Tháo 'rào' quản lý dữ liệu đất đai bằng nền tảng AI, Blockchain để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp
(DNTO) - Dự báo thị trường bất động sản sẽ bứt phá vào quý 2/2025 khi các thông tư, nghị định của 3 Luật mới có hiệu lực. Song để đáp ứng "cuộc chơi" mới, phải có nền tảng pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc quản lý, thu thập thông tin bất động sản để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Điểm rơi thanh khoản sẽ ở giữa quý 2/2025
Theo Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nửa đầu quý 2/2024, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, thị trường bất động sản cũng đang phục hồi tích cực qua từng tháng, hàng loạt dự án bất động sản đa dạng phân khúc được tái khởi động, giới thiệu ra thị trường và đều được quan tâm, đạt kết quả bán hàng ấn tượng.
"Điều này dẫn đến lượng giao dịch và giá tại TP.Thủ Đức tăng 10 - 30% so với hồi đầu năm 2024 ở các dự án căn hộ đã bàn giao, có mức giá cho thuê tốt. Đặc biệt là ở phân khúc tầm trung, hướng đến nhu cầu mua ở thực, được thanh toán nhiều đợt kéo dài từ 2 - 3 năm, nhiều chính sách hỗ trợ người mua đã kéo khách hàng quay lại quan tâm nhiều hơn đến các dự án vừa giới thiệu ra thị trường", ông Nguyễn Duy Hà, Giám đốc đào tạo và phát triển dự án Công ty Thăng Long Real, cho biết.
Thông tin tại hội thảo "Chính sách mới - Trợ lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển", ngày 28/6, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho rằng, việc tháo gỡ được những vướng mắc pháp lý sẽ giúp cho nguồn cung ứng dồi dào, nguồn cung tăng lên thì tự nó sẽ điều chỉnh xu hướng thị trường “kim tự tháp” nhà ở bền vững.
Đồng quan điểm, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Đầu tư DKRA Group, cho rằng, khi pháp lý bất động sản khơi thông và tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa, có sự lan tỏa cộng hưởng ở các lĩnh vực khác thì thị trường bất động sản sẽ hồi phục.
Theo Giám đốc Đầu tư DKRA Group, những yếu tố tạo nên niềm tin vào việc thị trường sẽ khôi phục trong thời gian sắp tới bao gồm: Thứ nhất, đó là sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam khi dự báo năm nay GDP của chúng ta vẫn tăng khoảng 5,5%; Vốn FDI trong 5 tháng đầu năm đạt khoảng hơn 8 tỷ USD tăng khoảng 7,8%; Về tổng lượng xuất nhập khẩu, hiện tại Việt Nam đang xuất siêu hơn 10 tỷ USD. Và đặc biệt chỉ số giá tiêu dùng CPI của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm vẫn duy trì ở mức 4,03%.
Thứ hai, là việc lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện tại đang rất thấp. Tạo điều kiện rất lớn cho doanh nghiệp và người dân. Đó là lợi thế rất lớn cho thị trường bất động sản hiện nay. Đặc biệt là các luật sắp được thông qua sẽ tạo ra cơ sở hành lang pháp lý để khơi thông những bế tắc, cũng như vướng mắc của thị trường.
Dự báo về sự hồi phục của thị trường, ông Thắng cho biết từ cuối năm 2023, thị trường đã có những dấu hiệu hồi phục. Đà hồi phục này sẽ tiếp tục và sẽ tập trung ở loại hình bất động sản nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực và nhà ở vừa túi tiền đặc biệt là phân khúc căn hộ hạng B, C ở những thành phố đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM. Sau đó sẽ lan rộng ra các tỉnh thành giáp ranh của những đô thị lớn này như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, Hải Phòng hay Cần Thơ, Đà Nẵng.
Theo Giám đốc Đầu tư DKRA Group, giai đoạn từ nay đến 6 tháng cuối năm, và có thể kéo dài đến đầu năm 2025, khả năng thị trường sẽ có những điểm sáng nhất định, tuy nhiên để thị trường bứt phá, sẽ cần thời gian. Sự hồi phục ở các đô thị lớn sẽ tạo ra thanh khoản và sẽ là yếu tố dẫn dắt thị trường.
"Tthị trường sẽ khởi sắc rõ nét vào quý 2/2025 khi những Thông tư, Nghị định hướng dẫn thực thi 3 Luật cụ thể và pháp lý bất động sản được khơi thông. Tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa và có sự lan rộng, cộng hưởng ở tất cả các lĩnh vực khác, đó là lúc thị trường bất động sản hồi phục và sẽ bắt đầu một chu kỳ phát triển bền vững", ông Thắng nhấn mạnh.
Tháo 'rào' quản lý dữ liệu đất đai bằng nền tảng AI, Blockchain
Việc cùng lúc sửa đổi các bộ luật liên quan đến phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, đất đai… là hành động thể hiện sự quyết tâm và đồng bộ của pháp luật sẽ tháo gỡ được những vướng mắc pháp lý các dự án bất động sản, nguồn cung nhà ở sẽ tăng lên từ đó thị trường sẽ điều chỉnh tăng trưởng và bền vững. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là phải có nền tảng pháp lý đồng bộ, thống nhất.
Đó là lý do tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nhiều lần Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhắc lại ý tưởng các cơ quan sẽ thu thập, cập nhật dữ liệu giao dịch đất trong điều kiện ổn định bình thường, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu, lập bản đồ giá đất toàn quốc. Việc này nhằm khắc phục khó khăn trong định giá đất theo giá thị trường, tạo cơ sở thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đất đai, đền bù, bồi thường, tái định cư.
Nêu quan điểm, TS Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services, cho rằng, một trong những vấn đề khó giải quyết nhất của thông tin bất động sản tại Việt Nam là dữ liệu còn phi cấu trúc. Những thông tin nhà đất chưa được tổ chức, đồng bộ giữa các bên giao - nhận trước khi nhập lên hệ thống hoặc chuyển cho bộ ngành khác, dẫn đến đứt gãy trong trao đổi dữ liệu.
Chẳng hạn, dữ liệu khi được chuyển từ Bộ Tài nguyên & Môi trường sang Bộ Tài chính, rồi chuyển tiếp cho Bộ Xây dựng thì sẽ không khớp, không ráp được với nhau, do chưa lập được cơ sở dữ liệu chung. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc kết nối và liên lạc giữa các bộ ngành liên quan, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và cả cơ quan chức năng khi thực hiện giấy tờ, thủ tục hành chính về đất đai.
"Việt Nam nên ứng dụng công nghệ AI hoặc Blockchain như một số quốc gia trên thế giới như Australia, Trung Quốc... để nâng cao khả năng quản lý dữ liệu bất động sản. Về cơ bản, AI hoặc Blockchain sẽ giúp lọc ra những thông tin phi cấu trúc từ các nguồn dữ liệu khác nhau, đồng thời quy hết những thông tin bất động sản về một nguồn dữ liệu, tiện cho việc theo dõi", ông Khôi đề xuất.
Cụ thể, về hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai đang được sử dụng tại Australia, chính quyền nước này không tham gia trực tiếp vào việc định giá đất, thay vào đó, họ xây dựng một cổng thông tin dữ liệu về đất đai rất lớn và cung cấp công khai, minh bạch thông tin trên này. Các đơn vị tham gia thẩm định giá như chủ đầu tư, người dân, cơ quan chức năng đều sử dụng những thông tin có tính pháp lý tại cổng thông tin trên phục vụ cho việc định giá.
Ngoài ra, toàn bộ giao dịch nhà đất ở Australia đều phải thông qua Trung tâm giao dịch bất động sản để ghi nhận thông tin, cập nhật đầy đủ dữ liệu quy về hệ thống chính, tiện cho việc theo dõi thông tin nhà đất.
"Luật mới yêu cầu tăng sự công khai, minh bạch trong thông tin nhà đất. Khi hệ thống cơ sở dữ liệu được cập nhật đầy đủ, người mua sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin sạch, giảm rủi ro tranh chấp trong mua bán. Ứng dụng công nghệ sẽ là tương lai cho việc quản lý, thu thập thông tin bất động sản", ông Khôi nói.