‘Miếng bánh’ 1.200 tỷ USD mua bán cộng đồng - Bài 1: Cuộc cách mạng mới trong bán lẻ và mua sắm trực tuyến
(DNTO) - Được thúc đẩy mạnh mẽ bởi đại dịch, khi các địa phương bị phong tỏa, hoạt động giao thương hạn chế, một số cư dân tại khu dân cư tận dụng mạng xã hội để tạo ra cộng đồng khách hàng mua sắm trực tuyến thân thiết và trở thành thương nhân, tiếp tục kinh doanh thành công dù đã bước qua đại dịch.
Cuộc chơi dành cả cho người yếu
Giai đoạn 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chị Hà Thanh Hương (37 tuổi, trú tại khu đô thị Times City, Hà Nội) là một trong những nhân sự thuộc diện cắt giảm của doanh nghiệp. Để có thu nhập, chị Hương tập tành bán hàng online. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc bán hàng online trên mạng xã hội, lại không hoạt ngôn để livestream giới thiệu sản phẩm, nên chị tận dụng chính những nhóm cộng đồng cư dân khu đô thị Times City trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook để bán hàng.
“Tôi nhận làm cộng tác viên bán hàng cho một đại lý bán lẻ thực phẩm của người quen. Mình không phải ôm hàng, chỉ đăng sản phẩm, nếu có người hỏi mua thì gom đơn, chuyển về đại lý và lấy hoa hồng. Ban đầu tôi nghĩ rằng đằng nào cũng nghỉ việc, chưa tìm được việc làm mới và đang ở nhà cách ly thì cũng tập tành đăng bán sản phẩm, có thêm thu nhập thì tốt mà không thì cũng chỉ mất chút công”, chị Hương chia sẻ.
Thế nhưng, từ việc chỉ làm cho vui, sau 1 năm đại dịch, giờ đây hoạt động bán hàng online trong các nhóm trở thành công việc chính của chị Hương khi giúp chị có nguồn thu nhập tốt hơn so với việc làm thuê tại các doanh nghiệp.
“Ban đầu cũng không có nhiều khách hỏi mua, nhưng mỗi ngày tôi đều chịu khó đăng bài, mọi người giới thiệu bạn bè, người thân đến mua, gửi lại đánh giá, bình luận tích cực, nên hiện giờ tôi xây dựng nguồn khách khá ổn định”, chị Hương cho biết.
Tại Việt Nam, theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, xu hướng phát triển mô hình mua bán trong cộng đồng cũng tương đồng với các nước đang phát triển tiên phong về thương mại điện tử.
Nổi bật có thể thấy, khi các địa phương phong tỏa, việc đi lại mua sắm khó khăn đã chứng kiến hoạt động sôi nổi của các cộng đồng mua bán tại các khu dân cư có mật độ cao, điển hình như tại các chung cư. Nhiều cư dân đã ứng dụng các mạng xã hội để tạo ra cộng đồng khách hàng mua sắm trực tuyến thân thiết.
Hoạt động mua bán giữa các cư dân trong một chung cư diễn ra trôi chảy và hiệu quả vì người mua và người bán tin tưởng lẫn nhau trong một cộng đồng tương đối hẹp, vì thông thường họ cũng đã thường xuyên trao đổi, chia sẻ về nhiều chủ đề liên quan tới cuộc sống chung cư. Nhờ vậy, dù không vốn, không kinh nghiệm, nhưng nhiều người vẫn có thể kiếm được thu nhập tốt nhờ vào việc bán hàng trong các cộng đồng của mình.
Giúp câu chuyện thương hiệu đáng tin hơn
Nghiên cứu của Accenture năm 2021 cho biết, gần 2/3 thành viên mạng xã hội được khảo sát đã tiến hành mua bán trong các cộng đồng, tương ứng gần 2 tỷ người trên toàn cầu đã trải nghiệm hình thức mua bán này.
Mua bán trong cộng đồng (thuật ngữ tiếng Anh là Social Commerce) xuất hiện khi toàn bộ trải nghiệm mua sắm của một khách hàng, từ tìm kiếm sản phẩm đến khi hoàn tất thương vụ diễn ra trên một nền tảng mạng xã hội. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhiều người dựa vào mạng xã hội để kết nối với nhau, từ thu thập tin tức, giải trí, học tập và làm việc cũng như mua bán.
Năm 2021, doanh số hình thức mua bán trong cộng đồng đạt 492 tỷ USD. Dự báo của Accenture cho thấy, tốc độ tăng trưởng của hình mô hình mua bán này lên tới 26%/năm và quy mô có thể vượt 1.200 tỷ USD vào năm 2025. Vào năm 2025, thế hệ Y (người sinh năm 1981-1996) sẽ chiếm 1/3 quy mô của loại hình mua bán này, trong khi chi tiêu của thế hệ Z (người sinh năm 1997-2012) sẽ tăng trưởng nhanh nhất.
Trên thực tế, hoạt động mua bán trong cộng đồng đã diễn ra sôi động tại những cộng đồng lớn và đa dạng hơn rất nhiều so với cộng đồng cư dân của một chung cư. Cộng đồng này có thể là thành viên trên mạng xã hội của những nhân vật nổi tiếng hay thành viên của những nhóm cùng sở thích, mối quan tâm…
Lợi thế lớn nhất của mô hình này là mọi người trong cùng một cộng đồng biết nhau, tin nhau, chia sẻ một số hoạt động chung và có thể tương tác và mua sắm trên cùng một nền tảng mạng xã hội.
Ví dụ một số group theo các lĩnh vực có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội Facebook như Yêu bếp Nghiện nhà (235.000 thành viên), Công nghệ số (150.224 thành viên), Khởi nghiệp Việt Nam (183.000 thành viên)…
Một group cộng đồng phát triển cũng trở thành một Influencer (người ảnh hưởng) tới một cộng đồng, một nhóm người nhờ các cuộc thảo luận và nội dung do chính người dùng tạo ra (UGC). Khảo sát của Folksy ghi nhận, 85% người tiêu dùng cho rằng UGC đáng tin hơn câu chuyện do thương hiệu tạo ra và 68% nhận thấy UGC chân thực và hấp dẫn hơn những bức ảnh sản phẩm truyền thông.
Đó là lý do mà hình thức mua bán trong cộng đồng sẽ tạo ra sức mạnh lớn cho các thương hiệu nhỏ cùng vô vàn cá nhân. Bởi họ chính là những người sáng tạo và kết nối chặt chẽ với người mua là các thành viên cộng đồng của mình.
“Với mô hình mua bán trong cộng đồng, sức mạnh của thương mại điện tử có thể sẽ chuyển từ các nhà sản xuất và phân phối tới đông đảo người bán cá nhân và có thể tạo ra một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trực tuyến”, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhận định.
(Còn tiếp)