Cách giúp doanh nghiệp thoát dần sự lệ thuộc vào Shopee, TikTok Shop
(DNTO) - Trên môi trường online, không giảm giá thì khó cạnh tranh và khó bán hàng, nhưng giảm giá sâu thì bào mòn lợi nhuận, doanh nghiệp phải tìm những cách riêng để định vị sản phẩm và thương hiệu giữa hàng nghìn nhà bán trên mạng.
Muốn bán hàng phải có “chất” riêng
Nghiên cứu mới nhất của Nielsen IQ Việt Nam cho thấy người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu trong thời kỳ suy thoái kinh tế. 64% cho rằng Việt Nam đang trong suy thoái kinh tế và 55% cảm thấy căng thẳng, lo âu nhiều hơn trước đây. Do vậy, tiết kiệm là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng phấn đấu vượt qua thời điểm khắc nghiệt này. Đó là lý do kể cả tăng mua sắm online, người tiêu dùng vẫn quan tâm đến giá cả, bên cạnh chất lượng và vận chuyển.
“Trong thời điểm khó khăn, trở nên gần gũi và thấu hiểu khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt những cơ hội phát triển”, bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc miền Bắc Nielsen IQ Việt Nam, nói trong Diễn đàn Tiếp thị Trực tuyến hôm 30/11.
Một trong những cách để gần hơn với khách hàng, theo ông Nguyễn Tiến Huy, CEO Pencil Group, Sáng lập Trung tâm Phát triển Thương hiệu di sản Việt Nam, không phải là marketing (tiếp thị) mà là branding (thương hiệu).
“Marketing giống như tán tỉnh một cô gái, hỏi cô gái xem có đồng ý đi cùng chúng ta không. Nhưng Branding mới là câu trả lời vì sao cô gái phải đi cùng mình”, ông Huy nói.
Theo vị này, trong giai đoạn khủng hoảng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, trong khi bán hàng trên các nền tảng online cạnh tranh khốc liệt vì các đối thủ đua nhau giảm giá, thì doanh nghiệp muốn bán được hàng phải có “chất” riêng. Nếu chạy theo trend, tức sản phẩm nào lên xu hướng thì bán sản phẩm đó mà không đặt câu hỏi tại sao tôi có thể bán tốt hơn người khác, không tạo được “chất” riêng thì khó để cạnh tranh giữa hàng nghìn nhà bán.
“Shop Entertainment (bán hàng kèm giải trí) giống như bán hàng ở chợ, cái chất, tính cách của nhà bán rất quan trọng. Rất nhiều người chỉ dùng trang cá nhân, tạo lập thương hiệu cá nhân của mình đã có thể bán hàng, đó cũng là làm thương hiệu rồi”, vị chuyên gia nói.
Khách hàng mua sản phẩm không chỉ vì công dụng, chức năng mà còn là niềm tin sản phẩm, dịch vụ, niềm yêu thích với doanh nghiệp. Để tạo được niềm tin của khách hàng, ông Huy cho biết bản thân chủ doanh nghiệp là người sâu sát nhất với khách hàng, cần truyền đạt thông điệp cho nhân viên để lan toả ra thị trường.
Danh nghiệp phải có cam kết đường dài, làm sao để kể câu chuyện về sản phẩm đó rằng nó có tác động như thế nào với cộng đồng. Tất cả các nội dung, thông điệp truyền thông trên Facebook, Tiktok hay các mạng xã hội phải đồng bộ để lan toả thông điệp đó và sẽ giúp khách hàng nhớ và quay trở lại với doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp có thể bắt đầu bán hàng từ các kênh miễn phí, không cần phải thuê agency, chỉ cần bộ mic, điện thoại thông minh là có thể livestream. Những người hướng nội nếu muốn làm thương hiệu có thể làm theo dạng audio. Thực ra đây là những người có lợi thế vì họ có ‘chất’ riêng. Họ tập trung mục tiêu nên có khả năng viết ra mục tiêu đó, có thể dễ dàng kể câu chuyện cá nhân và câu chuyện đằng sau sản phẩm, dịch vụ đó, không phải cứ quay video, chụp hình, livestream mới là làm thương hiệu”, ông Huy gợi ý.
“Chăm” website để thoát dần các kênh trung gian
Ông Lê Ngọc Hùng, Trưởng phòng Giải pháp Haravan, đơn vị cung cấp giải pháp bán hàng cho 50.000 nhà kinh doanh hiện tại, cho biết hầu hết các nhà bán hàng ban đầu tham gia sẽ lựa chọn các kênh miễn phí như Facebook, Shopee, TikTok... Nhưng các sàn này hầu hết là vốn ngoại, hiện đã ẩn thông tin khách hàng nên việc cạnh tranh về giá kém đi, các doanh nghiệp hiện chuyển hướng sang làm thương hiệu để thoát dần sự phụ thuộc vào các kênh bán.
“80% khách hàng của chúng tôi liên quan sử dụng dịch vụ liên quan đến hệ thống website. Trước khách hàng nghĩ tên miền .com hay .vn không có khác biệt nhiều, nhưng giờ khi họ định hướng tạo lập kênh webstie riêng để không phụ thuộc vào các sàn hoặc kênh bán trung gian khác, thì họ tăng sử dụng tên miền .vn”, ông Hùng nói.
Thực tế của các khách hàng Haravan cũng là lát cắt trùng khớp với số liệu tăng trưởng tên miền đuôi .vn tăng 20-30% mỗi năm, được bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra tại diễn đàn này.
Bà Hiền cho biết tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng website hiện tại là 45%. 85% doanh nghiệp cho rằng cần phải tạo lập website nhưng gần 40% trong số đó vẫn chưa tạo lập website.
Đại diện Nielsen IQ Việt Nam cho biết đây là lúc doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn nữa vào website vì trong quá trình nghiên cứu người tiêu dùng, đơn vị này nhận thấy họ đang bị động khi tiếp nhận thông tin. Nhưng khi người tiêu dùng chủ động thì họ sẽ tìm kiếm, vào website của doanh nghiệp để tìm hiểu.