Hàng siêu rẻ và cái giá phải trả TikTok
(DNTO) - Từ chỗ được coi là sân chơi của các nhà bán hàng nghìn đơn, TikTok giờ đây đang phải đối diện với lệnh cấm từ nhiều quốc gia, và án phạt này dự báo sẽ chưa dừng lại.
Từ“con cưng” thành “con ghẻ”
Ngay trong những ngày đầu tháng 10, TikTok nhận 2 tin không vui từ Đông Nam Á, một địa bàn chiến lược mà nền tảng dự kiến sẽ đầu tư 12 triệu USD trong 3 năm tới.
Đầu tiên là việc Indonesia ban hành lệnh cấm bán hàng trên các mạng xã hội. Đây là thị trường lớn thứ 2 của TikTok với 113 triệu người dùng, chỉ sau Mỹ 116,5 triệu người dùng. Tổng giá trị hàng hoá (GMV) năm 2022 của TikTok ở thị trường này lên tới 2,5 tỷ USD, chiếm hơn một nửa GMV của TikTok ở Đông Nam Á là 4,4 tỷ USD. Lệnh cấm của Indonesia được xem là cú đánh trực tiếp vào những nền tảng đang dùng dữ liệu khách hàng để cho mục đích kinh doanh như TikTok hay Facebook.
Phía Indonesia cho biết thời gian qua, các mặt hàng giá rẻ tràn ngập trên mạng xã hội đã đe doạ đến sự sống còn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Đó là lý do nước này cũng yêu cầu các trang thương mại điện tử áp giá sàn 100 USD cho một số loại mặt hàng nhập khẩu, nhằm bảo hộ hàng hoá nội địa trước sự xâm nhập của hàng giá rẻ Trung Quốc.
Ngay sau Indonesia, chính phủ Malaysia đang thẩm định chính sách tương tự, trong bối cảnh người tiêu dùng, các nhà bán lẻ nước này lo ngại về cạnh tranh giá sản phẩm và các vấn đề về bảo vệ dữ liệu cá nhân trên TikTok Shop.
Trước đó, TikTok cũng từng bị cấm ở nhiều thị trường như Mỹ, Ấn Độ, Đài Loan, Anh, một số nước châu Âu...
Giá siêu rẻ phá vỡ sự lành mạnh của thị trường
Ở Việt Nam, TikTok đang có 49,86 triệu người dùng. Kết thúc quý 2 năm nay, TikTok Shop đã có 107.700 cửa hàng bán ra tổng số 117 triệu sản phẩm. Nhờ vậy, “tân binh” đã vượt qua Lazada, chiếm vị trí thứ 2 về thị phần thương mại điện tử tại Việt Nam với doanh thu 16.300 tỷ đồng.
Là sàn thành công phát triển xu hướng shopentertainment (mua sắm kết hợp giải trí), TikTok Shop thu lợi khi biến niềm vui của người dùng thành những hóa đơn mua hàng. Nhưng chỉ vậy chưa đủ. Lý do mà sàn có thể nhanh chóng soán ngôi đàn anh là phải kể đến việc “đốt tiền” tung các mã khuyến mại, chiêu bài Shopee đã làm để giữ “ngôi vương” trong 10 năm qua.
TikTok Shop trong hơn năm qua cũng đang nỗ lực cạnh tranh về giá, tung các khoản trợ cấp tiền mặt thông qua các voucher, mã freeship để thu hút người mua hàng, đồng thời cung cấp tín dụng quảng cáo để giúp nhà bán tiếp cận với nhiều khách hàng hơn.
Tuy vậy, về góc độ thương mại, ông Nguyễn An Sơn, Trưởng phòng Phát triển dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho biết việc cạnh tranh trên thương mại điện tử hiện nay tập trung chủ yếu vào khuyến mại và giá. Việc cạnh tranh bằng tín nhiệm và đánh giá chất lượng sản phẩm còn chưa được phổ biến.
“Tình trạng này về lâu dài khiến thị trường thương mại điện tử phát triển không lành mạnh và không bền vững, hạn chế sự lớn mạnh của doanh nghiệp uy tín”, ông Sơn nhấn mạnh.
Chưa kể, việc quản lý vi phạm trên môi trường thương mại điện tử gặp rất nhiều khó khăn. Người tiêu dùng bị hạn chế trong việc đánh giá sản phẩm, dễ bị lừa đảo. Thông tin hàng hoá mặc dù đúng với chất lượng nhưng khi giao đến người tiêu dùng chất lượng lại khác.
“Thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến hàng giả, hàng nhái”, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nói.
Thực tế, chỉ cần tìm kiếm những cụm từ như túi xách LV, đồng hồ Rolex, giày Nike... trên TikTokShop sẽ hiện lên vô vàn video, gian hàng bày bán công khai, với sản phẩm chỉ có giá bằng 1/100 hàng chính hãng.
“TikTok đang trở thành nơi tập trung của nhiều loại hàng hóa kém chất lượng, đặc biệt khi ngày càng có các gian hàng mới mở trên nền tảng này do chính sách và mức phí ưu đãi”, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết.
Không thể chối bỏ trách nhiệm
Với trách nhiệm của một sàn thương mại điện tử, bà Hoàng Thị Huyền, Trưởng phòng Kinh doanh Online, Trung tâm kinh doanh và phân phối, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Postmart) cho biết, trong quá trình đào tạo, tập huấn cho người bán hàng, đặc biệt người nông dân, phải giúp họ hiểu rõ sản phẩm đưa lên sàn phải là sản phẩm hoàn thiện về chất lượng sản phẩm. Muốn vậy, trong quá trình trồng trọt, sản xuất phải có các chứng chỉ, giấy tờ CO, CQ...
Bản thân các sàn thương mại điện tử phải đưa ra các quy định về quy chuẩn cho các nhà bán hàng. Đồng thời phải rà soát liên tục xem quy trình đưa sản phẩm lên sàn đã đúng chưa, chuẩn chỉnh chưa.
“Chúng tôi có quy định rất rõ, bà con đang có sản phẩm gì, không phải sản phẩm nào cũng có thể đưa lên sàn thương mại điện tử trong khi giấy tờ còn thiếu rất nhiều. Ngoài ra việc thường xuyên rà soát các sản phẩm đưa lên sàn cũng là trách nhiệm của chủ sàn. Sản phẩm là thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người dùng, vì vậy sản phẩm vừa chất lượng vừa phải đạt đủ số lượng cần chung tay cả nhà bán hàng và chủ sàn”, bà Huyền nhấn mạnh.
Cũng trong những tháng qua, TikTok phải đối diện với việc kiểm tra toàn diện từ phía cơ quan chức năng Việt Nam. Ngoài trách nhiệm kiểm soát video (bôi nhọ lãnh đạo Đảng, video không phù hợp trẻ em, đi ngược thuần phong mỹ tục...), thì TikTok cũng nổi bật với các sai phạm về thương mại điện tử.
Cụ thể, TikTok chưa công bố thông tin về chủ sở hữu ứng dụng trên trang chủ của ứng dụng TikTok Shop; chưa lưu trữ đầy đủ thông tin người bán khi đăng ký sử dụng dịch vụ; chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin về hàng hóa của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đặc biệt, một trong những vi phạm nghiêm trọng của TikTok là không có biện pháp mạnh tay để ngăn chặn việc buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Bộ Công Thương buộc TikTok khắc phục ngay các sai phạm trong việc cung cấp dịch vụ sàn thương mại xuyên biên giới vào Việt Nam.
“Nền tảng này phải có giải pháp ngăn chặn và loại bỏ khỏi ứng dụng các sản phẩm cấm kinh doanh.Với những cá nhân, thương nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, TikTok cần cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn/vĩnh viễn”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình - Thông tin điện tử, chia sẻ trong họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông hôm 5/10.