Chuyên gia: Cần có hành lang pháp lý để kiểm soát sự phát triển của AI
(DNTO) - Chuyên gia cho rằng cần có hành lang pháp lý để kiểm soát sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng nên quy trách nhiệm cho người dùng AI chứ không phải bản thân AI.
Tại tọa đàm “Phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo đáng tin cậy", sáng 6/11, cho biết không thể phủ nhận AI đang có ảnh hưởng sâu rộng, mang lại nhiều lợi ích vượt bậc cho kinh tế, xã hội, và đời sống.
Tuy vậy, việc sử dụng AI cũng đặt ra những thách thức liên quan đến đạo đức, quyền riêng tư và tính minh bạch. Mặt trái của AI cũng sẽ tác động đến mọi mặt, như về kỹ thuật sẽ là các cuộc tấn công mạng làm ảnh hưởng tới hệ thống thông tin, dữ liệu của các tổ chức, mất an toàn không gian mạng.
Về kinh tế, việc tăng cường sử dụng AI và các thuật toán có thể xảy ra cạnh tranh và độc quyền của những công ty có ưu thế về mặt công nghệ. Về xã hội, theo IMF, AI có thể tác động đến 60% việc làm ở các nền kinh tế phát triển. Do đó, công nghệ này có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và khủng hoảng an sinh xã hội. Về môi trường, việc phát triển công nghệ cao sẽ tiêu tốn tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Về pháp lý, việc sử dụng AI không kiểm soát ảnh hưởng đến quyền sở hữu trí tuệ, quyền riêng tư, quyền không bị phân biệt đối xử.
Trước những nguy cơ như vậy, câu hỏi đặt ra là có nên quy định trách nhiệm hình sự cho AI không? Bà Nguyễn Lan Phương, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, cho rằng không nên quy định chế tài hình sự đối với AI vì AI là máy móc, không phải là một chủ thể quan hệ pháp luật, mà phải quy trách nhiệm cho con người sử dụng công nghệ này.
“Nói vui là chế tài cho con người là ‘nhốt vào tù’ thì AI sẽ là ‘tắt nguồn điện’ hay sao? Nếu AI trả lời sai có thể là lỗi dữ liệu, lỗi do người dùng... Vì vậy, chỉ nên quy định trách nhiệm cho các cá nhân trong khâu vận hành hoặc phát triển chứ không thể coi AI là một cá thể để áp dụng chế tài hình sự”, bà Phương nhấn mạnh.
Để đảm bảo rằng sự phát triển của AI không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn cần phải đặt con người, đạo đức, và trách nhiệm lên hàng đầu, theo bà Phương, cần rà soát các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến công nghệ này, kết hợp hài hòa quy định pháp luật và hướng dẫn thực hành, quy tắc đạo đức.
Bên cạnh đó, mỗi công dân phải có nhận thức và kĩ năng để sử dụng AI hiệu quả. Muốn vậy, nhà chức trách cần xây dựng các hướng dẫn về phân loại rủi ro, hướng dẫn, tiêu chuẩn kĩ thuật cho các nhà phát triển ứng dụng, công nghệ, sản phẩm AI; các hướng dẫn triển khai, sử dụng AI an toàn, đáng tin cậy cho người sử dụng.
“Trong trường hợp xây dựng đạo luật, quy định chung về AI như dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số hiện tại, nên xác định mục tiêu của đạo luật, quy định chung; xác định các mức độ rủi ro liên quan đến quyền con người; quy định nghĩa vụ phù hợp với vai trò, khả năng của từng chủ thể trong chuỗi giá trị và tương xứng mức độ rủi ro; xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát với ưu tiên thử nghiệm công nghệ AI”, bà Phương khuyến nghị.
Ở góc độ liên quan đến quyền thu thập và sử dụng dữ liệu phục vụ cho AI, TS Trịnh Duy Thuyên, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước CELG cho rằng khung pháp lý Việt Nam về thị trường dữ liệu đang trong quá trình hình thành và phát triển.
Hiện nay, các quy định liên quan đến thị trường dữ liệu được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Đơn cử như Luật An toàn thông tin mạng 2015, Luật An ninh mạng 2018, Nghị định 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân...
Đặc biệt Luật An ninh mạng đã đặt ra các quy định nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng.
Một số điểm của Luật An ninh mạng có ảnh hưởng đến thị trường dữ liệu bao gồm: yêu cầu lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam (Điều 26); quy định về bảo vệ thông tin cá nhân (Điều 16)...
“Việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý thị trường dữ liệu tại Việt Nam sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của thị trường dữ liệu, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan”, ông Thuyên nói.