Tội phạm buôn lậu thuốc lá, đường cát ngang nhiên hoành hành vì xử phạt quá nhẹ
(DNTO) - Cơ quan chức năng đã xử lý 3.460 vụ vi phạm về thuốc lá, đường cát trong 8 tháng qua, nhưng tình trạng gian lận thương mại với mặt hàng này vẫn nóng vì lợi nhuận thu về do chênh lệch giá cao trong khi xử phạt nhẹ.
Đường dây buôn lậu ngày càng phức tạp
Ngày 18/10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt đối với mặt hàng thuốc lá và đường cát.
Theo cơ quan này, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 2.799 vụ việc vi phạm buôn lậu thuốc lá, tịch thu 3.099.309 bao thuốc lá điếu, 31.690 sản phẩm thuốc lá điện tử, 3,1 tấn nguyên liệu thuốc lá.
Mặt hàng vi phạm chủ yếu là thuốc lá điếu có xuất xứ từ Thái Lan, Campuchia, Lào; lá thuốc lá xuất xứ từ Trung Quốc; thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, xì gà có xuất xứ từ Châu Âu, Châu Mỹ.
Đối với mặt hàng đường cát, lực lượng chức năng đã phát hiện 661 vụ việc vi phạm; 111.994 đối tượng; tịch thu 684.492 kg đường cát; tiêu hủy 99.944 kg; xử phạt vi phạm hành chính 523 vụ, 654 đối tượng, tổng số tiền phạt là 900.755.000 đồng; xử lý hình sự 3 vụ, 3 bị can.
Các đối tượng đã móc nối, cấu kết hình thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại với thủ đoạn tinh vi, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.
Theo ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lợi dụng sự chênh lệch về giá thuốc lá, đường cát giữa thị trường các nước tiếp giáp Việt Nam với thị trường trong nước, các đối tượng đã thực hiện hành vi buôn lậu. Trong khi đó, người dân rất khó phân biệt được đường cát nhập khẩu với sản xuất trong nước.
“Hành vi vi phạm gây thất thu ngân sách, đẩy hoạt động sản xuất thuốc lá, đường cát trong nước vào tình thế khó khăn, tác động tiêu cực đến đến thị trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội”, ông Dũng cho biết.
Điều đáng nói, các đối tượng vi phạm đã móc nối, cấu kết hình thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại với thủ đoạn tinh vi, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng.
“Các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép mặt hàng thuốc lá, đường cát hoạt động có tổ chức chặt chẽ, trên địa bàn rộng, liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia, thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi phát hiện và xử lý”, đại diện Ban Chỉ đạo 389 cho biết.
Chưa kể, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng xã hội ngày càng phát triển trong khi cán bộ lực lượng 389 còn hạn chế, chưa được đào tạo nâng cao nghiệp vụ, nên cũng gặp nhiều khó khăn khi phát hiện, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua hình thức này.
Cần phải xử lý hình sự
Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, tình trạng thuốc lá giả các nhãn hiệu nổi tiếng như: 555, Craven A, Sài Gòn Silver… từ Campuchia tràn vào Việt Nam đã tác động nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nội địa, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng và gây thất thu thuế của Nhà nước.
Bên cạnh đó là lượng lớn thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng ngang nhiên xâm nhập vào Việt Nam theo đường không chính thống như (xách tay, tiểu ngạch, nhập lậu,…), được bày bán công khai mà chưa có khung pháp luật quản lý.
Còn ở phía Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, gần đây, tất cả đường nhập lậu vào nước ta đều đóng trong bao bì sản xuất tại Thái Lan nhưng không có chứng từ nhập khẩu, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trong khi đó, các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở pháp luật để thực hiện hành vi gian lận thương mại.
Với đường nhập lậu khi bị tịch thu, các địa phương mỗi nơi xử lý một kiểu, không có phương thức xử lý thống nhất. Một số nơi tiêu huỷ, một số nơi tổ chức đấu giá để bổ sung công quỹ và hợp pháp hoá cho đường lậu trở lại thị trường.
Trong khi đó, hành vi sản xuất kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ là hành vi bị cấm (khoản i, mục 5, điều 5, Luật An toàn thực phẩm); mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ chỉ có thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy (mục 3, điều 55, Luật An toàn thực phẩm).
Vì vậy, hành vi nhập lậu đường Thái Lan cần phải xử lý hình sự về tội buôn lậu (Điều 188, Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017), và Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189).
“Phương thức chỉ xử lý hành chính hành vi kinh doanh vận chuyển đường sản xuất tại Thái Lan không rõ nguồn gốc là quá nhẹ. Đối tượng nhập lậu đường từ Thái Lan không nộp thuế cần phải xử lý hình sự theo quy định về Tội trốn thuế”, đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam bức xúc nói.
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng dự báo lượng lớn người tiêu dùng Việt vẫn ưa sử dụng thuốc lá ngoại, thuốc lá điện tử; nhu cầu sử dụng đường cát trong sinh hoạt và sản xuất gia tăng trong thời gian tới. Trong khi đó giá 2 mặt hàng này ở bên ngoài thấp hơn trong nước vẫn sẽ là cơ hội để các đối tượng tiếp tục vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ trái phép thuốc lá, đường cát ngoại.
Do vậy, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường hoạt động để hạn chế các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.