Sếp Viettel IDC khoe được hưởng lợi khi đầu tư ESG
(DNTO) - ESG không chỉ giúp Viettel tiếp cận nguồn tài chính dễ dàng hơn mà còn giúp giá trị thương hiệu thêm hàng tỷ USD.
Ông Hoàng Văn Ngọc, CEO Viettel IDC cho biết các ‘ông lớn’ công nghệ như Microsoft, IBM, Saleforce, LG, Cisco, SAP… đều đang dẫn đầu trong khoản đầu tư vào ESG (theo Verdict, 2022). Bởi ESG đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược của doanh nghiệp. Đây là bộ tiêu chuẩn đo lường những yếu tố liên quan đến hoạt động phát triển bền vững của một doanh nghiệp về quản trị, môi trường và xã hội.
ESG giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro, nâng cao uy tín và thương hiệu, giúp tiếp cận khách hàng và đối tác dễ dàng hơn. Áp dụng tiêu chí này còn giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí sản xuất, kinh doanh.
“Ví dụ mỗi kWh điện mặt trời giúp doanh nghiệp tiết kiệm 30% chi phí năng lượng của một nhà máy, trong đó 10-20% chi phí giảm trực tiếp từ việc sử dụng điện, 10% giảm từ các khu vực được làm mát”, ông Ngọc nêu ví dụ.
Điều quan trọng, ESG giúp doanh nghiệp thu hút các nhà đầu tư trên thế giới, tiếp cận nguồn vốn vay phù hợp. Theo thống kê của Edelman, có 88% nhà đầu tư tin tưởng các công ty chú trọng sáng kiến về ESG sẽ tạo ra lợi nhuận tốt. 55% doanh nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương triển khai thành công ESG trong năm ngoái. Vì vậy, nó trở thành tiêu chí đánh giá quan trọng của các quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng khi xem xét đầu tư vào một doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp cổ phần, niêm yết.
“Viettel IDC là một đơn vị đầu tiên ở Việt Nam tiếp cận khoản vay này từ ngân hàng HSBC, khi chúng tôi có một chiến lược ESG bài bản và một cam kết sử dụng năng lượng. Tại 5 trung tâm dữ liệu của Viettel, chúng tôi cam kết hiệu quả sử dụng điện năng (PUE) trung bình dưới 1.5. Mỗi năm, HSBC cung cấp khoản vay 12 tỷ USD cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho doanh nghiệp phát triển bền vững, dự án xanh, bảo vệ môi trường”, ông Ngọc cho biết.
CEO Viettel IDC nhận định, các doanh nghiệp lớn đã áp dụng ESG vào chiến lược phát triển, nhưng tại Việt Nam, chưa có nhiều doanh nghiệp làm điều này. Tuy vậy, một khảo sát cho thấy 80% doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này trong 2-4 năm tới.
“Giá trị thương hiệu của Viettel đang được định giá 9 tỷ USD, trong đó 1 tỷ USD là định giá về nhận thức phát triển bền vững”, ông Ngọc chứng minh vì sao doanh nghiệp nên ứng dụng ESG từ sớm.
Hiện nay, công nghệ có thể giúp cho chiến lược ESG đi nhanh hơn. Ví dụ trong ngành chăm sóc sức khỏe, việc áp dụng công nghệ có thể giúp phân phát thuốc đến từng bệnh nhân. Với chuỗi cung ứng, có thể áp dụng vệ tinh, AI, dự báo các tình hình khí hậu, giúp doanh nghiệp chủ động trong hoạt động vận tải. Công nghệ cũng góp phần giải quyết bài toán cưỡng bức lao động như việc sử dụng công nghệ thực tế ảo để theo dõi các chủ doanh nghiệp ở nhiều quốc gia. Hay sử dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giúp người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa chất lượng.
Tuy nhiên, sếp Viettel IDC cho biết việc xây dựng chiến lược ESG nói thì dễ nhưng làm không đơn giản. Bản thân đơn vị này cũng gặp rất nhiều thách thức như nguồn lực, nhân sự, tài chính, công nghệ. Bởi Viettel IDC là đơn vị cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây nên chi phí năng lượng chiếm tới 80% chi phí hoạt động. Để đạt được cam kết PUE dưới 1.5, trong chiến lược phát triển buộc phải từ bỏ rất nhiều thứ, từ bỏ những kế hoạch ngắn hạn để theo đuổi mục tiêu dài hạn.
“Doanh nghiệp theo đuổi chiến lược ESG chắc chắn phải thay đổi, hi sinh rất nhiều trong khi lợi ích mang lại không rõ ràng. Điều này đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp phải rất am hiểu về lĩnh vực này và thật sự phải có trách nhiệm với cộng đồng”, ông Ngọc nói.