'Cứu' thị trường bất động sản như thế nào?
(DNTO) - Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước rủi ro cạn kiệt thanh khoản. Thị trường bất động sản chưa bao giờ khó khăn như hiện tại.
Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức vào ngày 8/2, các doanh nghiệp bất động sản đã đưa ra hàng loạt đề xuất để "cứu" thị trường trong giai đoạn khó khăn này: hỗ trợ lãi suất, nới room, có các chính sách đặc thù cho các dự án lớn... hay các giải pháp để tái cấu trúc nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp.
Khó khăn đối với nguồn vốn đang đẩy các doanh nghiệp đi vào khó khăn mà theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, 2023 được xem là năm quyết định "sống còn" đối với các doanh nghiệp nếu vấn đề không được hỗ trợ giải quyết.
Thống kê được đưa ra tại hội nghị, tính đến thời điểm cuối năm 2022, dư nợ tín dụng của lĩnh vực này đã đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2021 và cũng là con số cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Dư nợ tín dụng của ngành này đang chiếm tỷ trọng 21,2%, tức hơn 1/5, tổng dư nợ của nền kinh tế, một tỷ lệ không hề nhỏ khi so với các ngành kinh tế khác đang cho thấy các tổ chức tín dụng vẫn cấp đều tín dụng cho lĩnh vực này.
Trong khi đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị: "Tôi khẳng định NHNN chưa có văn bản, phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng bất động sản. Đó chỉ là chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro như phân khúc có tỷ lệ đầu cơ lớn,… để đảm bảo an toàn hệ thống".
Như vậy, tín dụng với ngành bất động sản chỉ là câu chuyện khó hay dễ hơn chứ không hoàn toàn siết lại như nhiều người thường nghĩ.
Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, họ sẽ phải lựa chọn những khách hàng đủ tiêu chuẩn, đảm bảo cho dòng vốn của họ được an toàn. Với kênh trái phiếu, với các quy định chặt chẽ, các doanh nghiệp khó phát hành hơn và phải xoay sở khi các kỳ đáo hạn gần kề. Cùng đó, lãi suất tăng cao theo xu hướng chung trên toàn thế giới trước áp lực lạm phát. Nhu cầu người dân trong nước chững lại.
Có lẽ nhiều ngành nghề đều bị ảnh hưởng chứ không riêng gì ngành bất động sản khi mà đã qua thời "xông xênh" dòng vốn, mọi thứ thuận lợi.
Theo quan điểm cá nhân của mình, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của SSI, phát biểu tại chương trình Bí mật đồng tiền cho biết, khi có sự việc gì xảy ra các ngành mong muốn có chính sách nọ chính sách kia để được hỗ trợ qua giai đoạn khó khăn. Với ngành bất động sản cũng vậy, tuy nhiên nên duy trì quan điểm là phải để doanh nghiệp tự xử lý vấn đề của mình trước.
"Nhiều doanh nghiệp đã tự tạo vấn đề này cho chính họ. Vì vậy nếu họ đã vay phải tự tìm cách mà trả, nếu không phải tự bán dự án để trả, dự án giá cao thì cần hạ giá để bán", ông Hưng cho biết.
"Chính sách hỗ trợ ngành bất động sản cần hướng tới các phân khúc có nhu cầu cao: phân khúc cho người thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Tôi nghĩ hỗ trợ nên đi vào hướng này chứ không phải đưa ra gói hỗ trợ nào đó mang tính chất "mù quáng" cho doanh nghiệp, để tạo ra nợ xấu tiếp theo cho hệ thống ngân hàng là điều không nên", ông Hưng nhận định.
Trước đó, ông Lê Hoàng Châu từng nhận định, để xảy ra tình trạng thị trường khó khăn cũng có trách nhiệm của doanh nghiệp bởi đã đầu tư dàn trải, cơ cấu sản phẩm không phù hợp với thị trường.
“Doanh nghiệp cần phải giảm kỳ vọng lợi nhuận, thậm chí sẵn sàng bán, chuyển nhượng những dự án không đủ sức đầu tư tiếp để có thể cơ cấu, tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu lại đầu tư", ông Châu nhận định.
Dẫu biết ngành bất động sản đang đứng trước nhiều thách thức nhưng bất động sản cũng là một ngành nghề cần bình đẳng như những lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Đã đến lúc nhà đầu tư, người mua nhà cũng phải cùng hợp lực nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản, chứ không chỉ từ góc độ nhà nước, doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu cho biết.