Thị trường chứng khoán lưỡng lự chờ đợi thông tin lạm phát
(DNTO) - Giá cổ phiếu chứng khoán Mỹ tăng lại vào thứ Sáu này (giờ địa phương), với việc các nhà đầu tư đang xem xét những chỉ số thị trường việc làm, thông số lạm phát sẽ được công bố vào tuần tới, cũng như tìm kiếm hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm mức tăng lãi suất.
Trong những ngày vừa qua, thị trường chứng khoán đã hứng chịu nhiều áp lực từ các ngân hàng trung ương, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Anh Quốc, khi họ tăng lãi suất dữ dội nhằm tìm cách khống chế lạm phát.
Theo đó, Ngân hàng Anh Quốc đã tăng 0.75% lãi suất, mức cao nhất từ năm 1989, và dự đoán nền kinh tế Anh sẽ phải đối mặt suy thoái kinh tế kéo dài ít nhất 1 năm.
Ở phía Mỹ, sau khi Fed tăng 0.75%, đẩy mức lãi suất lên 3.75% đến 4%, đã có dự đoán Fed sẽ tiếp tục tăng 0.5% vào tháng 12 và đạt mức đỉnh điểm 5.1% vào năm sau.
Thông số về thị trường việc làm tháng 10 vừa được tung ra trong ngày cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn còn mạnh, nhưng cũng đã có dấu hiệu bắt đầu “nguội lạnh”. Cục Lao động Mỹ cho biết các nhà tuyển dụng đã thêm 261.000 việc làm trong tháng 10, một con số khả quan nhưng đánh dấu tháng có số việc làm thấp nhất từ 12/2020. Tỉ lệ thất nghiệp dâng cao 3.7%. Chỉ số mức lương tăng trong tháng 10 nhưng đang dần chậm lại trong năm.
Báo cáo này cho thấy viễn cảnh của một thị trường đang trên đà yếu dần sau một thời gian tăng mạnh mẽ trong năm ngoái và đầu năm nay.
Những thông tin đó được đặt trên “cán cân” của các nhà đầu tư, giá cổ phiếu đã có một ngày đầy biến động. Vào buổi sáng, các chỉ số chứng khoán chủ chốt nhảy lên xuống một cách lưỡng lự, với giá cổ phiếu tăng rồi lại giảm thành mức âm, vất vưởng ở mức không tăng mà cũng không giảm. Đến trưa, các chỉ số chứng khoán tăng nhẹ và kết thúc ở mức tăng vào cuối ngày giao dịch.
Chỉ số S&P500 hoãn đà xuống liên tục trong 4 ngày qua, nay tăng được 50.66 điểm, lên 1.4%. Chỉ số Dow thêm được 401.9 điểm, tăng 1.3%. Nasdaq Composite nhảy lên 132.31 điểm, tăng 1.3%.
Với hầu hết các công ty tham gia trong S&P 500 đã công bố lợi nhuận, chỉ số lợi nhuận có thể tăng 2.1% trong quý 3 (so với cùng kỳ năm ngoái), nghĩa là thấp hơn mức 9.7% dự đoán bởi các chuyên gia.
Những báo cáo lợi nhuận gây ảnh hưởng rất lớn đến giá cổ phiếu của từng công ty. Cổ phiếu Starbucks nhảy lên $7.18, tăng 8.5%, lên thành $91.86/ cổ phiếu, sau khi công ty này công bố con số lợi nhuận kỷ lục trong quý vừa qua. Paypal lại giảm 1.8% giá cổ phiếu, xuống còn $75.18, sau khi họ dự đoán lợi tức trong tương lai không mấy khả quan.
Mặc dù các nhà đầu tư không quá lo lắng như trong thời kỳ đại dịch Covid-19, nhưng mức độ biến động như thế sẽ còn dai dẳng trong những ngày tới. Thị trường vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề, kèm theo đó là những báo cáo lợi nhuận của các công ty đang được tung ra liên tiếp. Tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là sự kiện công bố các chỉ số lạm phát, sắp sửa diễn ra vào thứ Năm tuần sau.
Tuy vậy, nhà phân tích Michael Arone - Chiến lược gia đầu tư trưởng của SPDR Americas, gợi ý rằng các nhà đầu tư có thể sẽ dần chấp nhận hiện thực của lãi suất tăng cao. Với các con số hôm nay dừng ở mức tăng, có thể cho thấy sự hồi phục nhẹ của sự tự tin vào thị trường.
Giá dầu tăng, với chỉ số quốc tế Brent thêm 4.1%, hiện đang được giao dịch với giá $98.57 cho một thùng. Chỉ số dầu hoả Mỹ West Texas Intermediate tăng 5.1%, với giá $92.64/ thùng. Các nhà đầu tư đang đánh cược vào việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ dẫn đến nhu cầu tăng cao.
Ở các nước khác, chỉ số chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ hy vọng vào chính sách mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 ở nước này. Chỉ số Shanghai Composite Index tăng 2.4% và chỉ số Hang Seng Index của Hồng Kông tăng 5.4%. Chỉ số Stoxx Europe 600 của châu Âu tăng 1.8%.