Thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế phục hồi sau đại dịch
(DNTO) - Trong gần ba năm đại dịch thương mại điện tử đã có bước tăng trưởng bùng nổ và sẽ tiếp tục là kênh bán hàng thúc đẩy nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Thương mại điện tử nối liền đứt gãy thị trường trong đại dịch
Tại hội thảo “Thương mại điện tử, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch”, được tổ chức mới đây, bà Phạm Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Thương mại Lazada Việt Nam cho rằng, trong đại dịch thương mại điện tử chính là cầu nối thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số, nối liền đứt gãy thị trường.
Bà Trang nêu số liệu, tại Việt Nam có tới 85% người tiêu dùng Việt chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm trực tuyến kể từ khi dịch bùng phát, tổng doanh thu giao dịch thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á đã đạt 38 tỉ USD vào năm 2019, con số này còn cao hơn trong những năm gần đây. Với đà đó, bà Trang khẳng định, thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng và góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch, ngay cả khi nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi rất mạnh mẽ.
Dưới góc độ là một sàn thương mại điện tử, bà Trang cũng thấy rằng, các doanh nghiệp đang ngày càng coi trọng và đầu tư nhiều hơn vào việc chuyển đối số và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ đó là việc các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng có những chính sách phát triển bền vững. Và đây chính là những yếu tố để thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch.
“Chỉ trong năm tháng đầu năm 2022, doanh số bán hàng của Foodmap - một đơn vị chuyên cung cấp các mặt hàng nông sản Việt Nam đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Gần đây nhất trong lễ hội mua sắm sinh nhật thế kỷ trên Lazada, Foodmap đã bán được 5 tấn cam chỉ trong 3 ngày”, bà Trang cho biết.
Về phía người tiêu dùng, bà Trang nêu, trong một khảo sát về hành vi mua sắm trực tuyến được Lazada thực hiện, công bố tháng 3/2022 cho thấy, 81% người Việt Nam khi được hỏi cho biết họ xem việc mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày, cũng như tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần đạt mức 59%. Đặc biệt, 52% người Việt được hỏi cho biết họ ưa thích lựa chọn những thương hiệu Việt.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử (VECOM) khẳng định, trong thời điểm hiện tại, thương mại điện tử là biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế hậu đại dịch.
Cụ thể, ông Dũng nêu, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử trong những năm gần đạt đạt khoảng 30-35%/năm, dịch Covid-19 góp phần rút ngắn từ một đến hai năm tiến độ phát triển ứng dụng cho thương mại điện tử so với kế hoạch đến năm 2025.
Ông Nguyễn Tấn Vương, đại diện NielsenIQ Việt Nam chia sẻ, hai năm đại dịch nếu không có sự phát triển của thương mại điện tử, các hình thức bán hàng đa kênh khác và sự nhanh nhạy chuyển đổi của các doanh nghiệp thì nền kinh tế khó có sự phục hồi theo kỳ vọng.
Theo các số liệu khảo sát người tiêu dùng của NielsenIQ, mua sắm đa kênh đang ngày càng được ưa chuộng và chiếm tỉ trọng cao ở hầu hết các nước. Tại Hoa Kỳ có đến 40% người mua sắm các sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh là người mua sắm đa kênh, ở Trung Quốc con số này là 78%. Tại Thái Lan, các chi tiêu cho mua sắm đa kênh cũng cao gấp đôi so với mua sắm offline.
Ông Kiều Tấn Vũ, Giám đốc marketing chuỗi siêu thị Hải Sản Hoàng Gia cho biết, việc bán hàng đa kênh, nhất là thương mại điện tử không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển thêm tệp khách hàng đồ sộ ở TP.HCM mà còn ở các tỉnh lân cận.
Ông Vũ tính toán, việc bán hàng đa kênh trong đại dịch không những giúp doanh nghiệp trụ vững mà còn thúc đẩy doanh số bán hàng cũng tăng 30%.
Doanh nghiệp phải hiểu sản phẩm của mình
Bà Quỳnh Trang cho rằng, dù đại dịch đã dần đi qua, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc phục hồi kinh tế. Vì thế, thương mại điện tử và kinh doanh đa nền tảng sẽ trở thành một hoạt động tất yếu trong nền kinh tế hiện nay.
Đồng ý với việc mua sắm đa kênh sẽ chiếm ưu thế trong thời gian sắp tới, ông Tấn Vương gợi ý, các doanh nghiệp cần có sự đầu tư mạnh vào hành vi mua sắm đa kênh của khách hàng để tạo nên một trải nghiệm liền mạch giữa mua sắm online và offline.
Tuy thế, theo ông Vũ, với riêng ngành hàng tươi sống, nhược điểm lớn nhất hiện nay khi bán trên sàn thương mại điện tử là khâu vận chuyển. Nếu giải quyết được nhược điểm này thì không chỉ doanh thu tăng vọt mà còn hình thành thêm kênh mua sắm quen thuộc của người tiêu dùng.
Ông Thái Bá Minh, đại diện Tổng công ty bưu điện Việt Nam (VN Post), cho biết doanh nghiệp cần phải hiểu sản phẩm của chính mình nhiều hơn nữa trước khi tham gia vào một hình thức chuyển đổi số, kinh doanh số nào bởi theo ông, không phải bất kỳ một sản phẩm nào kinh doanh online cũng thành công, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Mà để đem lại lợi nhuận thì chính người kinh doanh phải hiểu sản phẩm của mình, trước khi bán cho người tiêu dùng.
Đơn cử để giải quyết câu hỏi, làm sao để vận chuyển mặt hàng hải sản tươi sống nhanh hơn khi bán trên sàn thương mại điện tử thì trước hết doanh nghiệp cần hiểu mặt hàng hải sản nào nên bán trên sàn, sản phẩm nào khi vận chuyển xa vẫn đảm bảo được độ tươi ngon. Người bán có hiểu, có làm đúng thì mới giúp người tiêu dùng ở lại lâu hơn với thương hiệu của mình.
Ông Tom Peng, Giám đốc điều hành GoSELL cũng nhấn mạnh, để phục hồi và tăng trưởng doanh số trong nước trở lại, các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thực hiện giải pháp, xây dựng thương hiệu online với website và ứng dụng điện thoại để giúp khách hàng nhớ đến thương hiệu của mình.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần tận dụng nền tảng tiếp thị liên kết sẵn có để tăng lượng khách hàng và tạo nên một chương trình khách hàng thân thiết.
Theo báo cáo tổng quan thị trường thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 của công ty cổ phần khoa học dữ liệu Metric.vn, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng bùng nổ trong giai đoạn 2020-2021, đứng thứ 2 tại Đông Nam Á chỉ sau Indonesia và được dự đoán sẽ đạt quy mô 39 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025.
Tính tới nửa đầu 2021, Việt Nam đã có hơn 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới. Giá trị chi tiêu bình quân mỗi người trong năm 2020 ở Việt Nam dành cho trực tuyến đạt khoảng 240 USD, tương đương 5.520.000 đồng/năm, tăng gần 42% so với 2016.
Ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng - đời sống là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.