Khi các trang thương mại điện tử vượt khó
(DNTO) - Tiki thành lập từ tháng 3/2010, Lazada có 10 năm hoạt động tại Việt Nam, Shopee có mặt từ tháng 8/2016. Chặng đường phát triển của các sàn thương mại điện tử này gắn liền với sự thay đổi của xã hội, thói quen tiêu dùng của người Việt, cùng với đó là nhiều thách thức và cả cơ hội.
“Thời đại dịch”: Tăng trưởng chưa từng thấy
Covid-19 là cơn ác mộng đối với nhiều lĩnh vực kinh tế trên toàn thế giới, nhưng dường như lại là cơ hội của các trang thương mại điện tử khi đó là một trong những cách hiếm hoi để người tiêu dùng mua được những sản phẩm thiết yếu trong thời kỳ giãn cách xã hội.
Tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2022 mới đây, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (Vecom) cho biết, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử trong những năm gần đây đạt khoảng 30-35%/năm và đây là một kênh bổ trợ cho các kênh bán hàng khác. Nhưng khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch, thương mại điện tử đã “cứu” nhiều ngành kinh tế.
Dữ liệu từ iPrice, tính riêng trong quý III/2021, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có tổng lượt truy cập (trung bình nhóm 10 trang thương mại điện tử) cao gấp 2 lần Thái Lan và gấp 3 lần Malaysia.
Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam cho biết, Shopee ghi nhận sự tăng trưởng nổi bật trong hai năm 2020, 2021 như: Số lượng nhà bán hàng tại khu vực lân cận các thành phố lớn tăng trưởng 70%; cứ 6 đơn hàng thì có một đơn hàng của người dùng mới; số lượng người dùng Shopee ở khu vực lân cận các thành phố lớn tăng 40%.
Đại diện Tiki cho rằng sự tác động của Covid-19 và tình trạng giãn cách xã hội đã đẩy tốc độ phát triển ngành thương mại điện tử nhanh hơn dự kiến. Đơn cử, tháng 7/2021, thời điểm đỉnh dịch, số lượng đơn đặt hàng trên Tiki đã tăng mạnh gấp 4-5 lần thông thường.
Tại Lazada, từ tháng 6 - 8/2021, tổng đơn đặt hàng đã tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2020. Từ khi đại dịch bùng phát, khoảng 85% người dùng cho biết chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm trực tuyến. Trong quý III/2021, doanh thu thông qua LazLive (kênh livestream của Lazada) tăng hơn 8 lần so với năm trước đó.
Khắc phục vướng mắc
Covid-19 ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, nhưng cũng đặt ra thách thức cho các sàn thương mại điện tử về khả năng duy trì liền mạch hoạt động logistics. Từ tháng 6 - 8/2021, khi nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, việc hàng hóa ùn ứ, không thể lưu thông xuyên suốt diễn ra thường xuyên. Để khắc phục, các sàn đã phát triển hoạt động logistics nội bộ song song hợp tác với các doanh nghiệp vận chuyển bên thứ 3.
Theo ông Tuấn Anh, khi người dùng dần chuyển sang các nền tảng thương mại điện tử để phục vụ nhu cầu mua sắm, các doanh nghiệp và nhà bán hàng cần tận dụng tối đa công nghệ nhằm đảm bảo hàng hóa đến tay người dùng nhanh, tiết kiệm chi phí nhất.
Theo đó, từ năm 2020, Shopee đã cho ra mắt mảng giao hàng nội bộ Shopee Express nhằm hỗ trợ người dùng và nhà bán hàng, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm mua sắm. Ngoài ra, sàn còn sở hữu mạng lưới đối tác vận chuyển đa dạng bao gồm 12 đơn vị như giao hàng tiết kiệm, giao hàng nhanh, Viettel post, Viet Nam post...
Thay vì tập trung toàn bộ hàng hóa vào một trung tâm phân loại, Lazada đã thành lập thêm 5 vệ tinh tại các quận Tân Phú, quận 4, TP. Thủ Đức và huyện Hóc Môn (TP.HCM). Lưu lượng hàng hóa và các đơn hàng được chia nhỏ, phân loại về kho phù hợp với tuyến trình vận chuyển, hoạt động vận hành nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Đến cuối năm 2021, Lazada có hơn 400 cơ sở kho bãi, trung tâm phân loại và hợp tác với 80 doanh nghiệp hậu cần, tổng diện tích mặt bằng các trung tâm hậu cần chiếm hơn 300.000m2, có khả năng giao nhận hơn 80% tổng số đơn hàng trên nền tảng.
Riêng vấn nạn hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được các trang thương mại điện tử khắc phục xử lý như thế nào?. Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2021, quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát hiện hơn 3.000 trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua thương mại điện tử. 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận qua thương mại điện tử có thể chiếm 50-60% tổng hình thức gian lận thương mại.
Ông Tuấn Anh cho hay, đơn vị này áp dụng chính sách “Shopee đảm bảo” (các đơn hàng chỉ được thanh toán cho người bán sau khi người mua xác nhận đơn hàng được giao có trạng thái tốt) hay chính sách trả hàng và hoàn tiền nếu có vấn đề phát sinh. Shopee cũng khuyến khích người dùng mua sắm hàng hóa trên gian hàng chính hãng.
Lazada thì yêu cầu người bán cam kết tuân thủ theo luật pháp và quy định của địa phương. Những nhà bán hàng mới phải hoàn thành khóa học hướng dẫn, nâng cao nhận thức về điều khoản cũng như chính sách liên quan đến sở hữu trí tuệ trước khi bán sản phẩm.
Hậu Covid-19: Làm gì để thu hút người dùng?
Theo đại diện của Lazada, đẩy mạnh chiến lược Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) là một trong những xu hướng. Lazada sẽ tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng về công nghệ, thanh toán, hậu cần nhằm cung cấp trải nghiệm mua sắm cho người dùng và nhà bán hàng.
Shopee nâng cao trải nghiệm mua sắm khi giới thiệu thêm nhiều sản phẩm đa dạng, phục vụ nhu cầu mua sắm online - nhu cầu giải trí, tương tác xã hội thông qua các tính năng Shopee Live, Shopee Game.