‘Miếng bánh’ 1.200 tỷ USD mua bán cộng đồng - Bài 2: Đâu là phần dành cho startup?
(DNTO) - Nhiều startup đã nhanh chóng “đánh hơi” “miếng mồi ngon” trong mô hình mua bán cộng đồng để phát triển giải pháp hỗ trợ kinh doanh đa kênh nói chung và mua bán cộng đồng nói riêng.
Thời cơ để startup “chớp”
Với quy mô có thể vượt 1.2000 tỷ USD vào năm 2025 nhờ tốc độ tăng trưởng thần tốc lên tới 26%/năm, mua bán cộng đồng (xuất hiện khi toàn bộ trải nghiệm mua sắm của một khách hàng, từ tìm kiếm sản phẩm đến khi hoàn tất thương vụ diễn ra trên một nền tảng mạng xã hội) đã trở thành địa hạt màu mỡ để các startup khai thác.
Một khảo sát cho thấy, năm 2021, mạng xã hội Facebook tiếp tục là kênh bán hàng hiệu quả nhất. Do đó, nhiều startup Việt Nam đã chớp lấy thời cơ này để phát triển các giải pháp hỗ trợ kinh doanh đa kênh (omnichannel) nói chung và mua bán trong cộng đồng nói riêng.
Đơn cử như Haravan, một trong 2 startup của Việt Nam được Google “đỡ đầu”, đã xây dựng giải pháp HaraSocial và HaraFunnel để hỗ trợ tối đa cho các nhà bán hàng trên Facebook, từ việc tư vấn khách hàng, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ chuyển đổi đơn hàng. Nhờ vậy, giải pháp này đã được hơn 100.000 fanpage và 300 thương hiệu hàng đầu lựa chọn.
Một startup nổi bật khác là Sapo, hiện là nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh được sử dụng nhiều nhất Việt Nam với 150.000 doanh nghiệp và chủ shop lựa chọn. Bằng cách kết hợp với những “người khổng lồ” như Google, TikTok, Meta… Sapo nhanh chóng phát triển các dịch vụ quản lý bán hàng và liên tục kêu gọi được hàng tỷ USD vốn đầu tư từ các quỹ trong và ngoài nước.
Giữa đại dịch năm 2020, Sapo tiếp tục hoàn tất vòng gọi vốn lên tới 7 chữ số USD từ Quỹ Smilegate Investment (Hàn Quốc) và Quỹ Teko Ventures (Việt Nam), nhằm lấn sân sang lĩnh vực thanh toán và hỗ trợ tài chính doanh nghiệp, để đánh sang thị trường Đông Nam Á.
“Tân binh” Selly (mô hình thương mại điện tử ứng dụng tương tác cộng đồng), cũng huy động được 2,6 triệu USD từ 5 quỹ đầu tư nội và ngoại hồi đầu năm nay nhờ nhanh chóng “bắt sóng” mua sắm trên nền tảng cộng đồng ngày càng phát triển, Selly đã đạt mức tăng trưởng gấp 300 lần chỉ trong 10 tháng hoạt động, tính đến thời điểm huy động vốn.
Các nhà bán hàng cá nhân từ bà nội trợ, người công nhân bị mất việc do đại dịch… đều có thể trở thành nhà bán hàng trên nền tảng của Selly dù “3 không” (không cần bỏ vốn, không phải lưu kho, không lo vận hành). Hiện nền tảng đang có mạng lưới 60.800 seller có thu nhập, 520 nhà sản xuất cùng 13.700 sản phẩm giá sỉ.
Nhiều startup khác cũng đang xây dựng các mô hình tương tự trên mảnh đất mua bán cộng đồng, như Cuccu (nền tảng kết nối doanh nghiệp với các cộng tác viên như phụ nữ, nội trợ, nhân viên văn phòng, sinh viên… có nhu cầu kiếm thêm thu nhập), hay DiMuaDi, Droppii cũng tạo ra công cụ hữu ích giúp cá nhân có thể kinh doanh theo mô hình mua bán cộng đồng.
Thế nhưng, khác với các nền tảng kể trên, ứng dụng Mio của iTapHoa lại “đánh” vào thị trường ngách là các mặt hàng tươi sống được lựa chọn kĩ lưỡng, làm sạch sẵn và giao ngay để khách hàng có thể nấu ngay. Ngoài ra, Mio vẫn giữ mô hình là một nền tảng thương mại về mua bán hàng hóa nông sản và hàng tiêu dùng nhanh, hướng đến những thành phố vừa và nhỏ.
Cũng trong đầu năm nay, Mio đã huy động được 8 triệu USD trong vòng series A từ quỹ đầu tư Jungle Ventures. Trước đó vào giữa năm ngoái, startup này đã huy động được 1 triệu USD vòng gọi vốn. Như vậy, tổng số tiền Mio huy động được đến nay là 9,1 triệu USD.
Cố gắng “làm hết việc” cho người bán
Có thể thấy, rất nhiều startup đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng to lớn của mô hình mua bán trong cộng đồng và đã, đang từng bước xây dựng, nâng cấp các nền tảng trực tuyến chuyên nghiệp để hỗ trợ mô hình này.
Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ các cá nhân bán hàng, các startup còn tiên phong trong khai phá những cơ hội mới từ lựa chọn sản phẩm, nhà cung cấp tới giao hàng.
Các startup đang cố gắng cung cấp mọi dịch vụ liên quan cho đối tác, bao gồm cả quản lý kho, giao hàng, để đối tác của mình chỉ cần tập trung vào một việc duy nhất là bán sản phẩm cho người mua trong cộng đồng.
Nhờ vào những dịch vụ tiện lợi được startup cung cấp, những người tham gia mô hình mua bán cộng đồng chỉ việc tiếp thị, giao kết hợp đồng với người mua trong cộng đồng của mình và hưởng hoa hồng. Đây cũng là lý do cơ bản mà số lượng các nhà bán hàng, đối tác của các nền tảng trên gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua. Bởi bất kì ai cũng có thể bán hàng, không cần vốn, không cần quá nhiều kiên thức và kinh nghiệm, cũng không cần giỏi công nghệ.
Sự tăng trưởng đột phá của lực lượng các nhà bán hàng không chuyên cũng trở thành lực lượng hùng hậu giúp đưa sản phẩm của doanh nghiệp, thương hiệu nhanh chóng đến với người tiêu dùng. Nhờ đó thúc đẩy quy mô mua bán cộng đồng tăng trưởng.
Tuy nhiên, mô hình này cũng đang bộc lộ một số rủi ro dễ dẫn tới tranh chấp do có nhiều bên liên quan tham gia. Cùng với đó, mô hình mua bán cộng đồng cũng là cả một hệ sinh thái kinh doanh số rất phức tạp. Vì vậy cần định hướng rõ hơn từ cơ quan quản lý nhà nước.
(Còn tiếp)