Dồn lực ‘cắt đuôi’ hàng giả trên Lazada, Shopee, Tiktok
(DNTO) - 3-5 năm tới là cao điểm để lực lượng quản lý thị trường càn quét các tụ điểm buôn bán hàng giả, hàng nhái để làm lành mạnh môi trường thương mại điện tử.
Hàng giả ngập tràn vì tổ chức mua bán online quá dễ
Tại Hội thảo "Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử Việt Nam", hôm 15/11, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường cho biết hiện Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á. Gần 1 nửa dân số Việt Nam (49,3 triệu người, tương đương 41%) mua sắm online.
Mua sắm online gia tăng đồng nghĩa với lượng hàng giả lưu thông qua hình thức này gia tăng và ngày càng tinh vi hơn. Lãnh đạo quản lý thị trường cho biết trong 10 tháng qua, liên tục nhận được phản ánh từ các chủ thể nhãn hiệu lớn ở các nước như: Mỹ, Đức, Ý, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... về vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ ngay trên sàn Lazada, Shopee và mới đây là Tiktok. Facebook, Zalo cũng đang tạo ra đất sống cho vi phạm.
“Càng sinh sau càng hiện đại. Đặc biệt khi mạng xã hội Tiktok bùng nổ mạnh mẽ, người dân từ tận Hà Giang vẫn livestream bán hàng đi cả nước và ngược lại. Chưa kể, đây là mạng xã hội xuyên biên giới nên các hành vi vi phạm đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”, vị Tổng Cục trưởng cho biết.
Cách đây 2 tuần, lực lượng quản lý thị trường đã triệt phá kho hàng ở Gia Lai. Đối tượng bán hàng qua livestream Facebook với hàng chục ngàn người theo dõi nhưng 100% sản phẩm trong kho hàng là giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng.
“Dường như các sàn thương mại điện tử tổ chức việc mua bán quá dễ dàng, hàng giả, hàng nhái tràn lan”, ông Linh nói.
Xử lý khó nên đôi khi “ngại”
10 tháng đầu năm, dù lực lượng chức năng kiểm tra 62.338 vụ việc, xử lý 44.554 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 410 tỷ đồng, nhưng vấn đề hàng giả vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nguyên nhân là các đối tượng ngày càng hoạt động tinh vi. Nếu trước đây, hàng giả, hàng nhái bày bán tràn lan, dễ phát hiện, thì nay các đối tượng tập kết hàng ngay ở biên giới, tại nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng. Một số kho hàng ở khu vực đồng bằng cũng chuyển lên vùng cao để “lánh” cơ quan chức năng, sau đó lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng.
Trong khi đó, việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn do người bán có thể bán hàng ở bất cứ đâu, khó xác định địa điểm mua bán, thời điểm giao kết hợp đồng trong khi chứng cứ dễ thay đổi.
Chưa kể, 99% công ty chuyển phát hiện đang sống bằng vận chuyển hàng hoá online, chỉ 1% thư tín. Trong khi đó quy định xe niêm phong đang kẹp chì không được phép mở gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra. Một số trường hợp, lực lượng chức năng buộc phải bám theo xe dỡ hàng tại kho để vào kiểm tra.
“Khó khăn lớn nhất là các đối tượng chỉ bán online, qua hệ thống cộng tác viên hoặc sử dụng KOLs livestream, không địa chỉ, hàng hoá phân tán nhiều nơi, chỉ giao hàng số lượng nhỏ. Khi bị phát hiện thì xoá dấu vết rất nhanh vì website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo và đóng nhanh chóng. Việc xác định hàng giả cũng khó khăn, bởi hình ảnh và thông tin quảng cáo là hàng thật nhưng khi giao đến khách hàng có thể là hàng giả…”, ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho biết.
Chính vì khó khăn nên Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cũng thừa nhận ngay tại cơ sở, còn tâm lý "ngại" xử lý đối với các vụ vi phạm thương mại điện tử vì mất thời gian và dễ bị khiếu kiện khi người bán có thể xóa bỏ, thay đổi nội dung, chứng cứ.
Do đó, vị này nhấn mạnh việc cần thiết phải xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, cảnh báo xuyên suốt, thống nhất từ trung ương tới các địa phương để kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm.
“Chống hàng giả trên thương mại điện tử được xác định là nhiệm vụ chủ chốt của lực lượng quản lý thị trường trong 3-5 năm tới”, ông Linh nhấn mạnh.