Tham vọng của thương mại điện tử: Tăng trưởng 25%/năm, 1 triệu người có kĩ năng số
(DNTO) - Ngành thương mại điện tử đang đưa ra con số mục tiêu rất tham vọng để duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm, tiếp tục là ngành dẫn dắt nền kinh tế số.
Mũi nhọn của nền kinh tế số
Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày đầu tháng 11 tiếp tục ghi nhận Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á hai năm liên tiếp (2022, 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines).
Tổng giá trị hàng hoá (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, tăng trưởng GMV trong 2 năm tới của Kinh tế số tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử.
Chia sẻ trong Diễn đàn Thương mại điện tử và Kinh tế số hôm 21/11, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết thương mại toàn cầu bắt đầu suy giảm từ quý IV/2022, kéo theo thương mại toàn cầu cả năm 2022 chỉ tăng 2,7%.
Tổ chức Thương mại Thế giới dự báo thương mại toàn cầu năm 2023 tăng 1,7%, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với năm trước. Tương tự, nền kinh tế Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như: sự suy giảm đơn hàng, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm, cạn kiệt nguồn vốn.
Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo số liệu khảo sát thống kê của Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 20% năm 2022. Có thể thấy, trong suốt những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, dự kiến đạt 20,5 tỉ đô trong năm nay.
Thứ trưởng nhận định, năm 2023 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và tạo bước đà cho kinh tế phát triển.
“Đây cũng chính là thời điểm để nước ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới. Từ đó giúp khôi phục lại doanh nghiệp và mở rộng thị trường sau khi tình trạng khó khăn qua đi”, Thứ trưởng Tân nói.
Con số tham vọng
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại là một trong ba nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế số ngành công thương. Trong đó tập trung vào thương mại hoá giấy tờ thương mại và thúc đẩy thương mại điện tử.
Thời gian qua, Cục này đã thử nghiệm các nền tảng thương mại không giấy tờ. Năm 2023 đã thực hiện thành công việc trao đổi dữ liệu C/O điện tử với Hàn Quốc. Về thương mại điện tử, đã thiết lập xây dựng hạ tầng và môi trường pháp lý, hợp đồng điện tử và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm qua kênh này. Ngành đặt chỉ tiêu tăng trưởng 20-25% doanh số bán lẻ thương mại điện tử trong giai đoạn tới.
Mục tiêu phát triển ngành thương mại điện tử mà Cục đặt ra là thúc đẩy thương mại không giấy tờ. Một giải pháp quan trọng mà cơ quan này hướng tới là trung tập huấn, đào tạo chuyên sâu nhân lực cho thương mại điện tử.
“Thời gian qua, chúng tôi đã tập huấn 50 lớp/năm, tổng số 10.000 người/năm cho doanh nghiệp về phương thức phân phối hàng hoá trên nền tảng thương mại điện tử. Dự kiến trong 5 năm tới sẽ tập huấn 1 triệu người từ các doanh nghiệp về kỹ năng số và thương mại điện tử. Đồng thời sẽ xây dựng quy tắc ứng xử trên môi trường kinh doanh mạng, trên thương mại điện tử”, bà Oanh nói.
Để thương mại Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số, ông Phạm Hoành Sơn, Giám đốc tăng trưởng Accesstrade, đơn vị đang có gần 2 triệu cộng tác viên bán hàng và KOLs, đứng sau chuyển đổi số thành công của Thế giới đi động, Grab Việt Nam cho biết cần làm cho mọi người, mọi doanh nghiệp đều biết đến thương mại điện tử và bán hàng online.
Dự án 1 triệu doanh nghiệp số thành công mà đơn vị này đang thực hiện là dự án xã hội. Trong đó, Accesstrade sẽ kết nối 100 chuyên gia đầu ngành, đang làm thực tế trong doanh nghiệp lớn để bắt bệnh và tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, thời gian qua, khi làm việc với các địa phương như Sơn La, Hải Dương, Đà Nẵng... , đại diện đơn vị cho biết có những địa phương có rất nhiều doanh nghiệp biết đến tham gia chương trình đào tạo, tập huấn; nhưng có địa phương chỉ có vài chục doanh nghiệp tham gia, như vậy một chuyến đi của tổ dự án sẽ không thể giúp được nhiều người.
Vị này cho biết doanh nghiệp vừa có nhỏ vẫn có tài chính để làm chuyển đổi số nhưng không biết bắt đầu từ đâu và đối tác nào có thể giải quyết bài toán của họ. Vì vậy, Bộ Công thương nên là cầu nối để doanh nghiệp vừa và nhỏ kết nối với các doanh nghiệp có nền tảng công nghệ.
“Chương trình Tuần lễ Thương mại điện tử Quốc gia thay vì 1 năm tổ chức 1 lần thì mỗi quý nên tổ chức 1 lần để doanh nghiệp, người dân hiểu rằng bán hàng online không khó và họ chuyển đổi sang kênh thương mại điện tử”, ông Sơn kiến nghị.