Tìm ‘thuốc đặc hiệu’ để giải quyết ‘ung nhọt’ của thương mại điện tử
(DNTO) - Hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng được coi là “căn bệnh ung thư” của sàn thương mại điện tử và ngày càng diễn biến phức tạp. Thế nhưng, hiện vẫn chưa có phương án căn cơ để giải quyết triệt để tình trạng này.
Lòng tin mất dần vì hàng giả
Theo Metric, đến năm 2025, quy mô của thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 39 tỷ USD. Việt Nam cũng đang trở thành thị trường lớn thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia.
Thế nhưng, song song với sự phát triển của thị trường thương mại điện tử, thì tình trạng hàng hóa kém chất lượng cũng gia tăng.
Chia sẻ trong Hội thảo “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới” sáng 30/6, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) thông tin, trong năm 2021, đơn vị này tiếp nhận hơn 13.000 cuộc gọi (tăng hơn 17% so với năm 2020) và 1.300 đơn thư khiếu nại (tăng 122% so với năm 2020) của người tiêu dùng phản ánh về chất lượng sản phẩm.
Đáng lưu ý, tỉ lệ thuận với sự bùng nổ của thương mại điện tử trong đại dịch cũng là sự gia tăng của các khiếu nại liên quan đến an toàn thực phẩm, điển hình như các sản phẩm sữa bị phồng, quá hạn sử dụng, ẩm mốc…
Trong khi đó, một bất cập trong công tác quản lý an toàn thực phẩm mà ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường nêu ra đó là việc hậu kiểm, dù vẫn có sự kiểm soát nhưng là “sự đã rồi”.
“Tình hình an toàn thực phẩm rất quan trọng, chủ trương của Nhà nước là thực hiện tiền kiểm sang hậu kiểm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng đưa ra thị trường. Tuy nhiên, việc hậu kiểm cũng có những bất cập, đó là khi phát hiện các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm thì sản phẩm đã đưa ra thị trường số lượng lớn, việc thu hồi gặp khó khăn, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân”, ông Lê cho hay.
Về việc áp mức xử phạt an toàn thực phẩm như thế nào cũng còn bất cập, bởi cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm thường là nhỏ lẻ, hộ sản xuất kinh doanh, nếu phạt nặng và mức phạt quá cao liệu có thực hiện được không. Ông Lê cho rằng vấn đề không phải phạt bao nhiêu và thu được bao nhiêu tiền mà quan trọng hơn là nhận thức của các cơ sở sản xuất kinh doanh mới là quan trọng.
Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng gia tăng gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người tiêu dùng khi lựa chọn kênh mua sắm là thương mại điện tử. Theo Sách trắng Thương mại điện tử 2021, 70% người tiêu dùng cho rằng trở ngại lớn nhất khi mua sắm trực tuyến chính là sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo.
Không thể đơn phương chiến đấu
Theo Bộ Công thương, trong năm 2021 đã phát hiện hơn 3.000 sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Từ năm 2021 đến nay, đã khóa 200 gian hàng, trên 500 sản phẩm vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm, dược mỹ phẩm. Tuy vậy, con số này còn rất nhỏ so với số lượng gian hàng, sản phẩm khủng cần được rà soát.
Thừa nhận việc vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm trên sàn thương mại điện tử vẫn còn diễn biến phức tạp, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, thương mại điện tử là lĩnh vực giao thoa của rất nhiều bộ ngành nên để ngăn chặn tình trạng này, cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan như Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Cục Hải quan…
“Tới đây chúng tôi sẽ tăng cường rà soát các sàn thương mại điện tử, website.. cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan để kịp thời xử lý các vi phạm.. Đồng thời sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, phối hợp với các đối tác để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; triển khai gian hàng trực tuyến quốc gia trên sàn thương mại điện tử để người dân có thể tiếp cận được các sản phẩm hiệu quả...”, bà Huyền nêu giải pháp.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh, trong công tác bảo vệ người tiêu dùng, có 3 trụ cột: người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan liên quan. Trong đó, quyền của người tiêu dùng luôn luôn gắn liền với trách nhiệm của doanh nghiệp nên để làm tốt công tác bảo vệ người tiêu dùng phải kêu gọi sự đồng hành, vào cuộc của doanh nghiệp.
“Hiện chúng tôi đang được giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong dự thảo, chúng tôi cũng đưa ra rất nhiều quy định, gắn kết trách nhiệm của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động cung cấp sẳn phẩm trên nền tảng số, hoặc các dịch vụ xuyên biên giới”, ông Anh Tuấn nhấn mạnh.