TikTok trong 'tâm bão' căng thẳng Mỹ-Trung
(DNTO) - Các nhà làm luật Mỹ chất vấn CEO TikTok về mối quan hệ của hãng này với chính quyền Trung Quốc. Sự kiện này khiến mối quan hệ về chính trị, công nghệ và kinh tế giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới thêm căng thẳng hơn.
Ngày 23/3 (giờ Mỹ), Shou Chew, Giám đốc điều hành của công ty video TikTok, thuộc hãng dịch vụ Internet khổng lồ Trung Quốc, ByteDance đã phải hứng chịu một “cơn mưa” câu hỏi từ các quan chức lập pháp Mỹ.
Các quan chức ở cả hai phía Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ liên tiếp chất vất vị CEO này các vấn đề về an ninh và liệu TikTok có đang được sử dụng bởi chính phủ Trung Quốc để do thám cư dân Mỹ hay không.
Buổi chất vấn đã có giọng điệu rất gay gắt, khác với các buổi chất vấn lãnh đạo của những công ty mạng xã hội Mỹ trước kia.
Tâm bão căng thẳng Mỹ-Trung
Vụ việc còn trở nên phức tạp hơn khi vài tiếng đồng hồ trước đó, Bộ Thương mại Trung Quốc thẳng thừng từ chối yêu cầu thoái vốn TikTok của Tổng thống Mỹ, Joe Biden, hay đối mặt với lệnh cấm.
Điều này gây nhiều khó khăn cho Giám đốc Chew, 40 tuổi, trong việc thuyết phục giới chức trách Mỹ rằng TikTok là một công ty độc lập, không chịu ảnh hưởng bởi chính quyền Trung Quốc.
“ByteDance không thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ Trung Quốc… Chúng tôi là một công ty tư nhân”, ông Chew nói.
Sự kiện này là một dấu ấn mới, cho thấy TikTok đã trở thành “tâm bão” của căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ, Joe Biden và lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, đều đang tìm cách củng cố sức mạnh trong ngành công nghệ, giằng co nhiều tranh chấp thương mại, trong bối cảnh hiềm khích giữa Washington và Bắc Kinh leo thang.
Với từ chối từ phía Trung Quốc, TikTok đang đứng ở ngã rẽ với hai lựa chọn. Một là chính quyền Mỹ sẽ cấm dịch vụ này hoạt động tại nước họ, kéo theo nhiều thử thách pháp lý, hoặc đường thứ hai là họ có thể quay lại đàm phán các giải pháp công nghệ để làm nguôi ngoai những lo ngại về an ninh.
“Tương lai của TikTok tại Mỹ thật sự đã trở nên mù mịt và khó đoán hơn”, theo Lindsay Gorman, người đứng đầu bộ phận công nghệ và địa chính trị tại Quỹ Marshall của Đức và là cựu cố vấn công nghệ cho chính quyền Biden.
“Tương lai của TikTok tại Mỹ thật sự đã trở nên mù mịt và khó đoán hơn”
Lindsay Gorman
Những năm qua, các nhà làm luật ở cả hai đảng tại Mỹ đã bủa vây các công ty Trung Quốc hiện diện tại thị trường Mỹ, với những lệnh cấm nhập khẩu thiết bị viễn thông cho đến những giới hạn cho các công ty công nghệ như TikTok.
Trong buổi điều trần, hơn 50 nhà làm luật đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của họ với lý giải từ Giám đốc Chew.
Họ đều cho rằng TikTok là một mối hiểm họa an ninh quốc gia, cáo buộc tiện ích này xâm phạm quyền tự do cá nhân, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ và thậm chí đã dẫn đến nhiều trường hợp thiệt mạng.
Cathy McMorris Rodgers, một đảng viên Đảng Cộng hòa và là chủ tịch Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện nói: “TikTok đã nhiều lần chọn đường lối dẫn đến kiểm soát nhiều hơn, giám sát nhiều hơn và thao túng nhiều hơn. Nền tảng này nên bị cấm”.
Quan điểm của TikTok
CEO Shou Chew đã tìm cách tạo khoảng cách giữa TikTok và Trung Quốc, nhấn mạnh việc ông được sinh ra và sống ở Singapore, với vợ sinh ở Virginia (Mỹ), thậm chí ông đã từng du học tại Mỹ.
Shou Chew tranh cãi rằng việc cấm đoán TikTok sẽ là một vi phạm vào quyền tự do ngôn luận. Tại Mỹ, dịch vụ video vô cùng phổ biến này là nền tảng phục vụ cho rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, các nhà sáng tạo nội dung và hơn 150 triệu người dùng, với đội ngũ nhân viên 7.000 người.
Ông cũng nhiều lần chỉ ra những nỗ lực của hãng để tìm cách bảo vệ dữ liệu của người dùng Mỹ. Trong đó, một dự án mang tên Project Texas sẽ lưu trữ thông tin dữ liệu của người dùng Mỹ tại máy chủ của hãng công nghệ Oracle, đặt tại Texas.
Chew nhấn mạnh đây là giải pháp tối ưu nhất cho người dùng Mỹ, nhưng chính quyền Biden cho rằng như thế là chưa đủ.
Các quan chức Mỹ cũng đã đưa ra một bằng chứng đáng ngại: Vào tháng 12 năm ngoái, ByteDance cho biết nhân viên của họ tại Trung Quốc đã phải trao dữ liệu người dùng cho chính quyền nước này, trong một chiến dịch tìm kiếm người tiết lộ thông tin nội bộ chính phủ cho giới báo chí.
Những mối lo ngại về an ninh từ TikTok đã dâng cao từ thời chính quyền Tổng thống Trump. Vào 2020, Trump đã tìm cách cấm TikTok trên các nền tảng cửa hàng tiện ích của Google và Apple. Một yêu cầu đã được đặt ra, và tiếp tục dưới quyền Tổng thống Biden, buộc các cổ đông bán quyền sở hữu TikTok hay đối mặt với lệnh cấm.
CEO Chew, sau khi đảm nhiệm cương vị vào tháng 5/2021, đã tiến hành một chiến dịch vận động ủng hộ cho TikTok. Ông đã nhiều lần gặp gỡ giới báo chí, các quan chức và thậm chí còn kêu gọi trên tài khoản chính của Tiktok, cảnh báo các nhà chính trị có thể “giật TikTok ra khỏi tay của 150 triệu người dùng như bạn”.
Cũng đã có nhiều ý kiến từ phía ủng hộ quyền tự do ngôn luận cho rằng, “Việc cấm hay hạn chế truy cập mạng xã hội là một dấu hiệu của các chế độ độc tài” - Jameel Jaffer, thuộc Viện nghiên cứu Knight First Amendment Institute tại Đại học Columbia nói.
Mối quan ngại dai dẳng
Bên cạnh đó, các nhà làm luật Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của TikTok đến giới trẻ. Tiện ích này đang được sử dụng bởi 67% trẻ tuổi teen tại Mỹ, theo dữ liệu của Pew Research Center.
TikTok đã nhiều lần đối mặt với các than phiền về thuật toán gợi ý nội dung khiến trẻ dễ gây nghiện.
Ông Chew cho biết hãng này đã đặt ra nhiều giới hạn với các video về hoạt động tập thể dục mạnh, và đặt ra chính sách ngăn cấm nội dung về tự hại hoặc rối loạn ăn uống.
Ông cũng chỉ ra TikTok đã có tính năng cho phép các bậc phụ huynh giới hạn thời gian sử dụng của trẻ dưới 12 tuổi, và cảnh báo mỗi 60 phút với trẻ từ 13 - 17 tuổi.
Tuy vậy, các nhà làm luật Mỹ vẫn thấy không mấy thuyết phục. Lisa Blunt Rochester, thuộc Đảng dân chủ, nói buổi tường trình của CEO Shou Chew đã củng cố mối lo ngại về mối quan hệ của TikTok với Trung Quốc, những vấn đề vi phạm quyền riêng tư dữ liệu và tác dụng với giới trẻ.
“Tôi nghĩ rằng những mối lo ngại này sẽ không biến mất sớm” - bà nói.