'Bác sĩ mạng' đang tiếp tay cho một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh
(DNTO) - Liên tục lên những video "sữa giả", "sữa thật" với những thông tin không đúng sự thật, một loạt "bác sĩ mạng" đang tiếp tay cho doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh.
Con bài ‘chuyên gia mạng’, ‘bác sĩ mạng’
Bác sĩ Huế, Dược sĩ Phương Thảo, Bác sĩ Quang, Bác sĩ Huy... là một trong số TikToker nổi bật với hàng trăm nghìn cho tới hàng triệu lượt theo dõi. Trên kênh của họ, ngoài những video chia sẻ thông tin về sức khoẻ, là những thông tin điều hướng người dùng mua sản phẩm thực phẩm chức năng.
Thậm chí những kênh như Bác sĩ Huy, Dược sĩ Phương Thảo từng trực tiếp lên video chê loại sữa này, khuyên dùng loại sữa kia...
Thị trường sữa Việt Nam đang chứng kiến màn cạnh tranh khốc liệt khi có tới 200 doanh nghiệp cùng chung một sân chơi, với hàng loạt sản phẩm sữa khác nhau: sữa tươi, sữa bột, sữa đặc, sữa chua, sữa hữu cơ, sữa không lactose, sữa thực vật và sữa kết hợp trái cây, ngũ cốc, rau củ, thảo mộc...
Việc cạnh tranh sẽ không có gì đáng nói nếu một trong số đó không sử dụng các chiêu bài truyền thông bẩn để tấn công các doanh nghiệp cùng ngành. Cách thức của những hành vi này là các đối thủ thường tạo lập các kênh có liên quan như kiến thức y tế, nhi khoa, chữa bệnh..., hoặc thuê những “bác sĩ mạng” để lên video so sánh các loại sữa khác nhau, đánh tráo khái niệm về sữa, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Trong tọa đàm Quản lý thị trường sữa và vấn nạn “truyền thông bẩn” hôm 9/11, TS Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh đã lợi dụng vấn đề này để tạo sóng truyền thông với các từ khóa “sữa giả” nhằm hạ bệ uy tín của các nhãn hàng, khiến dư luận hoài nghi sản phẩm kém chất lượng.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết luật pháp Việt Nam không cấm bác sĩ, dược sĩ tư vấn dinh dưỡng hay y khoa. Song, phải phân biệt hành vi tư vấn đúng và không đúng sự thật.
Ví dụ, khi tư vấn cho người tiêu dùng, các bác sĩ, dược sĩ phải hiểu được bản chất của sản phẩm: Sản phẩm đã được cấp phép chưa? Thành phần chuẩn không? Các nội dung quảng cáo, giới thiệu đã được cơ quan chức năng xét duyệt hay chưa?...
“Chúng ta phải truyền thông đúng mức và chính xác. Đặc biệt không được truyền thông sai sự thật”, bà Lâm nhấn mạnh.
Phải dọn sạch ‘rác’
Ví “truyền thông bẩn” là rác rưởi, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng những hành vi đó cần được lên án và xử lý để lập lại trật tự quảng cáo, đảm bảo an toàn cho thực phẩm nói chung và sản phẩm sữa nói riêng.
Việc Chính phủ chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm rất tiện cho doanh nghiệp, vì vậy theo ông Trung, việc hậu kiểm càng phải tăng cường hơn, để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết hiện nay có 4 luật gồm Luật quảng cáo, Luật Cạnh tranh, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật an toàn thực phẩm có liên quan trực tiếp đến cái hoạt động quảng cáo về sữa. Nếu trong trường hợp xuất hiện dày đặc những nội dung có tính chất cạnh tranh không lành mạnh theo hướng so sánh trực tiếp hoặc là đưa ra những thông tin thất thiệt, sai sự thật đối với đối thủ cạnh tranh thì rõ ràng vi phạm Luật Quảng cáo và vi phạm Luật Cạnh tranh.
Để xác định có phải là một chiến dịch “truyền thông bẩn” hay không, theo Luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan chức năng phải vào cuộc và xác định phân loại tất cả các cái hành vi thực hiện các hoạt động quảng cáo về sữa trên không gian mạng. Hiện nay, theo Điều 217 của Bộ luật Hình sự, quy định hình phạt vi phạm quy định cạnh tranh lên đến 5 năm tù, với mức phạt tiền có thể lên đến 5 tỷ đồng, áp dụng đối với cả cá nhân và pháp nhân thương mại.
Chế tài và pháp luật đều đã đủ, nhưng hiện tượng vi phạm vẫn còn do nhiều nguyên nhân, đặc biệt trên không gian mạng, việc quản lý gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng.
“Các đối tượng thực hiện hành vi phạm thì ẩn danh, đặt máy chủ ở nước ngoài, xóa các dấu vết khi bị có chức năng phát hiện. Trong khi việc phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn về lực lượng, hay phương tiện kỹ thuật... Những người quản lý các trang mạng đó được tự do đăng tải khi chưa được kiểm duyệt. Khi cơ quan chức năng khi phát hiện, xử lý thì là sự việc đã bị lan truyền rộng rãi”, Luật sư Cường nói.
Theo vị này, dưới các luật là Nghị định 100 liên quan đến kinh doanh sản phẩm sữa cho trẻ em và Nghị định 15 về đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó Nghị định 100 đã ban hành cách đây 10 năm, hiện đã có nhiều công ty đa quốc gia và những công ty hoạt động trên nền tảng số đang quảng cáo, bán hàng tại Việt Nam. Phạm vi điều chỉnh một số hành vi vi phạm trong các văn bản này có thể chưa tới hoặc chưa rõ ràng, dẫn đến khó xử lý khi có cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp xuyên quốc gia.
“Cần có nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm, tổng kết quá trình thực hiện để từ đó có thể kiến nghị sửa đổi sớm Nghị định 100 và Nghị định số 15. Bên cạnh đó, đến lúc phải tiếp cận những thông tin, những vướng mắc, bất cập cũng như những mâu thuẫn chồng chéo đối với các văn bản khác để khi sửa đổi nghị định”, Luật sư Cường nhấn mạnh.
Ông Lê Hoài Điệp, Cơ quan điều tra Cạnh tranh - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết sẽ tăng cường tuyên truyền rà soát và giám sát các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sữa. Nếu phát hiện vi phạm sẽ tiến hành xem xét và xử lý theo quy định pháp luật về cạnh tranh.