TikTok tiếp tục bung mạnh ‘át chủ bài’ để đấu với Shopee, Lazada
(DNTO) - TikTok đang tiếp tục chiến lược social commerce (thương mại xã hội), shop entertainment (mua sắm kết hợp giải trí) để biến niềm vui của người xem thành những phiếu mua hàng.
Tân binh “máu chiến”
Trong quý đầu năm, 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam (Shopee, Lazada, TikTok Shope, Tiki và Sendo) thu về 39.000 tỷ đồng, theo Metric.
“Anh cả” Shopee vẫn giữ vị trí tiên phong với doanh thu 24.700 tỷ đồng, chiếm 63,1% thị phần. Theo sau là Lazada (7.500 tỷ đồng , chiếm 19,1% thị phần).
Đáng chú ý, TikTok Shop đã vượt mặt những tay chơi khác để vươn lên vị trí thứ ba, với doanh thu 6.000 tỷ đồng, chiếm 15,5% thị phần. Con số này đã thu hẹp khoảng cách của gã “tân binh” mới gia nhập thị trường khoảng 1 năm, với các “đàn anh” kỳ cựu khác như Lazada đã có 10 năm hoạt động, Tiki với 12 năm tuổi nhưng hiện chỉ còn chiếm 2,2% thị phần.
Bà Alice Trương, Giám đốc Phát triển Kinh doanh TikTokShop cho biết, trước khi TikTokShop ra đời, TikTok được mọi người biết đến như là một mạng xã hội thông qua video. Thay vì người dùng đăng tải những bài viết, từ khóa liên quan đến cuộc sống thì họ chia sẻ video và kể câu chuyện thông qua video. TikTokShop ra đời đã định hình mô hình mới trên thị trường.
“Chúng tôi không hoàn toàn là thương mại điện tử, cũng không hoàn toàn là mạng xã hội, chúng tôi là social commerce, shop entertainment. Ở đó, người dùng đến với TikTok bắt đầu từ nhu cầu giải trí”, bà Trương nói.
Nhận định về mô hình kinh doanh của TikTokShop, ông Phạm Minh Toàn, CEO Time Universal Communications, đơn vị có 20 năm tư vấn tiếp thị, truyền thông cho doanh nghiệp, chia sẻ, social commerce được hiểu là việc sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok… làm phương tiện để quảng bá và bán sản phẩm, dịch vụ trực tiếp. Đây là hình thức thương mại kết hợp giữa social media (truyền thông xã hội) và ecommerce (thương mại điện tử), cũng là sự kết hợp hoàn chỉnh thế mạnh của mô hình bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử.
Social commerce đã chứng minh được những lợi thế như sản phẩm phong phú, thông tin rõ ràng, giá cả cạnh tranh, khuyến mãi đa dạng và linh động. Khách hàng dễ dàng mua sắm và được hỗ trợ, tư vấn trực tiếp từ người bán. Doanh nghiệp, người bán có thể bán chéo nhiều sản phẩm, chủ động tiếp cận khách hàng…
“Social commerce không cao siêu mà chỉ đơn giản là biến truy cập trên social media chuyển đổi thành đơn hàng. Biến người hâm mộ, người xem thành người mua”, ông Toàn cho biết.
Và người làm tốt nhất trong việc chuyển đổi từ cộng đồng thành người mua hàng ở hiện tại không ai khác chính là TikTok. Điều đó lý giải vì sao “tân binh” này lại thần tốc bước vào Top 3 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam.
Giải mã “át chủ bài”
Bà Alice Trương, Giám đốc Phát triển Kinh doanh TikTokShop cho biết, bản chất của TikTokShop là khiến người dùng hạ hàng rào về mua sắm trước, sau đó họ sẽ thực hiện chốt đơn dựa trên cảm xúc của bản thân. Mô hình này được gọi là “vòng lặp không giới hạn”.
“Nếu nhìn về quá khứ, vòng chạy của marketing, nhóm người dùng từ tiếp cận thương hiệu đến chốt đơn sẽ dạng ‘hình phễu’. Ở TikTok Shop, chúng tôi tạo nó thành ‘vòng lặp không giới hạn’, tức người dùng khi mua hàng họ chia sẻ trải nghiệm của mình về sản phẩm, lên video về sản phẩm hoặc đơn thuần là mặc và sử dụng sản phẩm đó trong video, họ đơn giản chỉ cần gắn link sản phẩm lên video và trở thành người khuếch trương tiếp theo cho thương hiệu”, bà Alice Trương nói.
Khi mọi người lướt TikTok xem các video được đề xuất theo thói quen, cũng có những video hay livestream bán hàng khiến mọi người thực hiện hành vi chốt đơn. Đối với tính năng shop entertainment, tệp người dùng trên TikTok khổng lồ, tuy nhiên từ người dùng chuyển sang người mua hàng phải thông qua quá trình review (đánh giá), truyền cảm hứng từ những người dùng khác.
“Vì cho khách hàng chốt đơn bằng cảm xúc nên giai đoạn gãy, tức từ hứng thú cho đến việc tìm hiểu sản phẩm qua nhiều landingpage (trang web độc lập) được lược bỏ, khách hàng hoàn toàn có thể chốt đơn từ 1-1,5s từ lúc họ hứng thú với sản phẩm thông qua video hoặc livestream qua TikTok” bà Trang cho hay.
Trước đây, một video quảng cáo thông thường trên tivi, phương tiện truyền thông đại chúng… sẽ đi qua nhiều bước để tính toán được tỷ lệ chốt đơn. Thì nay một video trên TikTok được gắn đường link dẫn đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp (tiếp thị liên kết), nhà bán có thể tính toán được ngay tỉ lệ chốt đơn của sản phẩm. Như vậy, một video trên TikTok có thể giải quyết được 2 bài toán cho doanh nghiệp. Một là bài toán khuếch trương thương hiệu, hai là tính thương mại (bán sản phẩm, dịch vụ).
Chưa dừng lại ở đó, TikTok cũng giống Shopee, là một kẻ rất chịu chi khi sẵn sàng “đốt tiền” cho các mã khuyến mại, giảm giá (voucher). Bởi theo nguyên lý, các voucher luôn là điểm kích thích với người mua để bù đắp sự mất mát khi mua sắm.
Nhưng không giống với các ứng dụng khác, mã giảm giá trên TikTok Shop khá đa dạng, được áp sẵn và trừ tiền khi mua hàng, nhất là mức ưu đãi lớn cho cả người bán, người mua và đơn vị vận chuyển (từ 10.000 đồng – 100.000 đồng). Đây là một điểm hấp dẫn để kích thích trao đổi thương mại trên nền tảng.