Facebook, Google, Microsoft đã nộp hơn 4.500 tỷ đồng tiền thuế
(DNTO) - Trong báo cáo vừa được Bộ Tài chính gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết từ 2018 đến hết tháng 4/2022, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đã kê khai và nộp cho cơ quan thuế Việt Nam 5.111 tỷ đồng.
Trong báo cáo vừa được Bộ Tài chính gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết từ năm 2018 đến hết tháng 4/2022, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đã kê khai và nộp cho cơ quan thuế Việt Nam 5.111 tỷ đồng, trong số đó, Facebook, Google, Microsoft đã nộp hơn 4.500 tỷ đồng tiền thuế (Facebook nộp 1.965 tỷ đồng, Goolge 1.902 tỷ đồng và Microsoft nộp 651 tỷ đồng).
Theo Bộ Tài chính, hoạt động quản lý thu thuế đối với hàng hóa, nền tảng dịch vụ xuyên biên giới theo quy định hiện hành được thực hiện thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) với số thu bình quân trên 1.100 tỷ đồng/năm.
Về quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, đến hết tháng 4, cơ quan thuế đã thu được số thu từ xử lý vi phạm, chống thất thu được khoảng 735 tỷ đồng.
Hiện nay tại Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), gồm 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ, 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài; tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.
Bộ Tài chính cho rằng sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đã đặt ra nhiều thách thức với công tác quản lý thuế như: quản lý đầy đủ các nguồn thu; đối tượng nộp thuế; xác định được căn cứ tính thuế; phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế.
Những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất đa dạng như: Thanh toán qua ngân hàng, thanh toán điện tử, thanh toán ngang hàng (P2P), tiền điện tử… Ở Việt Nam, việc kiểm soát giao dịch TMĐT còn gặp khó khăn khi hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.