TikTok phải tự dọn ‘rác’
(DNTO) - Chế tài xử phạt chưa đủ răn đe khiến các nền tảng mạng xã hội như TikTok phớt lờ trước các nội dung độc hại. Nhưng, cơ quan chức năng Việt Nam đang có động thái mạnh tay hơn để buộc nền tảng mạng xã hội phải tự dọn thông tin “rác” do họ phát tán.
Từ tiếng chuông của Bộ Thông tin và Truyền thông
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát đi cảnh báo với TikTok, nền tảng mạng xã hội đang có hơn 50 triệu người dùng (chiếm một nửa dân số Việt Nam). Cụ thể, cơ quan quản lý nêu ra 6 vi phạm của TikTok, liên quan đến việc nền tảng này thiếu trách nhiệm trong việc kiểm soát các tin giả, nội dung chống phá Đảng, Nhà nước; nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em. Bộ cũng cho biết ngay trong tháng 5 tới, sẽ kiểm tra toàn diện hoạt động của Tiktok tại Việt Nam.
Không chỉ TikTok, thời gian qua, các nội dung độc hại, lệch chuẩn văn hóa liên tục xuất hiện trên các mạng xã hội khác như Youtube, Facebook, Twiter…, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý người dùng, đặc biệt với lứa tuổi thanh thiếu niên.
Tuy nhiên, trước đây, cơ quan chức năng chỉ tập trung xử lý “phần ngọn”, tức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân cách sử dụng mạng xã hội an toàn, lựa chọn thông tin chính thống… thì nay, đã chú trọng đến việc xử lý “phần gốc”, tức ràng buộc trách nhiệm quản lý của các công ty cung cấp mạng xã hội.
TS Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, đối chiếu theo quy định của pháp luật, 6 nhóm hành vi vi phạm của TikTok có dấu hiệu vi phạm Điều 8, Điều 16, Điều 17, Điều 18 của Luật An ninh mạng 2018. Bởi vậy, việc Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc là rất cần thiết.
“Thời gian qua, những tin xấu, độc trên không gian mạng, thậm chí những nội dung tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước rất nhiều. Nếu chỉ phó mặc câu chuyện đó cho lực lượng bảo vệ pháp luật thì không thể kiểm soát hết. Bởi vậy, cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin Truyền thông siết chặt quản lý với các nhà mạng, các đơn vị cung cấp mạng xã hội là giải pháp rất hữu hiệu để môi trường mạng trong sạch, an toàn hơn”, ông Cường nhận định.
Thực tế, nhiều năm nay, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam thu nguồn lợi khủng từ lượng người dùng đông đảo, thì buộc phải có trách nhiệm với những hoạt động của mình. Hành động phó mặc người dùng lan tỏa những thông tin độc hại, phớt lờ trước những “rác phẩm” đang ngày đêm ăn mòn tư duy của thế hệ trẻ, là không thể chấp chận.
Theo chuyên gia, ngoài việc kiểm tra, kiểm soát, cần phải có những phân tích chi tiết để xác định mức độ tác động, ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội với tinh thần, sức khỏe và sự phát triển của người dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tính toán việc tiếp tục sử dụng mạng xã hội sẽ gây hại cho kinh tế, xã hội bao nhiêu, so với mức thuế họ đóng, để cân nhắc việc cho phép các nền tảng hoạt động.
Các nền tảng muốn hoạt động ở các quốc gia cần phải có sự đóng góp, xây dựng cho việc phát triển con người, kinh tế, xã hội ở quốc gia đó. Đặc biệt phải có thái độ rõ ràng, dứt khoát loại bỏ các nội dung độc hại.
Có thể xem xét xử lý hình sự
Để đối phó với các cơ quan chức năng và làm dịu dư luận, thời gian qua, một số mạng xã hội đã đưa ra tiêu chuẩn cộng đồng như hạn chế đối tượng sử dụng nhỏ tuổi (dưới 13 tuổi), cấm các video có nội dung thô tục, phản cảm, bạo lực... Tuy nhiên, quy định này thực chất giống như bức bình phong che mắt các cơ quan chức năng. Thực tế, các nội dung này vẫn nhan nhản trên các nền tảng và thu hút đông đảo người xem.
“Mỗi nền tảng mạng xã hội đều đưa ra tiêu chuẩn, quy định của họ, nhưng chỉ mang tính chất khuyến cáo, còn những động thái cụ thể không có. Họ đưa ra như vậy nhưng không có thống kê, ví dụ trẻ em dưới 13 tuổi sử dụng lượng bao nhiêu. Các thông tin xấu độc sẽ được quét, xử lý như thế nào?”, Luật sư Cường nói.
Cũng theo vị này, cần phải xem xét điều chỉnh các chế tài với tổ chức vi phạm. Hiện nay, các hành vi vi phạm trên không gian mạng được xử lý bằng 2 loại chế tài: hình sự và hành chính.
Với chế tài hình sự, quy định từ Điều 285 đến Điều 294 của Bộ Luật Hình sự 2015, với các tội phạm công nghệ cao, tội phạm liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhưng với các vi phạm này, phần lớn chỉ xử lý cá nhân, còn với các pháp nhân thương mại gần như không được đề cập đến.
“Đây cũng là một khoảng trống của Luật hình sự liên quan đến tổ chức là pháp nhân thương mại khi vi phạm pháp luật nghiêm trọng”, ông Cường nói.
Với chế tài hành chính, theo Nghị định 15 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện và được sửa đổi bởi Nghị định 14, mức xử phạt với tổ chức không quá 200 triệu đồng, với cá nhân không quá 100 triệu đồng.
Cụ thể, tại Điều 100 của Nghị định 15 quy định mức xử phạt cao nhất với tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội chỉ 70 triệu đồng, với hành vi như chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự của tổ chức, cá nhân hoặc các thông tin mang tính khiêu dâm, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục…
“Lợi nhuận mà các mạng xã hội thu về cả tỷ USD, trong khi mức phạt chỉ mấy chục triệu, chưa đủ sức răn đe. Theo tôi đây là nguyên nhân khiến các mạng xã hội coi thường pháp luật của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đã đến lúc cần siết chặt quản lý các thông tin rác và xử lý nghiêm minh, phạt tiền với mức phạt lớn hơn và thậm chí có thể xử lý hình sự”, ông Cường nhấn mạnh.