Thị trường địa ốc chờ cú hích về hạ tầng để bẻ khoá thanh khoản, dọn ổ đón đầu tư
(DNTO) - Loạt quy hoạch được phê duyệt gắn với thị trường bất động sản luôn là "miếng bánh" với nhà đầu tư chiến lược trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, để hiện thực hóa sự đột phá đó, còn nhiều bài toán cần giải quyết, trước hết là vấn đề kiểm soát giá đất tăng nóng “ăn theo” hạ tầng, và sử dụng hiệu quả quỹ đất.
'Mọi phân khúc đều hưởng lợi'
Năm 2024, Việt Nam dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, trong đó chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông với tỷ lệ giải ngân phấn đấu đạt ít nhất 95%. Hiện, cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ, chủ yếu là đường bộ cao tốc và các đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai TP. HCM.
Tăng mức chi tiêu cho cơ sở hạ tầng từ 2,5% GDP năm 2016 lên 6% năm 2020, mục tiêu của Việt Nam là tạo ra mạng lưới giao thông toàn quốc toàn diện vào năm 2045. Mạng lưới đó sẽ bao gồm 5.000 km đường cao tốc, một cảng nước sâu và hai tuyến đường sắt cao tốc.
Trong báo cáo mới công bố, ngày 20/6, Savills World Research đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc đẩy mạnh đầu tư công và nhận định với việc nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đạt tiến độ tốt, ngành bất động sản sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ ở mọi phân khúc trong dài hạn.
Đơn cử, với dự án sân bay Long Thành, Savills cho rằng sẽ có nhiều dịch vụ khách sạn và bán lẻ cao cấp hơn tại TP. HCM và các khu vực xung quanh khi sân bay đi vào hoạt động. Ngoài ra, với việc hưởng lợi từ hạ tầng, các doanh nghiệp sản xuất và hậu cần sẽ gia tăng nhu cầu về không gian công nghiệp và kho bãi.
“Mối liên hệ giữa nỗ lực giải ngân đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sự phát triển bất động sản rất chặt chẽ. Các khu trung tâm kinh tế được kết nối sẽ thu hút lao động tay nghề cao, tạo ra cơ hội kinh doanh tốt và tăng trưởng xã hội. Cơ sở cảng mới tạo ra cơ hội xuất khẩu. Băng thông rộng siêu tốc thúc đẩy sự mở rộng của nền kinh tế kỹ thuật số”, ông Paul Tostevin, Giám đốc Savills World Research đánh giá.
Đặc biệt, giới chuyên gia nhận định, nếu tiến độ giải ngân đảm bảo, các dự án hạ tầng giao thông trọng yếu sẽ có đủ nguồn lực để cán đích. Đơn cử như tại TP.HCM, nguồn vốn được phân bổ lên tới 70.000 tỷ đồng và phần lớn sẽ rót vào lĩnh vực giao thông.
"Đây là cơ hội để "bẻ khoá" thanh khoản, giá bất động sản cũng tăng lên. Đặc biệt, nhờ vai trò kết nối của hạ tầng giao thông, điểm nóng của thị trường sẽ tập trung vào các dự án vùng ven, đô thị vệ tinh với không gian và môi trường sống đảm bảo, tiến độ triển khai, bàn giao đúng cam kết. Đó là cơ sở để "giữ chân" dòng vốn đầu tư dài hạn với những chính sách tốt tại thời điểm này", giới chuyên gia nhận định.
Loạt dự án hạ tầng "nghìn tỷ" chờ tăng tốc
Nhận định về khu vực sẽ đón sóng dịch chuyển đầu tư dài hạn và tiềm năng, tại Hội nghị bất động sản mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, nền kinh tế phát triển năng động với khả năng kết nối liên vùng đã tạo ra tính đắc địa của quỹ đất.
Ông Đính cho hay, khi khu vực đô thị trung tâm "cạn" quỹ đất để phát triển, 70% nguồn cung căn hộ mới ở Hà Nội trong năm 2022 tới từ các dự án đại đô thị ở khu vực phía Đông và phía Tây với bệ phóng là các tuyến đường vành đai, đường sắt trên cao được tích cực triển khai sẽ tạo hấp lực lớn với người mua thực lẫn nhà đầu tư.
Theo quy hoạch, trong một vài năm tới, những cây cầu lớn, những tuyến vành đai lớn đang dần thành hình như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, cầu Mễ Sở, Hồng Hà, cầu Ngọc Hồi, tuyến Vành đai 3,5; Vành đai 4 sẽ tạo lực đẩy giúp các quận, huyện như Long Biên, Gia Lâm và một phần Hưng Yên trở thành một vệ tinh đắc lực của Thủ đô Hà Nội...
Tương tự, tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tuyến đường Vành đai 3 dự kiến thông xe vào năm 2026, hứa hẹn mở rộng mạng lưới phát triển liên kết vùng cho cả TP.HCM và miền Nam. Cùng với Vành đai 3, công trình nút giao An Phú quy mô 3 tầng có tổng mức đầu tư hơn 3.408 tỷ cũng đang gấp rút về đích vào năm 2025, giúp giảm áp lực giao thông cho cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và các trục giao thông huyết mạch phía Đông.
Đặc biệt, dự án đường sắt đô thị Metro Bến Thành - Suối Tiên sắp vận hành vào cuối năm 2024 cũng sẽ nâng tầm không gian đô thị, giúp hàng triệu người khu trung tâm kết nối thuận lợi hơn tới Khu công nghệ cao TP.HCM, Đại học quốc gia TP.HCM và các khu đô thị hiện đại bậc nhất khu Đông.
"Các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm rất nhạy bén để đưa ra quyết định xuống tiền khi "bắt mạch" khu vực đang có tiềm năng vàng. Các sản phẩm trung và cao cấp đã và đang được phát triển tại đây phù hợp để ở, cho thuê và làm của để dành trong dài hạn", các chuyên gia nhận định.
Để đạt lợi nhuận cao, nhà đầu tư phải chọn đúng thị trường và tài sản. Tuy nhiên, để không bỏ lỡ sóng tăng giá, cũng như cơ hội đón "đại bàng", chuyên gia cho rằng, cần phải có giải pháp để hạn chế tối đa những rủi ro của sự phát triển thiếu bền vững trong thời gian qua.
Tại báo cáo “Bất động sản hạ tầng - Cơ hội và thách thức”, do Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) công bố mới đây, trên cơ sở phân tích thực trạng và những rủi ro của bất động sản hạ tầng, Báo cáo đã nhấn mạnh, để hiện thực hóa sự đột phá đó, còn nhiều bài toán cần giải quyết, trước hết là vấn đề kiểm soát giá đất tăng nóng “ăn theo” hạ tầng, cùng với đó là vấn đề sử dụng hiệu quả quỹ đất để phát triển trong quá trình đô thị hóa. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương quyết liệt hỗ trợ các nhà đầu tư, giúp họ yên tâm hơn khi rót vốn đầu tư.
"Sự phát triển đồng bộ, bền vững là yêu cầu tất yếu. Nếu không có sự kiểm soát thì sẽ tạo ra sự quá đà, làm tổn hại đến chất lượng không gian đô thị. Bài học về những khu đô thị "ma", dự án đắp chiếu, bỏ hoang và bức tranh nham nhở của bộ mặt đô thị trong quá trình đô thị hóa vẫn còn đó...", VIRES chỉ rõ.