‘Bình mới rượu cũ’, TikTok Shop thông minh như thế nào để vượt mặt đàn anh Lazada, Tiki?
(DNTO) - Bán hàng qua livestream là chiêu thức không mới nhưng TikTok Shop đã đi vào thị trường đầy tiềm năng là nông sản địa phương, nhờ đó thu hút lượng lớn kẻ bán, người mua.
Vẫn là livestream nhưng rất khác
“Ví dụ vụ vải thiều lục ngạn, nếu như những năm trước chúng ta phải giải cứu. Một hợp tác xã tổng sản phẩm 50 tấn, nếu bán thông thường phải qua thương lái mất rất nhiều thời gian và chi phí trung gian. Nhưng chỉ một buổi livestream với sự tham gia của doanh nghiệp và TikToker tương đối thành công, bán được giá 60.000 đồng/kg, giá gấp 5 lần so với 12.000 đồng/kg ở thời điểm đó”, ông Trần Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc phụ trách đầu tư, Liên hiệp Hợp tác xã OCOP Việt Nam, nói về lợi thế khi bán nông sản qua hình thức livestream.
Thực tế, trong 6 tháng qua, vào mỗi sáng thứ 7 hàng tuần, sàn thương mại điện tử TikTok Shop liên tục tổ chức các phiên livestream sản phẩm OCOP. Hoạt động này nằm trong chuỗi chương trình Chợ phiên OCOP mà sàn xây dựng, nhằm đưa các chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP lên giới thiệu và bán trên nền tảng này.
“Sau 6 tháng, đã có 25 Chợ phiên OCOP diễn ra với hơn 800 phiên livestream, đạt 100 tỷ doanh thu. Hashtag #OCOP tính đến sáng 27/10 đạt 985 triệu lượt tiếp cận; hashtag #dacsanvietnam có hơn 1 tỷ lượt xem”, ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện TikTok Việt Nam cho biết.
Để mà nói thì livestream bán hàng thương mại điện tử (Live Commerce) không phải hình thức mới ở Việt Nam. Trước TikTok Shop, hoạt động này đã diễn ra rầm rộ ở các nền tảng khác như Facebook, thậm chí ở cả các sàn thương mại điện tử đối thủ như Shopee, Lazada.
Nhưng tại Diễn đàn Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2023 mới đây, đại diện Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) thừa nhận Live Commerce chỉ thực sự bùng nổ khi TikTok Shop bước vào cuộc chơi này. Câu hỏi đặt ra là vì sao TikTok lại thổi bùng được xu hướng này, trong khi những đàn anh đi trước đã làm, có hiệu quả, nhưng chưa thể tạo ra sự bùng nổ?
Để trả lời câu hỏi này, phải quay trở lại tìm hiểu cách làm cũ. Trước đây, việc livestream trên Facebook, Lazada hay Shopee đa phần dành cho các sản phẩm hàng hoá tiêu dùng thông dụng, dễ bán, dễ đóng gói và vận chuyển như quần áo, mỹ phẩm, vật dụng gia đình... Các nhà bán hàng muốn tiếp cận đến nhiều người xem buộc phải bỏ tiền để sử dụng các hình thức quảng cáo. Nhưng ngay cả khi khách hàng vào xem livestream thì cũng không dễ chuyển đổi đơn hàng khi họ không biết nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
TikTok Shop thì khác ở chỗ sàn biết cách biến niềm vui của khách hàng thành những hoá đơn. Nhà bán hàng là những người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa, với sự chân chất của mình, kể câu chuyện về sản phẩm của mình, dễ dàng chạm tới cảm xúc của người xem hơn những người bán hàng nói thao thao bất tuyệt, cốt để bán hàng nhưng không có tình yêu với sản phẩm.
“Cuối tháng 7, chúng tôi có chương trình đào tạo ở Cà Mau, một tỉnh mà có ít doanh nghiệp tham gia nhất (30 doanh nghiệp) khiến tôi rất thất vọng. Vài tháng sau, tôi quay lại và gặp chị Xa (Trần Thị Xa), Chủ nhiệm HTX Ba Khía Đầm Dơi. Chị kể sau khi đi học, 15 ngày livestream không có ai xem. Nhưng sau đó, bất thình lình, chị kể một câu chuyện về sản phẩm của mình và lên xu hướng. Giờ đây mỗi ngày chị đều livestream 1,5 tiếng và bán tới 300 đơn hàng”, ông Lâm Thanh nói.
Hướng đi thông minh của TikTok Shop
Thực tế, các sàn thương mại điện tử hiện duy trì sự cạnh tranh với các đối thủ ở các yếu tố như sự đa dạng, chất lượng của sản phẩm, nhà bán hàng; dịch vụ vận chuyển; giá; chính sách hậu mãi.
“Đánh” vào thị trường nông sản địa phương OCOP, TikTok Shop đã chọn cho mình một thị trường "ngách" nhưng lại là hướng đi thông minh. Bởi đây là một thị trường rộng lớn khi có tới 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên cùng 5.069 chủ thể OCOP (tính đến 30/6, theo Bộ Nông nghiệp), nhưng nhiều năm vẫn bị bỏ ngỏ vì khó khăn trong đầu ra.
Mở đường cho OCOP lên sàn, nghiễm nghiên TikTok Shop có thêm lượng lớn nhà bán hàng, lượng lớn sản phẩm. Điều này cũng trực tiếp thu hút người mua hàng muốn trải nghiệm sản phẩm đặc sản của các địa phương.
Thu hút được những người nông dân, vùng sâu vùng xa bán cũng giúp TikTok Shop tạo ra hiệu ứng dây chuyền với những nhà bán hàng khác đang loay hoay tìm kênh phân phối sản phẩm, cho đến các thương hiệu lớn như ADLV, Mac... đang tìm hướng mở rộng tệp khách hàng của mình.
Về khía cạnh chất lượng, các sản phẩm OCOP đều là sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chứng nhận. Do đó sản phẩm dễ dàng tạo được niềm tin đối với khách hàng, những người tiêu dùng thông minh mong muốn tìm kiếm sản phẩm an toàn cho sức khoẻ nhưng lại đang loay hoay trong một thị trường với nhiều sản phẩm hàng kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, cũng nối gót Shopee, TikTok Shop cũng khá mạnh tay khi vung tiền cho các mã khuyến mại, trợ cấp tín dụng cho cả người bán và người mua để thu hút họ lên sàn.
Nhờ tất cả các chiêu bài trên, trong 9 tháng qua, TikTok Shop thu về 25.000 tỷ đồng, theo Metric. Đồng thời, trong quý 3, thị phần thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục được chia lại. Nhân tố mới TikTok Shop nhanh chóng nâng thị phần từ 3% vào quý 3 năm ngoái lên 16% quý 3 năm nay. Đồng nghĩa, các đàn anh phải nhường lại một phần "miếng bánh" này, Shopee giảm từ 72% xuống còn 69%, Lazada giảm 21% xuống còn 14%, Tiki giảm từ 3% xuống còn 1% thị phần.
Nhưng, trách nhiệm quản lý của một sàn thương mại điện tử không thể chối bỏ. Thời gian qua, TikTok Shop cũng đối diện với những cáo buộc tiếp tay cho các nhà bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, sản phẩm không rõ nguồn gốc. Vì vậy, muốn duy trì niềm tin khách hàng để gia tăng thị phần, tân binh này buộc phải xem lại chính sách quản lý nhà bán hàng, quản lý sản phẩm để tạo môi trường thương mại điện tử lành mạnh.