Hàng giả, hàng nhái qua mặt cơ quan chức năng, 'rình rập' người tiêu dùng
(DNTO) - Hàng loạt kho hàng giả, hàng nhái bị phát hiện và triệt phá là thực trạng đáng báo động khiến cơ quan chức năng và người tiêu dùng chưa thể yên tâm.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục triệt phá những kho hàng giả, hàng nhập lậu lớn tại nhiều địa phương trên cả nước. Ngay trong ngày 8/4, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Đà Nẵng kiểm tra đột xuất 4 địa điểm kinh doanh đồ du lịch, đồ dã ngoại, đồ cắm trại, phát hiện hơn 2.000 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ và nghi giả mạo nhãn hiệu.
Ngày 31/3 vừa qua, Cục QLTT phối hợp với Công an tỉnh Ninh Bình đã tiến hành kiểm tra đột xuất kho hàng có diện tích gần 1.000m2 tại xã Gia Trung, huyện Gia Viễn. Tại đây lực lượng quản lý thị trường địa phương đã phát hiện một số lượng lớn các sản phẩm gia dụng, dân dụng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồng hồ... có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu, vi phạm về nhãn hàng hóa, an toàn thực phẩm.
Trước đó, ngày 30/3, tại Hà Nam, Đội QLTT Số 1 - Cục QLTT Hà Nam phối hợp với Đội 3, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Hà Nam thực hiện kiểm tra đột xuất xưởng sản xuất quần áo thuộc DN tư nhân Sử Hằng. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang tổ chức sản xuất quần áo thời trang nam các loại có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu “Adidas”, “Nike”, “Lacoste”, “Burberry” đang được bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam. Chủ cơ sở không xuất trình được hợp đồng gia công và hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Tại Hà Nội, nhiều kho chứa hàng giả hàng nhái cũng liên tục bị phanh phui như kho hàng chứa hơn 3.000 sản phẩm giày dép thời trang giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Dior, Chanel, Gucci, Burberry, Adidas, LV, Hermes… tại đường Thạch Cầu, quận Long Biên, Hà Nội. Hay như vụ thu giữ hơn 2.000 sản phẩm pin dự phòng giả mạo nhãn hiệu Samsung tại Thanh Trì, Hà Nội…
Theo cơ quan quản lý thị trường, các đối tượng ngày càng hoạt động tinh vi, đáng chú ý tình trạng lợi dụng nền tảng thương mại điện tử để bán hàng gian, hàng giả ngày càng phổ biến. Như cơ sở tại Ninh Bình, theo Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương), cơ sở này chủ yếu sử dụng hình thức livestreams để bán hàng. Ghi nhận trên hệ thống bán hang online của cơ sở này, mỗi video livestream có khoảng 5.000 views và trung bình một ngày có khoảng 1.000 đơn hàng được gửi đi thông qua các dịch vụ vận chuyển.
Tương tự, cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng nhái tại Hà Nam vừa bị phanh phui cũng chủ yếu sử dụng kênh bán hàng trực tuyến để tiêu thụ hàng kém chất lượng. Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, Tổ trưởng Tổ công tác 368 (Tổng cục QLTT), mỗi ngày cơ sở bán hàng này chốt hơn 3.000 đơn hàng và được gửi đi thông qua hệ thống chuyển phát Giao Hàng Nhanh.
Nói về nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay, đặc biệt trên thị trường online, ông Nguyễn Kỳ Minh cho rằng, vấn đề khó khăn nhất của cơ quan chức năng trong việc tiếp cận các kho hàng này là phải xác minh được địa chỉ IP Facebook vì đối tượng hoạt động bán hàng online rất chuyên nghiệp, việc vận chuyển cũng được phối hợp với các đơn vị chuyển phát rất nhanh chóng.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT, tại nhiều địa bàn tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn bày bán công khai, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, kinh doanh và du lịch. Không chỉ hoành hành trên thị trường truyền thống, hàng giả hàng nhái còn xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường online.
Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm mới phát sinh trên thị trường, Tổng cục QLTT đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 về Kế hoạch đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2021- 2025 (Quyết định số 888).
Đây là kế hoạch dài hơi, với mục tiêu cụ thể cho từng năm. Trong đó, năm 2021, phấn đấu 100% các siêu thị, trung tâm thương mại tại TP Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, TPHCM, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu không kinh doanh, bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
100% các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) gồm Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Hotdeal và các trang TMĐT bán hàng lớn như FPT Shop, Điện máy xanh, Thế giới di động, Zalora, Lotte, Zanado đều ký cam kết và thực hiện không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT…
Có thể thấy, việc hàng loạt các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng vẫn lén lút hoạt động, mỗi ngày cung cấp hàng triệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng đang là thực trạng đáng báo động. Người tiêu dùng vẫn đang bị nạn hàng giả, hàng nhái đe dọa từng ngày, từng giờ.
Không phủ nhận sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng trong thời gian gần đây, chính vì thế nhiều sự vụ hàng giả, hàng nhái mới liên tục được phanh phui. Tuy nhiên, theo chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú, để đẩy lùi tệ nạn này, bản thân mỗi người tiêu dùng cần phải kiên quyết quay lưng với hàng hóa rẻ tiền, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bởi khi không còn cầu, chắc chắn nguồn cung sẽ tự bị dập tắt.