Là kênh bán hàng bạc tỷ nhưng thương mại điện tử ngày càng cạnh tranh khốc liệt
(DNTO) - Trong năm 2024, kênh thương mại điện tử vẫn được nhận định sẽ mang lại doanh thu hàng trăm nghìn tỷ cho các doanh nghiệp, nhà bán hàng, nhưng với những người chơi mới, tiềm lực yếu thì chưa hẳn.
Thị trường hàng trăm ngàn tỷ
Những hình thức mua bán tiếp tục nở rộ trong năm 2023 như livestream (bán hàng phát trực tiếp) và bán hàng đa kênh đã đem lại doanh thu khổng lồ cho các nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Thống kê của Metric cho biết có có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop), tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.
Báo cáo của Google, Temasek, Bain & Company cũng dự đoán doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh và chạm ngưỡng 650 ngàn tỷ đồng vào năm 2024. Trong đó, 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam có thể đạt hơn 310 ngàn tỷ đồng, tăng 35% so với năm ngoái.
Thị trường thương mại trực tuyến tiếp tục phát triển tăng cơ hội cho các nhà bán hàng trong và ngoài nước rút ngắn con đường đưa sản phẩm đến khách hàng của mình.
Ông Phạm Xuân Tùng, CEO kiêm Sáng lập Anneco (đối tác chiến lược của Amazon Global Selling Việt Nam) cho biết hiện các sản phẩm “Made in Việt Nam” được đánh giá rất cao tại thị trường Mỹ. Một số sản phẩm nhà cửa, đời sống, đặc biệt mặt hàng thủ công mỹ nghệ như mây tre cói, các sản phẩm làng nghề đang rất “hot”. Một năm trở lại đây, các sản phẩm nội thất như giường, tủ, trang trí trong nhà cũng rất phát triển.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành hàng làm đẹp cũng đưa sản phẩm lên sàn Amazon, nổi bật là thương hiệu CoCoon đã ghi nhận doanh thu tới vài trăm ngàn USD trong vòng chưa đầy 1 năm.
Theo ông Tùng, nếu doanh nghiệp tự tin vào sản phẩm, xây dựng một chiến lược tốt để bán hàng thì có thể bán trên Amazon. Với doanh nghiệp sản xuất, đây cũng là nền tảng có thể bán B2B. Thay vì trước đây chúng ta phải ship hàng cho đối tác thì giờ họ có thể lên Amazon đặt để lấy hàng mẫu.
“Chúng tôi từng tư vấn cho 1 doanh nghiệp hạt điều ở Bình Phước bán hàng trên Amazon và có thời gian lọt top 10 sản phẩm hạt điều được yêu thích nhất trên sàn. Có 1 số siêu thị khi tìm kiếm sản phẩm và đã nhìn thấy họ và liên lạc. Hiện tại mỗi tháng doanh nghiệp này xuất khẩu 1 container sang Mỹ, dù không phải số lượng lớn nhưng đây là container hàng xuất khẩu dưới thương hiệu của doanh nghiệp Việt, đưa vào chuỗi siêu thị của Mỹ. Bán hàng trên Amazon, chúng ta có được phản hồi từ thị trường khó tính là Mỹ cũng như đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế thì việc làm thương hiệu tại thị trường Việt Nam cũng có lợi thế hơn”, ông Tùng chia sẻ.
Người đi, kẻ ở vì các khoản chi phí
Nhưng, chi phí trên sàn trung gian ngày càng tăng cao cũng là một trở ngại, có thể đánh bật những người chơi nhỏ, yếu thế ra khỏi thị trường này.
Ông Kiên Đoàn, chuyên gia tiếp thị trực tuyến, Founder kiêm CEO Reputyze Asia, cho biết hiện chi phí trên sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, Lazada chiếm khoảng từ 6-8% giá trị đơn hàng, các sàn xuyên biên giới như Amazon có thể lên tới 20%. Chưa kể, những doanh nghiệp muốn quảng bá cho sản phẩm mới phải chi thêm hoản tiền cho các KOC (người ảnh hưởng trên mạng xã hội), thường chiếm 15-30% giá trị đơn hàng.
“Các đối tác sàn thương mại điện tử hiện tạo ra rất nhiều mùa sale (khuyến mại), không giống như các doanh nghiệp truyền thống làm brand (thương hiệu), marketing nữa. Tuy nhiên, rất ít ai nói về lợi nhuận. Mọi người chỉ đang cố gắng tạo được doanh số để tháo hàng, để tồn tại, để quay vòng chứ lợi nhuận trên kênh online là cả một vấn đề”, ông Kiên nói.
Điều này chứng minh thực tế trong báo cáo của Metric năm ngoái, khi tổng số shop có phát sinh đơn hàng trên 5 sàn thương mại điện tử Việt Nam giảm 1,3%, tương đương khoảng 10.000 nhà bán không bán được hàng.
Ông Kiên Đoàn cho biết doanh nghiệp bắt đầu lên online đều phải tìm mọi cách tăng doanh thu (tăng giá, tăng giá trị mỗi đơn hàng, tăng tần suất mua hàng và tăng số lượng khách hàng). Nhưng nếu xem danh sách doanh nghiệp đăng kí mới và rời khỏi thị trường trong những năm gần đây đều thấy biến động rất lớn. Đa số doanh nghiệp thường bị đẩy khỏi thị trường trong 3-6, lâu hơn là 12 tháng vì không vượt qua nổi bước đầu tiên là tăng doanh thu.
Bởi theo ông Kiên, tăng doanh thu chưa đủ, doanh nghiệp muốn tồn tại phải tối ưu lợi nhuận. Nếu không có lợi nhuận sẽ không đủ chi trả chi phí hoặc mệt mỏi nếu lợi nhuận quá thấp. Muốn vậy cần đa dạng hoá hiến lược thu hút khách hàng trên nhiều kênh, đặc biệt kênh không trả phí, cải thiện tỷ lệ chuyển đổi, tập trung vào giữ chân và nâng cao giá trị khách hàng hiện tại. Điều này cũng giúp doanh nghiệp tránh phụ thuộc vào các sàn thương mại điện tử.
“Đơn hàng thứ nhất có thể ở bất cứ đâu (giới thiệu, trên sàn thương mại điện tử hay qua các bài marketing trên mạng xã hội...) nhưng đơn hàng thứ 2 phải kéo về với kênh website và app của mình. Vì từ đó trở đi, doanh nghiệp chỉ tốn chi phí duy trì hệ thống mà không tốn các chi phí khác”, ông Kiên Đoàn gợi ý.