán kinh tế, cũng đã tăng. Boeing tăng $8.84, tương đương 5.2%, lên thành $177.58. 3M, công ty chuyên sản xuất các sản phẩm tiêu dùng và thiết bị an toàn, thêm $5.32 (4.3%), đạt mức $129.15/ cổ phiếu.
Ngay cả trái phiếu cũng bị ảnh hưởng. Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm Mỹ rớt xuống còn 3.828% từ mức 4.149% của ngày hôm trước. Đây là mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 3/2009. Lợi tức trái phiếu giảm khi giá tăng.
Mặc dù đang bị “lùm xùm” với tin một trong những nền giao dịch tiền tệ crypto lớn nhất thế giới - FTX, đang bị lụn bại, nhưng tiền tệ ảo cũng tham gia tăng theo. Bitcoin nhảy lên thành $18,080.76, tăng 15%. Ether tăng 21%, thành $1,336.02. Cổ phiếu Coinbase tăng đến 11%, đạt mức $50.92.
Ở nơi khác, chỉ số Stoxx Europe 600 của châu Âu tăng 2.7%, chỉ số Nikkei của Nhật Bản xuống 1%.