Thương mại điện tử và bài toán thu phí xanh
(DNTO) - Không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số mỗi năm, ngành thương mại điện tử phải tiến đến để xanh hoá trên từng đơn hàng. Nhưng để người tiêu dùng vui vẻ trả tiền cho đơn hàng xanh không dễ.
“Trước đây, chúng tôi rất tự hào khi ‘mua hàng có thể giao nhanh trong 2 tiếng đồng hồ’. Nhưng hiện nay chúng tôi sợ câu nói ấy. Vì sao ạ? Bởi 1 bạn shipper trong 1 tiếng có thể giao 100 đơn hàng, nhưng nếu dùng dịch vụ đặc biệt, giao 100 đơn hàng đồng nghĩa với việc shipper phải đi lại 100 lần, phát thải khí carbon ra môi trường rất lớn”, ông Trần Văn Trọng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nói.
Thời gian qua, thương mại điện tử Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng ấn tượng từ 16 - 30%. Nếu như năm 2015, thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam mới chỉ đạt 5 tỷ USD, thì đến năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD.
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, thương mại điện tử trong năm 2023 tiếp tục là một trong những lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế số, với quy mô thị trường ước đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước, tăng 4 tỷ USD (khoảng 25%) so với năm trước đó.
Nhận định về sự phát triển thương mại điện tử Việt Nam, ông Trần Văn Trọng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết thương mại điện tử Việt Nam đã có một giai đoạn phát triển nhanh với nhiều lợi thế. Nhưng ở giai đoạn tiếp theo, ngành thương mại điện tử phải phát triển theo chiều sâu.
Theo đại diện VECOM, đa phần khi gọi đồ ăn online đồng nghĩa tạo ra lượng rác thải nhựa rất lớn đến môi trường. Vị ngày khuyến nghị trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước, hiệp hội nên định hướng việc phát triển thương mại điện tử xanh. Nếu không nghĩ tới việc này sớm thì một ngày không xa, cả cộng đồng sẽ lên án thương mại điện tử.
Theo vị này, giải pháp cho vấn đề xanh hoá thương mại điện tử không cách nào khác phụ thuộc vào người tiêu dùng. Ví dụ, thay vì cần hàng hoá, sản phẩm trong 2 tiếng, người tiêu dùng có thể chọn phương án nhận chậm trong 2 ngày. Với hàng hoá, sản phẩm không nhất thiết phải bảo quản thì có cần bảo quản không, việc này người tiêu dùng phải thay đổi, bên cạnh những thay đổi từ phía doanh nghiệp.
“Khi người tiêu dùng chấp nhận mất thêm phí để giao hàng xanh thì doanh nghiệp mới có thể bắt đầu thay đổi theo và thích ứng được”, ông Trọng nhận định.
VECOM cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang đề ra một chiến lược mới là đưa thương mại điện tử chuyển sang một giai đoạn mới là phát triển bền vững vì mọi ngành kinh tế không thể phát triển liên tục nếu không chú trọng phát triển bền vững. Trong phát triển bền vững, thương mại điện tử sẽ gắn với 3 trụ cột trọng tâm. Xanh hoá là một trong những trụ cột đó.
Trụ cột tiếp theo là phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử. Nói về vấn đề này, ông Trọng cho biết dù mang tính chất vĩ mô nhưng khi kinh tế phục hồi, doanh nghiệp mới, quay trở lại hoạt động tăng lên (số lượng doanh nghiệp hiện lên tới 900.000), trong khi nhu cầu ứng dụng thương mại điện tử gia tăng sẽ kéo theo nhu cầu nhân lực tăng rất cao.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM (70%), trong khi 30% ở 61 tỉnh thành còn lại. Một chiều ngược lại, 61 tỉnh thành rất đông dân, nhu cầu thương mại lớn hơn, hàng hoá sản phẩm tập trung nhiều hơn. Nhu cầu tiềm năng thương mại điện tử hiện nằm ở 61 tỉnh thành đó nên phải có chương trình, chính sách nào hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Đó là trụ cột thứ 3.
"Các doanh nghiệp ở Hà Nội và TP.HCM dễ tiếp cận với thương mại điện tử cũng như thu hút nhân lực trong ngành. Nhưng một doanh nghiệp ở An Giang, họ tiếp cận thương mại điện tử, nguồn nhân lực như thế nào? Đó là lý do bài toán thu hẹp khoảng cách số vẫn nan giải. Chúng ta thường nghĩ ứng dụng thương mại điện tử sẽ không còn khoảng cách số, doanh nghiệp có thể tiếp cận với khách hàng mọi lúc mọi nơi, ở mọi quốc gia, tuy nhiên câu chuyện thì ngược lại”, ông Trọng nói.