Cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản tiếp tục giảm sau hội nghị bàn cách 'gỡ khó' của Ngân hàng Nhà nước
(DNTO) - Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục rơi vào giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 9/2, trong đó có thể kể đến các mã như VIC, HVM, DXS, PDR, NVL...
Dù có nhiều thông tin tốt sau Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức vào ngày 8/2 như: lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại có quan điểm ủng hộ về việc giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và vay bất động sản nói riêng; Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ... nhưng nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn tiếp tục một phiên giao dịch không mấy tích cực.
Mã VHM giảm sâu 2,7%, trở thành một trong những mã tác động mạnh nhất đến sự giảm điểm của thị trường trong phiên, chỉ sau VCB. Tiếp đó là VIC giảm 0,37%; NLG giảm 1,3%; PDR giảm 2,4%; NVL giảm 1,05%... Toàn nhóm chỉ duy nhất một mã tăng trần là PTL với mức tăng 6,9%; 28 mã tăng giá và có tới 36 mã giảm giá, 16 mã đứng giá.
Tổng cộng có gần 70 triệu cổ phiếu thuộc nhóm này được khớp lệnh với giá trị tương ứng hơn 1,1 ngàn tỷ đồng.
Dù ít nhiều đã có sự điều chỉnh nhưng đà giảm vẫn là chủ yếu với nhóm bất động sản trong khoảng một năm qua. Làn sóng bán giải chấp, cùng đó là nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh eo hẹp thanh khoản khi lãi suất tăng cao, huy động trái phiếu bị siết chặt, khối lượng lớn trái phiếu đến kỳ đáo hạn... có thể nói, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Các giải pháp để cải thiện tình hình thanh khoản của họ là vô cùng cần thiết.
Theo nhiều chuyên gia, năm 2023 sẽ là năm tái cấu trúc và sàng lọc các doanh nghiệp bất động sản nhà.
Trở lại với thị trường chứng khoán, bên cạnh nhóm bất động sản, các nhóm vận tải, thực phẩm - đồ uống cũng ghi nhận một phiên giảm giá. Ở chiều ngược lại, các nhóm như chế biến thuỷ sản, khai khoáng lại giữ mức tăng tốt trên 3%, dẫn đầu thị trường.
Chỉ số VN-Index giảm hơn 8 điểm, chốt phiên tại 1.064 điểm; HNX-Index tăng 0,3 điểm, đạt 210,91 điểm; UPCoM-Index tăng 0,82 điểm, đạt 77,25 điểm.
Xu thế của thị trường ngày càng khó đoán định khi xuất hiện tình trạng giằng co lên xuống bất ngờ. Ở quan điểm ngắn hạn, theo Chứng khoán Yuanta, thị trường có thể sẽ giảm nhẹ và chỉ số VN-Index khả năng biến động trong vùng 1.054-1.070 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp.
"Thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên có thế sẽ tiếp tục đi ngang với biên độ hẹp và các phiên tăng giảm đan xen, đặc biệt dòng tiền có thể sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm và ở mức bi quan", Yuanta nhận định.
Với góc nhìn trung - dài hạn, theo Công ty Chứng khoán SHS, có thể chỉ số VN-Index đã hình thành đáy và bắt đầu quá trình hồi phục nhưng vẫn đang đối diện nhiều rủi ro.
"Với những diễn biến khó khăn trên thị trường tín dụng, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu... sẽ đe dọa khả năng hình thành uptrend trở lại sớm, kịch bản tích cực mà chúng tôi kỳ vọng là VN-Index duy trì được nền tảng cân bằng quanh 1.000 - 1.050 điểm để tích lũy", SHS dự báo.
Do vậy, theo các chuyên gia, cơ hội để giải ngân đầu tư trung, dài hạn vẫn đang xuất hiện và các nhà đầu tư nên chú ý đặc biệt ở nhóm các cổ phiếu mạnh ít chịu ảnh hưởng của downtrend và các cổ phiếu hồi phục sớm đang có xu hướng vượt đỉnh.