Điểm bán hàng nhỏ: Xu thế của bán lẻ hiện đại
(DNTO) - Tác động của đại dịch Covid-19; thương mại điện tử phát triển, người tiêu dùng có thể ngồi một chỗ cũng có thể mua... cả siêu thị khiến không ít nhà bán lẻ phải thay đổi, sắp xếp, chuyển đổi mô hình.
Tập trung phát triển cửa hàng nhỏ
Không khó nhận ra trên thị trường bán lẻ hiện nay là các tên tuổi bán lẻ lớn, đang phát triển rất ít, thậm chí ngưng phát triển đại siêu thị, siêu thị, để tập trung phát triển các mô hình bán lẻ nhỏ, tập trung nhiều tiện ích.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay tiếp tục có những biến động, trong đó phải kể tới sự thâm nhập mạnh mẽ của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài; hoạt động đầu tư góp vốn, mua bán và sáp nhập giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước vẫn diễn ra liên tục; sự chuyển đổi từ loại hình thương mại truyền thống sang hiện đại; sự phát triển rất nhanh của thị trường thương mại điện tử...
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế vẫn sẽ còn tiếp tục, vì vậy, Saigon Co.op cần tập trung nguồn lực để cách tân nội tại ở tất cả các hoạt động vận hành, tạo nền tảng tăng tốc và giữ vững thị phần.
Theo đó, trong năm 2022, đơn vị sẽ sắp xếp lại chuỗi, đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình các điểm bán không hiệu quả ở tất cả các mô hình. Đối với mô hình nhỏ sẽ quy hoạch, phân định rõ phân khúc phát triển của từng chuỗi Co.op Food, Co.opSmile, Cheers. Tập trung củng cố và đẩy mạnh phát triển chuỗi Co.op Food. Cụ thể, Saigon Co.op sẽ mở mới từ 3-5 siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại trên cơ sở cân nhắc thời điểm khai trương và hiệu quả đầu tư; mô hình bán lẻ nhỏ sẽ mở 80-100 điểm.
Trong một báo cáo gần đây của Tập đoàn Masan, các chuỗi cửa hàng nhỏ và đặc biệt cửa hàng nhỏ tích hợp nhiều tiện ích đã chứng minh tính ưu việt trong giai đoạn mới.
Cụ thể, năm 2021, doanh thu/m2 của các siêu thị mini Winmart+ (của Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại Tổng hợp WinCommerce, thuộc Tập đoàn Masan) tăng 15% trong khi doanh thu các siêu thị Winmart giảm 10,6% so với cùng kỳ.
Quý 1/2022, The CrownX (nền tảng tiêu dùng – bán lẻ tích hợp WinCommerce và Masan Consumer Holdings) đạt doanh thu thuần 13.450 tỷ đồng, tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ vào nỗ lực tăng trưởng doanh thu của Masan Consumer Holdings và việc gia tăng số lượng cửa hàng tại WinCommerce.
Quý 1/2022, WinCommerce mở mới 109 điểm bán. Kết quả, doanh thu WinCommerce tăng 0,8% so với cùng kỳ và tăng 5,7% so với quý 4/2021. Với kế hoạch mở mới 300 cửa hàng trong quý 2/2022 và kỳ vọng phát triển doanh thu tại các điểm bán hiện hữu, WinCommerce dự kiến doanh thu trong quý 2/2022 sẽ tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021 và dự kiến đà tăng trưởng cao về cuối năm 2022.
Đơn vị này đang đặt kỳ vọng nâng quy mô chuỗi lên hơn 4.000 cửa hàng và 170 siêu thị trong năm 2022 thông qua việc triển khai mô hình Winmart+ nhượng quyền song song với các điểm bán do công ty vận hành.
Theo kế hoạch tài chính được đề xuất cho năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group ước tính sẽ từ 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22% – 36% so với mức 74,2 nghìn tỷ đồng (loại trừ doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi) trong năm 2021.
Trong đó, WinCommerce, đơn vị quản lý chuỗi siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+, được kỳ vọng đóng góp doanh thu 38.000-40.000 tỷ đồng, tương đương mức doanh thu của Masan Consumer, công ty sản xuất hàng tiêu dùng.
Để đạt được mục tiêu 100.000 tỷ trong năm nay, theo ban lãnh đạo Masan, chiến lược "Point of Life" – phục vụ các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu trên một nền tảng từ offline đến online chính là điểm quan trọng nhất. Và Masan đã xác định lấy mô hình "mini mall" để hiện thực hoá chiến lược "Point of Life".
Mini mall của Masan là một cửa hàng tích hợp nhiều dịch vụ như nhu yếu phẩm (WinMar), dịch vụ tài chính (Techcombank), trà và cà phê (Phúc Long), chăm sóc sức khoẻ (Phano).
Masan muốn nhân rộng mô hình "mini mall" lên 30.000 cửa hàng trước năm 2025 và bổ sung thêm hai mảnh ghép còn thiếu là nội dung và giải trí.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan cho biết, mô hình mini mall được phát triển để đáp ứng đa dạng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng ngay trên cùng một điểm chạm. Mô hình mini mall sẽ tăng khả năng đáp ứng nhu cầu chi tiêu tiêu dùng từ 25% lên 60 – 80%. Mức doanh thu để đạt điểm hoà vốn tại các "mini mall" giảm từ 20 triệu đồng xuống 14 triệu đồng mỗi ngày.
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam trong một lần trả lời phỏng vấn Tạp chí Doanh Nhân Trẻ mới đây cũng cho biết, sẽ tập trung phát triển lĩnh vực siêu thị vừa và nhỏ AEON MaxValu tại Hà Nội, dự kiến đạt 20 siêu thị vào năm 2022 và 100 siêu thị vào năm 2025.
Bên cạnh đó, AEON Việt Nam vẫn tiếp tục tăng tốc mở thêm các trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị (TT BHTH & ST) cũng như các cửa hàng chuyên doanh như Glam Beautique, AEON Bicycle tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Ngoài ra, AEON Việt Nam cũng sẽ phát triển thêm mô hình bán lẻ mới không nằm trong khuôn viên Trung tâm Mua sắm AEON mà được đặt tại các TTTM của đối tác, như TT BHTH & ST quy mô nhỏ (Mini GMS) dự kiến khai trương trong quý 3/2022 tại Hà Nội, và TT BHTH & ST tinh gọn (Compact GMS) dự kiến khai trương vào năm 2023 tại thành phố mới Bình Dương.
Một nhà bán lẻ lớn trong nước là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH Một thành viên (Satra), tính đến cuối năm 2021 có 3 siêu thị, 2 trung tâm thương mại, 188 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra, Satrafoods. Trong đó có 180 cửa hàng tại TP.HCM và 8 cửa hàng tại TP Cần Thơ và 6 cửa hàng kinh doanh đặc thù của Thương xá Tax (hàng lưu niệm, Café, Miniso…).
Trong đó, cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra, Satrafoods mang đến mô hình kinh doanh mới như là một chợ truyền thống thu nhỏ nhưng hiện đại với nhiều tiện ích như không gian sạch thoáng, hàng hóa đa dạng phong phú, cung cấp thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Một trong những mục tiêu năm 2022, đơn vị này tiếp tục duy trì, hoàn thiện và phát triển các mô hình Centre Mall (Trung tâm Thương mại), Satramart (siêu thị tự chọn) và Satrafoods (cửa hàng thực phẩm tiện lợi) trong đó ưu tiên phát triển chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi quy mô nhỏ, kinh phí đầu tư thấp, độ phủ cao.
“Mục tiêu ngắn hạn trong thời gian tới, hệ thống bán lẻ Satra có 4 siêu thị, 3 trung tâm thương mại và 250 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods. Đồng thời, đẩy mạnh việc tái cấu trúc ngành hàng và danh mục hàng hóa, định hướng lại ngành hàng chiến lược; tăng cường hoạt động marketing, khuyến mại, truyền thông; tăng cường chuyển đổi số như đa dạng hóa các kênh bán hàng trực tuyến, tăng cường và đa dạng các hình thức ưu đãi cho khách hàng thành viên; triển khai các mô hình kinh doanh mới nhắm vào phân khúc khách hàng cao cấp; định vị lại phân khúc cho từng nhóm hàng để điều chỉnh thị phần trưng bày”, đại diện Satra cho biết.
Tiềm năng của ngành bán lẻ còn lớn
Nhận định về mô hình, thị trường bán lẻ hiện nay, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, một số năm gần đây việc mở các trung tâm thương mại, siêu thị lớn đã chậm lại, nhưng việc phát triển các cửa hàng tự chọn, siêu thị mini, cửa hàng chuyên doanh… lại rầm rộ.
Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, mô hình siêu thị mini, cửa hàng tự chọn có một số ưu điểm như mức giá xấp xỉ với mức giá ở các chợ truyền thống, nhất là những mặt hàng tiêu dùng công nghiệp như dầu ăn, nước chấm, mì ăn liền, mỹ phẩm, tạp phẩm… Sự thuận lợi cũng là một ưu điểm của mô hình này. Nhiều cửa hàng, siêu thị mini nằm trong những ngõ ngách, người tiêu dùng không phải gửi xe, mua bán nhanh chóng.
Tuy nhiên, ông Phú cũng cho rằng, những cửa hàng, siêu thị nhỏ cũng bộc lộ một số nhược điểm như do không có điều kiện bảo quản nên chất lượng hàng hóa nếu để lâu sẽ suy giảm nhanh hơn ở siêu thị; văn minh thương mại, mua bán có chứng từ hoá đơn, hệ thống vận chuyển, giao hàng tại nhà cho khách còn hạn chế…
Thêm vào đó, do không kiểm soát được chặt chẽ đầy đủ như siêu thị nên có thể có những rủi ro về hàng giả, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Là người quan sát thị trường lâu năm, theo ông Vũ Vinh Phú, sự phát triển của mô hình này với tốc độ nhanh trong một vài năm gần đây và nhất là trong thời gian tới sẽ có tác động mạnh mẽ đến thị trường bán lẻ chung. Sự cạnh tranh nhất là về giá bán sẽ đem lại lợi thế cho mô hình cửa hàng nhỏ. Giá cả ở hệ thống siêu thị thường cao hơn 15-30% so với các cửa hàng tự chọn, siêu thị mini…
Ông Phú nêu, hiện cả nước có khoảng 1.100 siêu thị, 270 trung tâm thương mại, 9.000 chợ các loại, 3.000 cửa hàng tự chọn, siêu thị mini.
Bán lẻ theo ông là một ngành còn nhiều tiềm năng ở Việt Nam. Sở dĩ nói ngành này còn nhiều tiềm năng bởi nó có các yếu tố có sức thu hút cao như: Quy mô dân số gần 100 triệu dân, số người trẻ chiếm 50-55% dân số, tổng mức tiêu dùng cuối cùng bình quân hàng năm khoảng 65-70% GDP của cả nước, GDP bình quân đầu người đang phấn đấu đến 2030 đạt mức 5000-6000 USD/năm.
Trong khi thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% doanh thu bán lẻ chung. Con số này của Singapore là 90%, Malaysia 65%, Thailand 60%.
“Việc phát triển kênh bán lẻ hiện đại hiện nay ở Việt Nam vẫn còn thấp. Vì vậy, việc phát triển hệ thống phân phối hiện đại trong thời gian tới là một vấn đề tất yếu. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ nói chung và kênh hiện đại nói riêng muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải có môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng trước pháp luật. kiểm soát thị trường công bằng. Nhà nước cần hỗ trợ về vốn chính sách phát triển hệ thống bán lẻ. Các doanh nghiệp Việt phải vươn lên làm chủ hệ thống phân phối, bởi mất phân phối là mất cả sản xuất. Doanh nghiệp phải tự giác hoàn thiện mình từ cơ sở vật chất, nhân lực, văn hóa kinh doanh, phục vụ”, ông Phú nói thêm.
Đại diện của Satra cũng cho rằng, tại thị trường Việt Nam nói chung và thị trường TP.HCM nói riêng, kênh bán lẻ hiện đại vẫn còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong tổng giá trị thị trường bán lẻ, theo ước tính chưa đến 25%. Như vậy thị trường vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển.
Như vậy, với số lượng hiện tại, hệ thống bán lẻ Satra chiếm tỉ lệ chưa đến 10% so với tổng số cửa hàng tiện lợi, siêu thị và trung tâm tâm thương mại trên địa bàn TP.HCM nên việc đạt được hiệu quả kinh doanh ở thị trường này là không dễ dàng trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Theo đó, hệ thống bán lẻ Satra đang rất thận trọng để đánh giá thị trường, tuy còn nhiều cơ hội nhưng song song đó là các rủi ro như thói quen mua hàng kênh truyền thống, cạnh tranh không công bằng giữa các đối thủ có yếu tố vốn nước ngoài – nội địa – tư nhân dẫn đến cạnh tranh về giá bán ra khốc liệt, biên lợi nhuận ngày càng giảm.