3 tháng, người Việt mua hàng trên Shopee, Lazada, Tiktok Shop hết hơn 38.000 tỷ đồng
(DNTO) - Phân khúc hàng hóa dưới 500.000 đồng mang lại doanh thu cao nhất và sản lượng bán hàng lớn nhất cho các sàn thương mại điện tử.
Shopee thu về 24.700 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng
Sáng 28/6, Diễn đàn về khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2023 diễn ra. Cung cấp số liệu tại diễn đàn, ông Đỗ Văn Việt, thành viên Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết doanh thu trong lĩnh vực này không ngừng tăng trưởng, từ 5 tỷ USD năm 2019 lên 16,4 tỷ USD năm 2022 và có thể chạm mức 32 tỷ USD vào năm 2025.
Chỉ trong quý đầu năm nay, các sàn thương mại điện tử đã mang về doanh thu khủng. Dẫn đầu là Shopee (24.700 tỷ đồng; 289,7 triệu sản phẩm), Lazada (7.500 tỷ đồng; 55,2 triệu sản phẩm), TikTok Shop (6.000 tỷ đồng; 42,1 triệu sản phẩm), còn lại là Tiki (846 tỷ đồng; 2,8 triệu sản phẩm) và Sendo (55 tỷ đồng; 290.000 sản phẩm).
Các sàn “ăn tiền” ở sản phẩm giá 100.000-200.000 đồng và 200.000-500.000 đồng. Ngoài ra, phân khúc 10.000-50.000 đồng cũng mang lại sản lượng bán hàng lớn nhất.
TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng nhờ những “Shop online” phát triển mạnh trên TikTok, Facebook mà hàng ngàn hộ gia đình từ vùng cao Lạng Sơn, Lào Cai cũng có thể bán được hàng trăm đơn hàng chỉ qua “livestream”.
Theo ông Việt, ngoài 2 xu hướng phát trực tiếp (livestream) bán hàng và tiếp thị liên kết (affiliate marketing), các sàn thương mại điện tử đang tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy việc bán hàng.
Sản phẩm hữu cơ lên ngôi
Những năm gần đây, xu hướng thực phẩm an toàn, tự nhiên lên ngôi. Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp cho biết, doanh số bán lẻ sản phẩm hữu cơ (thực phẩm và đồ uống) không ngừng tăng lên. Từ 18 tỷ USD năm 2000, thị trường sản phẩm hữu cơ vượt mốc 100 tỷ USD vào năm 2018 và tăng lên 188 tỷ USD vào năm 2021. Dự báo, doanh thu sản phẩm hữu cơ ước đạt 208 tỷ USD trong năm nay.
“Tại các thành phố, giá sản phẩm tại các cửa hàng thực phẩm sạch dù nhỉnh hơn chợ truyền thống nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận vì có nguồn gốc rõ ràng, được giám sát chất lượng. Khi người dân có thu nhập tốt hơn, họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để sử dụng sản phẩm đảm bảo sức khỏe”, ông Tiến nói.
Tuy nhiên, sản xuất nông sản ở Việt Nam vẫn nhỏ lẻ nên thường không đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu. Ông Tiến khuyến nghị cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cần mạnh tay hơn trong việc kiểm soát tốt chất lượng nông sản, đặc biệt là với các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc miền Bắc của NielsenIQ Việt Nam, cho biết người dân đang thay đổi nhận thức và hành động để bảo vệ môi trường như giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác, hay chỉ mua đồ dùng cần thiết.
Vì vậy, doanh nghiệp bán lẻ có thể khuyến khích tiêu dùng xanh bằng việc cung cấp sản phẩm hữu cơ, sử dụng xe điện để giao hàng, sử dụng bao bì tái chế, giảm lãng phí thực phẩm hay thưởng điểm khi mua sản phẩm bền vững…
“Không chỉ chờ sự giám sát của cơ quan chức năng, doanh nghiệp phải chủ động chứng minh các hành động bền vững, chịu trách nhiệm với tuyên bố xanh của mình bằng việc minh bạch thông tin, loại bỏ các tuyên bố xanh vô căn cứ”, bà Hà khuyến nghị.