‘Miếng bánh’ 1.200 tỷ USD mua bán cộng đồng - Bài 3: Đại gia ngoại vẫn cầm trịch cuộc chơi
(DNTO) - Facebook, Youtube, Tiktok vẫn là những mạng xã hội hàng đầu đang hỗ trợ mua bán cộng đồng tại Việt Nam; ngoài ra, còn có Shopee, Lazada, Grab, Traveloka… nhưng đáng tiếc đều là doanh nghiệp ngoại hoặc phần lớn vốn đầu tư ngoại.
Sân nhà đang bị chiếm lĩnh
Theo khảo sát của Decision Lab trên quy mô cả nước với 2.149 người thuộc thế hệ Gen X (1965-1980) đến Gen Z (1997-2012), thì 96% người dùng đang sử dụng Facebook. Ngoài ra, tỉ lệ 4 mạng xã hội khác đang được nhiều người Việt sử dụng gồm YouTube (82%), Zalo (80%), Instagram (44%) và TikTok (20%).
Trong đó, mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất để mua sắm online vẫn là Facebook với xu hướng livestream bán hàng, giúp một chủ shop có thể chốt hơn 500 đơn hàng với hơn 200 mã sản phẩm chỉ trong một buổi phát trực tiếp, khác biệt lớn so với các kênh bán hàng khác.
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng mạng xã hội để tương tác, giao lưu, giải trí và mua sắm tăng lên, thì các thương hiệu cũng chú trọng làm truyền thông trên mạng xã hội để tăng nhu cầu mua sắm của khách hàng. Do vậy, sự phụ thuộc của người bán vào các mạng xã hội hiện nay là rất lớn.
Trong số Top 5 mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất Việt Nam, chỉ có Zalo là nền tảng “Made In Vietnam” đang phát triển rất tốt, còn lại đều là cái tên ngoại. Việc phụ thuộc vào các mạng xã hội nước ngoài luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, từ cá nhân, doanh nghiệp cho đến quốc gia.
Đơn cử như Facebook, mạng xã hội với lượng người dùng và giao dịch mua bán online lớn nhất tại Việt Nam cũng là nền tảng liên tục đối diện với việc lộ lọt dữ liệu cá nhân. Năm ngoái, Facebook làm lộ lọt dữ liệu 533 triệu người dùng trên toàn thế giới. Thông tin cá nhân khi bị lộ lọt sẽ rất dễ bị các tội phạm mạng lợi dụng để thực hiện hình thức lừa đảo…
Trong khi đó, mặc dù miếng bánh 1.200 tỷ USD mua bán cộng đồng rất lớn, nhiều startup Việt đã chớp được thời cơ khi phát triển các giải pháp kinh doanh hỗ trợ việc mua bán trong cộng đồng, nhưng suy cho cùng vẫn phải phụ thuộc vào sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội ngoại.
Đơn cử như Haravan phát triển giải pháp hỗ trợ các nhà bán hàng trên Facebook, hiện đang hoạt động khá tốt vì đây là mối quan hệ cộng sinh. Khi Facebook còn là “người khổng lồ”, thì Haravan đương nhiên sẽ có nhiều cơ hội để lớn. Thế nhưng, nếu một ngày nào đó Facebook bị thay thế, thì Haravan sẽ ra sao?
Nguồn lực nội có đủ để lật ngược tình thế?
Để mạng xã hội trong nước chiếm ưu thế là một nhiệm vụ khá thách thức, bởi một trong những yếu tố để mạng xã hội thành công chắc chắn phải kể để nguồn lực đầu tư. Đó là lý do mà các mạng xã hội hàng đầu tại Việt Nam hiện rơi vào tay ông lớn công nghệ ngoại quốc, hoặc nếu không cũng do các dòng vốn ngoại đầu tư.
TS Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam, cho biết đa số nền tảng thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam là của các doanh nghiệp nước ngoài như Facebook, Google, TikTok, Agoda…, hoặc được doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp như Shopee, Lazada, Grap, Traveloka…, chỉ số ít nền tảng do doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và vận hành, nhưng tỉ lệ vốn góp của doanh nghiệp nước ngoài vẫn rất cao, như Tiki, Sendo, MoMo, VNPay…
“Vấn đề lớn của nền kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng là đa số các hoạt động kinh tế chia sẻ. Vì vậy, muốn thương mại điện tử phát triển nhanh hơn, nhất thiết phải có nguồn lực am hiểu lĩnh vực này từ dòng vốn đầu tư nội”, ông Thắng nói.
Thế nhưng, hiện dòng vốn đầu tư nội (ngân sách, vốn vay, vốn đầu tư mạo hiểm…) cũng không dễ dàng. Vì với vốn vay, các startup khó tiếp cận tín dụng ngân hàng vì không có tài sản thế chấp. Với vốn đầu tư mạo hiểm, Việt Nam mới chỉ có 40 quỹ đầu tư nội và thực tế con số gọi vốn của các startup thương mại điện tử trong thời gian qua cũng chứng minh, không có nhiều quỹ nội tham gia vào các vòng gọi vốn.
Còn với vốn ngân sách nhà nước dành cho thương mại điện tử đã có, nhưng một số trường hợp sử dụng chưa hiệu quả. Theo khảo sát của VECOM, tới đầu năm 2022, có 44/63 địa phương đã xây dựng các sàn giao dịch thương mại điện tử và vận hành dựa phần lớn vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, phần lớn các sàn này hoạt động không hiệu quả, số giao dịch thấp, sản phẩm nghèo nàn, công nghệ lạc hậu, thiếu các dịch vụ hỗ trợ như tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng… Đó là lý do mà Hà Nội và TP.HCM, hai đầu tàu kinh tế và dẫn đầu về thương mại điện tử cũng đã nói không với việc xây dựng sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, một nguồn lực khác được ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhắc tới đó là nguồn nhân lực. Bởi việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhiều hơn vào các nền tảng thương mại điện tử chỉ là một điều kiện cần cho sự phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Còn nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành mới chính là một trong những yếu tố quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững của thương mại điện tử nước ta trong giai đoạn tới.
Thực tế, ngay từ năm 2014, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thương mại điện tử đã được coi trọng. Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020 đã đề ra mục tiêu có 10.000 sinh viên được đào tạo chuyên ngành thương mại điện tử.
Giai đoạn 2021-2025, trong Kế hoạch tổng thế phát triển thương mại điện tử quốc gia, đặt ra mục tiêu 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về thương mại điện tử. 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được đào tạo kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.
Tuy vậy, theo khảo sát đầu năm 2022 của VECOM, hiện đã có 30 trường đại học đào tạo cử nhân thương mại điện tử. Tuy nhiên phần lớn các trường còn gặp khó khăn khi biên soạn giáo trình và học liệu học tập. Đội ngũ giảng viên còn chưa đáp ứng nhu cầu giảng dạy cả về số lượng lẫn chất lượng. Hoạt động giảng dạy còn đơn lẻ từng trường, nội dung chưa hấp dẫn…
“Kênh chủ yếu để đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử chất lượng cao là các trường đại học. Vì vậy các trường cũng ủng hộ ba đề xuất lớn. Thứ nhất cần nhanh chóng thành lập Mạng lưới các trường đại học đào tạo thương mại điện tử. Thứ hai, tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức về kinh doanh cho giảng viên. Thứ ba là phối hợp với tổ chức chuyên môn như VECOM để đào tạo cấp chứng chỉ nghề nghiệp cho sinh viên năm cuối”, ông Dũng cho biết.