‘Miếng bánh’ 1.200 tỷ USD mua bán cộng đồng - Bài 4: Rủi ro bộc lộ từ một hệ sinh thái phức tạp
(DNTO) - Nằm trong một hệ sinh thái gồm nhiều bên như mạng xã hội, nền tảng cung cấp bán hàng đa kênh, nền tảng kết nối nhà bán và người mua, đơn vị chuyển phát, thanh toán số… nên hoạt động mua bán cộng đồng vì vậy cũng bộc lộ nhiều rủi ro cần cơ quan quản lý sớm can thiệp.
3 phần nổi, 7 phần chìm
Đơn giản, hiệu quả, mua bán trong cộng đồng lan rộng nhờ đại dịch Covid-19 và nhanh chóng trở thành cuộc cách mạng bán mạng bán lẻ online nhờ việc giao dịch dễ dàng giữa người mua và người bán.
Thế nhưng, mặc dù bề nổi của hoạt động mua bán này rất đơn giản, giữa người mua và người bán, diễn ra hoàn toàn trên mạng xã hội, nhưng ẩn sau đó là cả một hệ sinh thái kinh doanh số to lớn và rất phức tạp.
Trong hệ kinh doanh số đó, các nền tảng mạng xã hội là đơn vị tạo lập sân chơi để các đơn vị cung cấp giải pháp bán hàng đa kênh, các nền tảng kết nối giữ người bán và nhà cung cấp sản phẩm, đơn vị chuyển phát, đơn vị thanh toán hay quảng cáo, tiếp thị số…, gia nhập vào nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua – bán trong cộng đồng.
Như đã phân tích ở bài trước, hiện nay, hầu hết những mạng xã hội lớn đồng thời cũng là những mảnh đất mua bán cộng đồng lớn, như Facebook, Youtube, Tiktok đều nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại. Điều này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro liên quan đến bảo mật dữ liệu người dùng, mà dữ liệu người dùng liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia.
Chưa kể, do có nhiều bên liên quan, nên mô hình mua bán cộng đồng cũng bộc lộ một số rủi ro. Bởi nếu quá trình mua – bán diễn ra thuận lợi từ đầu đến cuối thì không sao, nhưng nếu người mua chưa hài lòng với sản phẩm đã mua, muốn đổi trả; hoặc trong quá trình mua bán gặp trục trặc ở khâu trung gian như thanh toán, giao hàng… thì sẽ dễ dẫn tới tranh chấp. Vì hợp đồng được giao kết online và không chỉ ràng buộc giữa người mua và người bán, mà còn liên quan tới nhiều bên cung cấp dịch vụ.
Cần bàn tay can thiệp sâu hơn
Sự tham gia của nhiều bên trong một mô hình mua bán đặt ra yêu cầu phải có ràng buộc, cam kết về quyền, nghĩa vụ cụ thể của từng bên để đảm bảo quyền lợi của mỗi bên khi xảy ra tranh chấp.
Đơn cử như tại Nền tảng cộng tác bán hàng nhập khẩu PingGo, đơn vị này đã xây dựng Điều khoản sử dụng gồm 4 mục, 11 điều, quy định tương đối rõ ràng về hình thức, phạm vi hợp tác, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia, xử lý gian lận, đối soát và thanh toán, các quy định về thuế…
Thế nhưng, sau hơn 5 năm thành lập và hiện số lượng nhà bán hàng lên tới 40.000 cùng 3.000 mặt hàng, đơn vị này cho biết, xác xuất xảy ra tranh chấp vì thế cũng cao hơn và không đơn giản là chỉ giữa người mua và người bán.
Chưa kể, mô hình mua bán cộng đồng diễn ra trên không gian mạng cũng là cơ hội để các đối tượng trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, làm lũng đoạn thị trường, gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng và khó khăn cho cơ quan quản lý.
Đó là lý do mỗi năm, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đều nhận tới khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng; một nửa số khiếu nại là liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ.
"Trước đây hoạt động bán hàng chỉ diễn ra trên website của doanh nghiệp, sau đó là trên các sàn thương mại điện tử. Nhưng hiện nay, các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok cũng có thể bán được hàng và thanh toán dễ dàng. Đây là cơ hội để nhiều tổ chức, cá nhân trục lợi. Trong khi đó, thương mại điện tử là mô hình kinh doanh đa quốc gia, lãnh thổ, lĩnh vực nên việc đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, xâm phạm bản quyền sẽ gặp nhiều khó khăn trên không gian mạng", ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chia sẻ.
Vì vậy, TS Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam, cho rằng đã đến lúc các cơ quan quản lý cần nhìn nhận toàn diện về mô hình kinh doanh này để có sự điều hướng kịp thời.
“Cơ quan quản lý nhà nước cần nhìn nhận thấu đáo câu chuyện làm sao đảm bảo cả nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp cho cả 3 bên, cả doanh nghiệp cung cấp nền tảng, của đơn vị cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng. Hiện các vấn đề về thuế, quan hệ lao động, mở rộng thị trường cũng là thách thức pháp lý khi xây dựng hợp đồng giữa 3 bên và là thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các bên”, TS Nguyễn Chiến Thắng nhấn mạnh.
Không chỉ cần sự quan tâm và hướng dẫn kịp thời của các cơ quan quản lý nhà nước, theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), sự phát triển nhanh chóng của mô hình mua bán trong cộng đồng với một hệ sinh thái phức tạp, có nhiều đối tượng trong một cuộc chơi, dễ xảy ra tranh chấp, thì cần có sự tham gia của các tổ chức hòa giải, trọng tài hay tòa án cần có sự quan tâm thỏa đáng tới mô hình này để có khuyến nghị kịp thời cho các bên tham gia.
Tại Việt Nam, những năm gần đây, các thuật ngữ như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số, kinh tế số… đã nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức, từ cơ quan hoạch định chính sách, doanh nghiệp cho đến cơ sở đào tạo.
Chẳng hạn, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52 về một số chính sách, chủ trương cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hay Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ; Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số của được Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông…
Thế nhưng, theo VECOM, sự phức tạp vẫn nảy sinh trong quá trình triển khai chính sách vĩ mô do liên quan tới nhiều bộ ngành, giữa cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và doanh nghiệp. Do đó, việc phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh về chuyển đổi số, kinh tế số và thương mại điện tử sao cho nhịp nhàng sẽ vẫn là thách thức không nhỏ.
(Hết)