Chủ tịch HoREA: 'Đề nghị NHNN cho phép cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ để dòng tiền quay lại doanh nghiệp'
(DNTO) - Nguồn lực cho vay ngày càng ít, doanh nghiệp bất động sản ngày càng kiệt quệ và đứng trước nguy cơ bị thôn tính dự án. Trong bối cảnh "cạn" tiền, HoREA kiến nghị Ngân hàng nhà nước sẽ ban hành thông tư về cơ cấu nợ bởi dòng tiền vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp bất động sản.
Vốn cho bất động sản đang là câu chuyện nóng nhất hiện nay. Thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 67,3-71,3% tổ chức tín dụng dự kiến “không đổi”; 21,7- 16,1% tổ chức tín dụng dự kiến “thắt chặt” và 10-12,6% tổ chức tín dụng dự kiến “nới lỏng” các điều khoản, điều kiện cho vay tổng thể tương ứng đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp (chủ yếu “thắt chặt” đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản, cho vay kinh doanh chứng khoán) và nhóm khách hàng cá nhân.
Chưa kể, ngay cả khi lãi suất bớt căng và room tín dụng rộng rãi hơn thì không phải doanh nghiệp bất động sản nào cũng có thể dễ vay vốn ngân hàng. Theo phản ánh của doanh nghiệp, đầu tư dự án nhà ở xã hội đang phải vay với mức lãi suất cao ngang ngửa với lãi vay đầu tư dự án nhà ở thương mại.
“Hiện nay, chúng tôi phải vay vốn đầu tư nhà ở xã hội với lãi suất 14%/năm. Với mức lãi vay này, làm sao có thể khiến giá nhà ở xã hội giảm xuống?”, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng- Thương mại Lê Thành trần tình.
Trong văn bản gửi Thủ tướng và ngân hàng nhà nước (NHNN) ngày 22/12/2022, Chủ tịch HoREA cho biết, doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vẫn khó tiếp cận vốn vay, lý do là không đáp ứng được chuẩn tín dụng của các ngân hàng. Do đó, HoREA kiến nghị NHNN trình Chính phủ xem xét nới chuẩn tín dụng trong ngắn hạn từ nay đến hết 2023 để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người mua nhà.
Thống kê chưa đầy đủ từ báo cáo tài chính năm của các công ty bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán, tính đến cuối năm 2022, giá trị hàng tồn kho là quỹ đất và các dự án xây dựng dở dang lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, tăng rất mạnh so với trước đó. Điều này có nghĩa số vốn rất lớn đang nằm trong đất nhưng doanh nghiệp lại không xoay được tiền để triển khai tiếp.
Trong báo cáo nhà ở và thị trường bất động sản quý IV/2022 và cả năm 2022, Bộ Xây dựng dẫn báo cáo của NHNN Việt Nam cho biết, tính đến 31/12/2022 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản gần 800.000 tỷ đồng...
Phát biểu tại Toạ đàm với chủ đề “Nghị quyết 01 - đột phá hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định: Thị trường bất động sản đang rất khó khăn. 2022 là năm có thể nói khắc nghiệt nhất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng bất động sản. Điều đáng nói, năm 2023, doanh nghiệp bất động sản sẽ phải chịu áp lực lớn từ các đợt trái phiếu đến hạn, bên cạnh đó là nhu cầu tất toán trước hạn của nhà đầu tư, đây là "khúc cua" mang tính sống còn của doanh nghiệp bất động sản.
Không những thế, ông Châu chỉ rõ khó khăn hiện hữu bao trùm khi sắp tới đây ngân hàng ấn định vốn cho vay còn ít hơn nữa. Từ ngày 01/10/2022, theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng điều chỉnh từ 37% xuống 34%. Đến 01/10/2023 sẽ tiếp tục giảm còn 30%...
"Do đó, kiến nghị NHNN cho giãn thêm thời gian, vì nếu tỷ lệ này xuống còn 30% từ 01/10/2023 thì có nghĩa các ngân hàng thương mại sử dụng 100 đồng chỉ còn dùng 30 đồng cho bất động sản. Điều đó có nghĩa, nguồn lực cho vay ngày càng ít đi trong khi các doanh nghiệp đang kiệt quệ”, ông Châu nhận định.
"Vừa qua, khi nhà thầu dừng triển khai dự án, nhiều công nhân đã mất việc, nhiều doanh nghiệp giảm lương 50% nhân sự, giảm lương 80%. Có doanh nghiệp kiếm vay tiền cho nhân sự lương tháng 13 cũng không có. Nếu năm 2023 này, không có giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp nói chung doanh nghiệp bất động sản nói riêng sẽ có kết quả không tốt.", ông Châu thông tin.
"Hiện nay chúng tôi cũng đang lo về nguy cơ thôn tín dự án bất động sản, nên mong NHNN hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Nếu không được cơ cấu nợ, doanh nghiệp không có tiền triển khai dự án, dòng tiền sẽ không quay trở lại doanh nghiệp", ông Châu bày tỏ.
Theo Chủ tịch HoREA, hiện nay tình hình đang rất lo về nguy cơ thôn tính dự án bất động sản. Nên mong NHNN vận dụng Nghị quyết 14 hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân...
"Tới đây chúng tôi sẽ đề nghị NHNN xây dựng thông tư riêng trong đó có cho phép cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ, vì dòng tiền vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp bất động sản. Khi dòng tiền luân chuyển có lợi các bên mà khởi đầu là từ các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản. Khi có tiền, dự án được triển khai, người mua có sản phẩm mua thì dòng tiền này sẽ quay lại doanh nghiệp..." Chủ tịch HoREA cho hay.