Cuộc chiến căng não với hàng giả, hàng nhập lậu dịp cuối năm
(DNTO) - Hàng tấn nầm lợn, thịt bò, thịt gà bẩn...ngày ngày vẫn được đưa lên bàn ăn, hàng nghìn loại hàng giả, hàng lậu thâm nhập vào hệ thống bán lẻ với những con đường ngày càng tinh vi, khiến công tác đấu tranh của lực lượng quản lý thị trường ngày càng cam go.
Cung đường hàng bất chính ngày càng lắt léo
Năm 2022, các đường mòn, lối mở ở khu vực miền Bắc gần như vắng bóng hàng nhập lậu. Nhưng điều đó không phải do tình trạng hàng lậu đã giảm đi, mà do cung đường vận chuyển của các đối tượng đã thay đổi. Hàng lậu giờ đây đi theo các cửa khẩu tại miền Trung, Tây Nam Bộ thâm nhập vào nước ta, sau đó được chuyển ngược lên các tỉnh miền Bắc.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2022, tình trạng vận chuyển hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại vẫn tiếp tục gia tăng với quy mô lớn hơn, các thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó phát hiện hơn.
Như vào tháng 11/2022, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả các thương hiệu ở 5 kho chứa và xưởng sản xuất, pha chế tại xã Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh, TP.HCM. Dù được sản xuất trong nước nhưng các sản phẩm giả mạo này lại được vận chuyển sang biên giới, sau đó mới nhập về Việt Nam.
Hay mới đây, hơn 1 tấn nầm lợn được bọc trong 35 bao tải in chữ Trung Quốc, đã bốc mùi hôi thối, bị thu giữ khi đang trên đường vận chuyển đến các nhà hàng, quán ăn. Lực lượng quản lý thị trường cho biết, công tác trinh sát gặp nhiều khó khăn khi các đối tượng thường xuyên vận chuyển vào ban đêm và liên tục thay đổi địa điểm giao hàng.
Không chỉ tại kênh bán lẻ truyền thống, trên kênh thương mại điện tử, tình trạng hàng giả, hàng nhái cũng gây nhức nhối. Trong năm qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã thực hiện gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; ngăn chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đặc biệt, trong dịp cận Tết Nguyên đán, mùa cao điểm mua sắm trong năm, với lưu lượng hàng hóa lưu thông khổng lồ, việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu càng khó khăn. Vì vậy, nguy cơ các sản phẩm kém chất lượng tràn vào các gia đình là rất lớn.
Bắt tay với doanh nghiệp, quốc tế
Cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái, hàng lậu không chỉ là cuộc chiến để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, mà còn là cuộc chiến bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trong năm qua, lực lượng quản lý thị trường đã thanh, kiểm tra 70.902 vụ; phát hiện, xử lý 43.989 vụ vi phạm (tăng 6% so với cùng kỳ); chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm (giảm 24% so với cùng kỳ). Tổng số tiền thu nộp ngân sách trên 490 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ). Trị giá hàng tịch thu gần 96 tỷ đồng, trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hơn 19 tỷ đồng.
Đặc biệt, Tổng cục Quản lý Thị trường đã thực hiện tổng tấn công nhiều “vương quốc” hàng giả như Saigon Square (TP.HCM) hay các trung tâm thương mại và các chợ lớn tại Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Ninh... thu giữ hàng trăm ngàn sản phẩm hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Để đối phó với các đối tượng kinh doanh hàng nhái, hàng lậu, sau 2 năm nghiên cứu, thử nghiệm, Hệ thống INS được đưa vào để kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trên môi trường mạng.
Hiện Tổng cục Quản lý thị trường cũng “bắt tay” với 2 doanh nghiệp nội địa, là Công ty Procter & Gamble (P&G) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam để phối hợp đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của doanh nghiệp.
Ngoài ra, đơn vị này còn phối hợp với React (tổ chức phi lợi nhuận với gần 30 năm kinh nghiệm trong công tác chống hàng giả) để bảo vệ quyền lợi cho hơn 320 thành viên là các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới đang sở hữu nhãn hiệu trong nhiều lĩnh vực.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý Nguyễn Thanh Bình cho biết, các thông tin về sản phẩm chỉ có doanh nghiệp là biết rõ nhất. Vì vậy, việc doanh nghiệp cùng phối hợp để cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến với hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, bản thân mỗi người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức đối với các sản phẩm để chủ động bảo vệ quyền lợi của bản thân.