'AI giúp doanh nghiệp xây dựng được đế chế kinh doanh nếu biết tối ưu sức mạnh của nó'
(DNTO) - Theo chuyên gia, sau 5 năm cầm chừng ở mức dưới 50-60%, nhiều doanh nghiệp Việt "mở khoá" sức mạnh tăng trưởng lần lượt 72% và 65% trong năm 2024 nhờ ứng dụng AI và AI tạo sinh. Một ngày nào đó mỗi chúng ta sẽ có một công cụ AI cho riêng mình, đó là trào lưu của phát triển AI trong tương lai.
'Tương lai không xa mỗi người chúng ta sẽ có một công cụ AI cho riêng mình'
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang xâm nhập làm thay đổi cách thức các doanh nghiệp vận hành. Chia sẻ tại Diễn đàn Lãnh đạo Doanh nghiệp trẻ Việt Nam (VYBS) ,với chủ đề AI WAVE do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) tổ chức chiều 3/10, ông Trương Quốc Hùng, Nhà Sáng lập kiêm CEO VinBrain (thuộc Vingroup), nhấn mạnh: Hiện trên thế giới chưa có tập đoàn nào chiếm lĩnh thị trường trong ứng dụng AI lĩnh vực y tế. VinBrain nghĩ đó là cơ hội để đưa công nghệ này từ Việt Nam ra thế giới. Mục tiêu trước hết là bao phủ cả thị trường Đông Nam Á gần 1 tỷ người.
Đến nay, dữ liệu mà VinBrain thu thập rất lớn, bao gồm hơn 2.4 triệu dữ liệu Y tế đến từ Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và Việt Nam, sử dụng tại hơn 100 bệnh viện. Hiện tại, mỗi tháng chúng tôi có khoảng 130.000-150.000 ca ảnh tải lên hệ thống DrAid™. Trong thế giới ngày nay, các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh không sử dụng AI sẽ bị thay thế bởi các bác sĩ sử dụng AI.
"Qua thống kê, hiệu quả ứng dụng AI giúp cho tăng độ chính xác trong chẩn đoán lên 25%. Thay vì làm 100% công việc, các bác sĩ có thể tập trung hơn vào 20% hình ảnh bất thường đã được ứng dụng trí tuệ nhân tạo DrAidTM sàng lọc. Như vậy, hiệu quả làm việc của bác sĩ có thể tăng lên đến 80%", CEO VinBrain nhận định.
Bên cạnh DrAidTM, VinBrain đang xây dựng ứng dụng SenMen để trò chuyện với người dùng. Ứng dụng này như một người bạn cá nhân hóa, giúp người dùng có thể chia sẻ những cảm xúc thật, từ đó sẽ đưa ra phương án cải thiện như tham vấn tâm lý từ xa...
"Một ngày nào đó mỗi chúng ta sẽ có một công cụ AI cho riêng mình, không phải mơ hồ mà đó là trào lưu của phát triển AI trong tương lai, tức là nó đồng cảm với mình, hiểu mình, sẽ trả lời mọi câu hỏi thắc mắc chứ không phải đang làm chung cho tất cả mọi người như hiện nay", ông Hùng nhấn mạnh.
Phá vỡ ranh giới giữa 'Getting Things Done' và 'AI stress'
Ông Cao Vương, Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Aiva Group, đồng thời cũng là co-founder của Unica.vn, sàn khóa học online lớn nhất tại Việt Nam với gần 1 triệu học viên đặt vấn đề: Hầu hết chúng ta hoang mang giữa rất nhiều "ma trận" về AI, chúng ta không biết bắt đầu với công cụ ấy như nào, rồi kết luận rằng AI khó dùng. Lý do bởi chúng ta đang chỉ mới khai thác 1% sức mạnh cực kỳ nhỏ của chat GPT hoặc là trí tuệ nhân tạo tạo sinh mà thôi. Thế giới AI chuyển dịch rất nhanh, để hé mở bí quyết khai phá 99% sức mạnh thực sự của AI, ông Vương đưa ra cách sử dụng AI thành 3 giai đoạn.
Trong tương lai, chúng ta nên tận dụng GenAI theo hướng tạo nội dung cho cả tháng chỉ trong 1 giờ, lên kế hoạch marketing tổng thể, viết một cuốn eBook trong 15 phút, tạo một video chỉ trong 5 phút, viết bài 3.000 từ chuẩn SEO bằng một click, tái chế nội dung đa kênh...
Ông Cao Vương, ông Cao Vương - Nhà sáng lập AIVA Group
Giai đoạn đầu tiên là bạn hỏi AI trả lời, và kết quả phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng câu hỏi của bạn cũng như năng lực chuyên môn hay kỹ năng của bạn, nếu bạn không có "key" (từ khoá) bạn không thể đặt những câu hỏi tốt, do đó câu trả lời sẽ không đủ hay và dùng được, tôi nghĩ rằng là 99% mọi người đang ở cái giai đoạn này.
Giai đoạn thứ hai, lúc này chúng ta đã mày mò rất nhiều công cụ khác nhau rồi và nghĩ rằng mình đã thành thạo trong việc hỏi đáp với AI, nhưng chúng ta đang chưa hệ thống hóa để biến AI trở thành một công cụ ra tiền, ra số, ra khách hàng, nghĩa là chúng ta cũng có dùng nhưng để đo lường có hiệu quả và giảm thời gian thực sự thì nó chưa tối ưu, hiện một số người đang "chững" lại ở giai đoạn này.
Những công cụ này có nhược điểm là không thể yêu cầu AI làm nhiệm vụ lớn được, chẳng hạn như làm 1 landing page, hay 1 kế hoạch marketing tổng thể, viết kịch bản Tik Tok, viết sách...
Còn giai đoạn 3 theo ông Vương, sắp tới rất nhiều doanh nghiệp sẽ chuẩn bị để "mở khoá", đó là giai đoạn ứng dụng AI Agents (nhân sự AI), ứng dụng toàn năng này cho chúng ta một công việc từ A đến Z một cách trọn vẹn, chứ không phải chỉ để hỏi chơi hay tham khảo, mà nó phải Getting Things Done ( hoàn thành mọi việc).
"Đây là cách để doanh nghiệp Việt sử dụng AI hiệu quả, bởi khi ấy nó được việc và giúp chúng ta giải quyết vấn đề thực sự, cho ra kết quả nhanh chóng và đồng thời không còn AI Stress (mất thời gian) nữa", ông Vương nhận định.
Phân tích cụ thể về đặc điểm của AI Agents, ông Vương cho hay, nó phải được đào tạo bài bản bởi những người có kỹ năng chuyên môn kinh nghiệm đã trải qua về thực tế, đó có thể là chính nhân sự của chúng ta - những người có chuyên môn rất cao hoặc đã được kiểm nghiệm thực tế, thực hiện được cùng lúc nhiều bước khác nhau để cho ra nhiệm vụ cuối cùng với kết quả phải dùng được ngay trên 75%, chứ không phải mang tính tham khảo, và có thể lặp lại nhiều lần các nhiệm vụ mà chúng ta giao cho nó.
Ông Vương dẫn chứng, trước kia để có được một triệu view đầu tiên trên fanpage, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đầu tư ít nhất 100 triệu trong khoảng 6 tháng đến 1 năm, thì giờ đây với việc ứng dụng những trợ lý về content này, nhiều khách hàng chia sẻ đã cán mốc đó chỉ sau 2 tháng, điều đáng nói là từ lượng view này đã chuyển đổi thành tệp khách hàng tiềm năng.
"Chúng ta phải tận dụng AI để phục vụ mình, AI không lấy đi công việc của bạn, người biết sử dụng ai mới lấy đi cơ hội kinh doanh của bạn", ông Vương nhấn mạnh.
Đâu là những thách thức?
Theo các chuyên gia, chiếm đa số trong cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nghiệp SME (vừa và nhỏ) không đứng ngoài việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhất là bối cảnh nhận thức và hành động chuyển đổi số của doanh nghiệp SME ngày càng nhanh, toàn diện, dữ liệu nội bộ ngày càng nhiều thì việc ứng dụng AI tạo sinh thuận lợi hơn.
Nếu năm 2022, xu thế ứng dụng AI tạo sinh bắt đầu thì đến nay, xu thế này đã tăng trưởng lên đến 62%. Đặc biệt, 92% công ty top 500 doanh nghiệp giá trị đã ứng dụng AI tạo sinh để góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh. Nhờ công cụ này, các doanh nghiệp trên đã tăng gần 16% doanh thu, cải thiện gần 25% năng suất toàn doanh nghiệp, 37% năng suất cho nhân viên và 55% năng suất của nhà phát triển…
Dù những mặt được mà AI tạo sinh mang đến là rất lớn nhưng ứng dụng này vẫn chưa tạo được làn sóng mạnh mẽ trong các doanh nghiệp SME ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Nhà Sáng lập kiêm CEO Công ty CP TopCV Việt Nam ông Trần Trung Hiếu nhấn mạnh, giống như chuyển đổi số, muốn chuyển đổi sang sử dụng AI cũng cần phải có phương pháp.
Bước đầu tiên là bộ máy lãnh đạo chưa kịp đổi mới - đây là điểm cực kỳ quan trọng nếu CEO và các lãnh đạo phòng ban không thấy đây là xu thế bắt buộc phải thay đổi theo thì sẽ không có kế hoạch triển khai, đào tạo đội ngũ và hạn chế nguồn lực, năng lực. Do đó, ứng dụng AI tạo sinh cần gắn với tác vụ hàng ngày của doanh nghiệp.
Theo đó, phải chuyển đổi tư duy lãnh đạo, tức là ngay khi tìm hiểu ứng dụng AI thế nào thì người đầu tiên làm việc đó phải là CEO chứ không phải trợ lý, phải xây dựng một tổ chức học tập và làm việc hiệu suất cao để liên tục đổi mới, xây dựng chiến lược quản trị dựa trên chuyển đổi số và AI. Bởi khi nhân sự ngại thay đổi chiến lược kinh doanh và tổ chức thiếu sự linh hoạt cũng sẽ dẫn đến việc chúng ta ứng dụng cái mới không hiệu quả.
"Bản chất gốc rễ của AI phải dựa trên dữ liệu và đặc biệt là nếu muốn ứng dụng AI trong doanh nghiệp thì phải dựa trên lịch sử khách hàng, sản phẩm, văn hóa... mọi thứ cần phải được số hóa thành dữ liệu và chuyển vào các hệ thống AI thì lúc đó mới tận dụng được sức mạnh của AI, nếu không chúng ta sẽ sử dụng những câu công cụ như chat GPT một cách chung chung, chứ không giải quyết được vấn đề", ông Hiếu cho hay.
Tiếp đến là hạn chế về nguồn lực, ngân sách đầu tư, con người để xây dựng kế hoạch và triển khai. Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Misa, dự báo xu thế ứng dụng AI tạo sinh sẽ mạnh mẽ trong những năm tới. Vấn đề là doanh nghiệp lựa chọn “điểm rơi” để ứng dụng AI và không nên bỏ qua những rủi ro để chọn đối tác, môi trường.
Ngoài ra, xét đến cùng, sản phẩm, dịch vụ là dấu cộng quan trọng giữa dữ liệu và mô hình xử lý. Chúng ta cần kiểm soát dữ liệu ngay từ đầu nguồn, tức là từ sơ cấp và dữ liệu thứ cấp phát sinh trong quá trình đó. Dẫn số liệu cho thấy, 49% vấn đề hệ luỵ xuất phát từ an ninh mạng, 44% liên quan đến lan truyền dữ liệu sai lệch, chuyên gia cho rằng, sai lệch thường đến từ dữ liệu thứ cấp được “tô phóng” thêm mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, được diễn giải trong ngữ cảnh khác và người dùng sẽ chịu sự sai lệch này.