Kỷ lục 'chốt đơn' của hot TikToker Phạm Thoại: Thương mại điện tử Việt Nam sắp bùng nổ giống Trung Quốc?
(DNTO) - Hết livestream (phát trực tiếp) trên nền tảng Facebook, giờ đây, những người bán hàng rầm rộ kéo sang TikTok và đang thúc đẩy hình thức bán hàng này lên một tầm cao mới. Nhưng sự bùng nổ này kéo theo nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng nhái hay các nội dung không được kiểm soát khi truyền tải.
Kỷ lục nối tiếp kỷ lục
Cách đây gần 1 tuần, hot TikToker Phạm Thoại đã lập kỷ lục tại Phiên Chợ Cuối với 3 triệu lượt xem, 22 triệu lượt yêu thích và đạt gần 50.000 đơn hàng chỉ trong 12 tiếng phát trực tiếp trên nền tảng TikTok. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay trên TikTok Shop cho tới thời điểm hiện tại.
Đây cũng là lần đầu tiên thương hiệu cao cấp ADLV xuất hiện trên nền tảng này và ngay lập tức nhiều mã hàng đã bán hết ngay sau khi được giới thiệu, để lại nhiều sự hối tiếc của giới săn đồ khi chưa kịp "chốt đơn".
2022 là năm đánh dấu bước ngoặt của nền tảng mạng xã hội TikTok khi lấn sân sang mảng thương mại điện tử với sự ra đời của TikTok Shop. Việc tung ra tính năng livestream cho phép người dùng có thể vừa phát sóng trực tiếp để tương tác với người xem giống như các nền tảng livestream khác, vừa có thể bán các sản phẩm thông qua giỏ hàng trên chính livestream của mình, đã giúp TikTok trở thành một “tay chơi” đáng gờm so với các đàn anh.
Theo thống kê của Metric, trong tháng 11/2022, tổng doanh thu trên TikTok Shop đạt 1.686 tỷ đồng, với 13 triệu sản phẩm được bán ra từ 32.000 nhà bán hàng. Mức doanh thu này hiện đã tương đương 80% doanh thu cùng kì của Lazada và gấp 4 lần doanh thu của Tiki, những sàn thương mại điện tử đã có chục năm hoạt động ở Việt Nam. Tính trung bình, mỗi ngày, nền tảng thu về 56,6 tỷ đồng nhờ 434.000 sản phẩm được bán ra, giá trị trung bình mỗi sản phẩm là 130.000 đồng.
Có thể thấy, TikTok Shop hiện được xem là “mảnh đất” màu mỡ mà các nhà bán hàng hay các nhà sáng tạo nội dung đang làm tiếp thị liên kết cho các nhãn hàng, có thể dễ dàng tiếp cận với người mua.
“Bàn tay” kiểm soát phải chặt hơn
Giống như Trung Quốc, livestream ở Việt Nam cũng được xem là “mảnh đất” sẽ sản sinh nhiều tỷ phú. Như Phạm Thoại cũng từng ghi nhận doanh thu đạt hơn 1,2 tỷ đồng với hơn 14,6 nghìn đơn hàng khi bán thời trang online.
Tuy nhiên, nam TikToker này cũng nhiều lần bị chỉ trích bởi ngôn từ không đẹp khi giao tiếp với khách hàng. Chưa kể, hiện nay, nhiều TikToker nổi lên và ngang nhiên tư vấn về các sản phẩm mỹ phẩm, dược phẩm hay thực phẩm chức năng… để bán hàng, mà không có bằng cấp và kiến thức về ngành. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người mua nếu chọn những sản phẩm không phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Nổi lên gần đây là hiện tượng “thải độc cà phê” gây tranh cãi. Các nội dung hướng dẫn bơm nước cà phê vào hậu môn để thải độc và chữa bách bệnh đã được nhiều bác sĩ, chuyên gia y tế lên tiếng cảnh báo, nhưng vẫn thu hút đông đảo người xem và làm theo.
Ngoài ra, thương mại điện tử tuy là kênh bán hàng hiện đại nhưng cũng là con đường để hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ tràn vào thị trường. Điển hình là sự việc TikToker Trương Nhã Dinh bị chính nhãn hàng mỹ phẩm Estee Lauder Vietnam và MAC Cosmetics gọi tên và cảnh báo về tình trạng hàng giả tràn lan trên TikTok Shop sau đoạn livestream bán mỹ phẩm rẻ bằng ¼ giá gốc.
Thực tế, những sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… nhiều năm nay được kiểm soát và theo dõi của cơ quan chức năng, nhưng tình trạng hàng giả vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nay tại TikTok, với lượng đơn hàng khủng được lưu thông ra thị trường mỗi ngày, việc kiểm soát này khó lại thêm khó.
Nguy hại hơn, nhiều nội dung trên TikTok hiện nay cố tình làm sai lệch hoặc làm giảm uy tín của Đảng và Nhà nước, bôi nhọ hình ảnh của các chính khách hoặc cố tình thổi phồng các chủ đề nhạy cảm để tạo sự chú ý với công chúng… Những hành động này đang ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và niềm tin vào chế độ của người dân. Đơn cử là tài khoản TikTok mang tên TVĐ (được biết đến là Thái Văn Đường), thường xuyên đăng tải những nội dung trái chiều về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ở Trung Quốc, sau thời kỳ bùng nổ livestream, nước này đang kiểm soát chặt chẽ nội dung của những người ảnh hưởng truyền tải trên mạng xã hội. Trung Quốc yêu cầu những người sáng tạo nội dung phải có bằng cấp liên quan để nói về một số chủ đề như luật, tài chính, y học, giáo dục. Cấm phô bày lối sống xa hoa, cấm các nội dung bóp méo chính sách… Đất nước tỷ dân cũng tăng cường quản lý các tài khoản livestream để kiểm soát hành vi trốn thuế cũng như các hành vi sản xuất các nội dung sai lệch, các nội dung “cường điệu” nhằm lôi kéo khách hàng.
Tại Việt Nam, mạng xã hội và thương mại điện tử được kỳ vọng bùng nổ về số lượng người dùng, các giao dịch hàng hóa, nhưng đi kèm với sự tăng trưởng đó cần sự kiểm soát chặt hơn của các cơ quan chức năng để người dùng được bảo vệ và tiếp cận với thông tin chính thống trên môi trường online cũng như sự cạnh tranh kinh doanh bình đẳng của các doanh nghiệp, thương hiệu khi bán hàng qua mạng.