Đã đến lúc không chọn cổ phiếu theo nhóm ngành?
(DNTO) - Không chạy theo tâm lý bầy đàn hay xu thế nhóm ngành nào, trong năm 2023, nhà đầu tư cần chú ý đến từng doanh nghiệp cụ thể, dựa trên kiến thức của mình để lựa chọn cổ phiếu, ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc phụ trách Danh mục đầu tư Dragon Capital, cho biết.
Đại diện Quỹ Dragon Capital nhận định: "2023 sẽ là năm kiếm được tiền nếu nhà đầu tư chứng khoán tự tin đầu tư".
Ông Vũ Hữu Điền chia sẻ tại Tọa đàm "Nhận diện 2023: Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới": "Tự tin" với nhà đầu tư chính là không sợ hãi khi ai cũng lo lắng, luôn ở tâm thế đề phòng rủi ro và đặc biệt phải biết phân tích lựa chọn cổ phiếu chứ không chạy theo tâm lý bầy đàn hay xu thế nhóm ngành cụ thể nào.
Nhận định của Giám đốc phụ trách Danh mục đầu tư Dragon Capital khá phù hợp trong bối cảnh kết thúc quý 4/2022, các nhóm ngành đã cho thấy một bức tranh kinh doanh không mấy tích cực: Lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp ngành thép niêm yết giảm sâu hơn 155% so với quý 4/2021; ngành chứng khoán giảm hơn 96%; ngành bán lẻ giảm 50%... Đây là "lần đầu tiên kể từ 2008, lợi nhuận một quý của toàn thị trường có mức giảm trên 30% so với cùng kỳ", SGI Capital nhận định.
Thực tế, quý 4/2022, chỉ khoảng 1/5 nhóm ngành có tăng trưởng lợi nhuận ròng với mức cao nhất, khoảng 30%, thuộc về ngành dịch vụ tiện ích.
Việc tìm về cổ phiếu các doanh nghiệp cụ thể sẽ là bài toán hợp lý trong giai đoạn hiện nay, theo gợi ý của ông Điền. Ví dụ, ngành bất động sản đang khá rủi ro nhưng trong ngành vẫn có nhiều công ty có quỹ đất sạch, pháp lý tốt, có dự án triển khai sẽ là cơ hội tốt cho nhà đầu tư.
Năm 2021 là giai đoạn tiền rẻ, năm 2022 là giai đoạn thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy cao, dẫn đến kết quả kinh doanh quý 4 không tốt, quý 1 cũng khó khả quan. "Nhưng theo tôi, các doanh nghiệp sẽ phục hồi dần dần. Doanh nghiệp năng động phải tự kiếm cách giải bài toán của mình. Chính phủ nghĩ cách giải khó cho người dân. Môi trường lãi suất cao không thể kéo dài do bất động sản không hỗ trợ sẽ nhiều hệ luỵ, ngân hàng sẽ có vấn đề", ông Điền nhận định.
Trong môi trường lãi suất cao như hiện nay, sự phân hoá giữa các doanh nghiệp sẽ khó tránh khỏi. Câu chuyện với nhà đầu tư vẫn là làm sao tìm được cho mình những doanh nghiệp có tăng trưởng ổn định, chất lượng tài sản tốt...
"Tuy nhiên, nếu cổ phiếu tăng 5-10 lần trong khi công ty không có chuyển biến lớn về kinh doanh thì thật sự phi lý. Thực tế, có những người tham gia điều tiết “cuộc chơi” ấy đã bị xử lý, công ty cũng trở về giá trị thực", ông Điền chia sẻ.
Chung quan điểm với ông Điền, Quỹ SGI Capital cũng cho biết: "Giai đoạn tới, tâm điểm thị trường có thể chuyển dịch qua triển vọng kinh doanh của từng doanh nghiệp". Mặc dù vậy, rủi ro lớn lại là đà suy giảm lợi nhuận các doanh nghiệp có thể vẫn tiếp diễn trong quý 1 và quý 2 năm nay, điều này có thể khiến định giá P/E của nhiều cổ phiếu trở nên bớt hấp dẫn.
Theo quỹ này, ngay ngân hàng - ngành tăng trưởng tốt trong quý 4, cũng bị tác động bởi xu hướng thu hẹp NIM, chất lượng tài sản đang xấu đi và nợ nhóm 2 tăng mạnh, nhu cầu tín dụng đang thấp hơn kỳ vọng các ngân hàng khi nhiều khoản vay lãi suất cao được khách hàng chủ động tất toán, dư nợ mới tập trung vào các khoản vay ngắn hạn với lãi suất thấp hơn.
Dù vậy, thị trường vẫn có yếu tố tích cực là: "Lãi suất đã tạo đỉnh, nhà đầu tư ngoại mua ròng và tỷ lệ margin trên thị trường đã giảm 40% từ đỉnh sẽ giúp thị trường bớt áp lực cung trong những đợt điều chỉnh trong thời gian tới", SGI nhận định.