Thứ bảy, 29/03/2025
Doanh Nhân Trẻ

Doanh Nhân Trẻ

  • Click để copy

Các hãng thời trang Mỹ không có tương lai nếu thiếu vắng Trung Quốc

Xuân Hạo
- 14:31, 12/03/2023

(DNTO) - Các nhãn hiệu thời trang Mỹ đang tìm kiếm những nhà máy sản xuất ngoài Trung Quốc, nhưng hiếm có nơi nào có thể thỏa mãn chất lượng và số lượng sản xuất mà họ đòi hỏi.

 

Lanny Smith, người sáng lập Actively Black. Ảnh: Bloomberg

Lanny Smith, người sáng lập Actively Black. Ảnh: Bloomberg

Khi Lanny Smith sáng lập hãng Actively Black Inc, vào năm 2020, anh đã thuê nhiều nhà máy ở Trung Quốc để sản xuất các hàng may mặc thể thao cho công ty. Nhưng năm ngoái, các đợt giãn cách xã hội tại Trung Hoa đại lục đã khiến sản xuất bị gián đoạn, buộc Smith tìm kiếm các nơi sản xuất khác.

Anh gửi mẫu cho người môi giới sản xuất ở Nam Mỹ và nhận được câu trả lời: “Ở Tây bán cầu không có ai có thể sản xuất được như thế cả”.

Đối với các công ty Mỹ như Actively Black, nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên khó khăn hơn trong nhưng năm qua. Hàng loạt vấn đề đang nổi lên, bao gồm thuế nhập khẩu tăng cao, chuỗi cung ứng đứt gãy, các nhà máy đóng cửa do chính sách chống dịch của chính quyền Trung Quốc và căng thẳng chính trị đã khiến các công ty Mỹ xem xét những giải pháp thay thế.

Thế nhưng, từ bỏ Trung Quốc không phải là dễ. Hầu hết công cuộc dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc nằm ở ngành sản xuất thiết bị bán dẫn, vốn được chính phủ Mỹ xem là an ninh quốc gia.

Các công ty sản xuất công nghệ thấp như may mặc đã ngỡ ra rằng ngoài Trung Quốc, không có nhiều nơi có máy móc may 6 mũi, hay còn gọi là may mép phẳng - một yêu cầu cần thiết cho quần áo thể thao của Actively Black, bởi nó không gây khó chịu cho da.

Kể từ những năm 1990, Trung Quốc đã tiêu tốn hàng trăm tỉ đô la để chuyển mình trở thành trung tâm sản xuất bậc nhất thế giới. Những nhà máy nơi đây có máy móc và chuyên môn cần thiết để sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, với số lượng và tốc độ khó có thể vượt qua.

Chuỗi nhà máy kéo dài từ Thâm Quyến đến Quảng Châu có thể dệt, nhuộm, may, cắt, dán nhãn và đóng gói tất cả mọi loại sản phẩm từ áo thun cho đến áo tuxedo. Đó là chưa kể hệ thống đường cao tốc, đường sắt, sân bay và cảng biển có thể giúp trung chuyển hàng hóa nhịp nhàng từ nhà máy đến người tiêu dùng khắp thế giới.

Container chất chồng ở cảng Thâm Quyến. Ảnh: Bloomberg

Container chất chồng ở cảng Thâm Quyến. Ảnh: Bloomberg

“Hai mươi năm tập trung phát triển tạo ra hệ thống sản xuất như thế, nay muốn gỡ bỏ và mang đến nơi khác trên hành tinh là vô cùng khó”, theo Kurt Cavano, Giám đốc điều hành của Nimbly Inc., một hãng dịch vụ kết nối các hãng thời trang với nhà máy sản xuất.

Tuy căng thẳng chính trị đang dâng cao, thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp tục tăng trưởng. Trong năm 2022, Mỹ đã nhập khẩu 537 tỉ đô la giá trị hàng hóa từ Trung Quốc. Chỉ riêng hàng may mặc, Trung Quốc vẫn là quốc gia xuất khẩu nhiều nhất đến Mỹ, vượt 10 tỉ sản phẩm chỉ trong năm ngoái, gấp đôi con số đến từ Việt Nam - theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ.

Hầu hết các hãng cung cấp sản phẩm cho Levi Strauss, Nike và North Face đều ở Trung Quốc. Quốc gia này cũng là nhà sản xuất chủ yếu cho các sản phẩm đồ nội thất, đồ chơi và dụng cụ thể thao.

Những lợi thế sản xuất của Trung Quốc quá vượt trội, khiến nhiều hãng của Mỹ đã phải phần nào quay trở lại sản xuất tại đây. Hãng giày và phụ kiện  Steven Madden Ltd. từng đưa dây chuyền sản xuất túi xách của họ sang Campuchia để đa dạng nguồn cung ứng và tránh thuế nhập khẩu cao. Nhưng khi chính sách thuế đó hết hiệu lực vào 2020, hãng này quay trở lại Trung Quốc.

Tính chất khó đoán của chính sách thuế nhập khẩu của chính phủ Mỹ đã gây khó khăn cho các hãng theo đuổi việc rời bỏ Trung Quốc. Steve Lamar, Giám đốc điều hành của Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ, một nhóm công nghiệp gồm gần 600 nhà bán lẻ và sỉ, cho biết: “Quốc hội vẫn chưa đưa ra một hướng dẫn rõ ràng hay đường lối chính sách cụ thể để chúng tôi đi theo”.

Và khi các hãng đưa dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, họ vẫn làm việc với các hãng có gốc sở hữu Trung Quốc hay lấy nguồn nguyên liệu từ quốc gia này.

Pretika Corp., hãng chuyên thiết bị làm đẹp, đã đưa dây chuyền sản xuất bàn chải mặt tự động của họ sang Malaysia, nhưng pin, động cơ, và nhiều bộ phận khác đều đến từ Trung Quốc. Chi phí sản xuất đã tăng cao hơn do khâu đưa bộ phận từ Trung Quốc sang Malaysia.

Giám đốc Thomas Nichols nói: “Trung Quốc đã làm một công cuộc quá hiệu quả để đảm bảo dây chuyền sản xuất linh kiện hoàn toàn gói gọn trong nước họ”.

Một số hãng thời trang đã di dời dây chuyền sản xuất của họ sang các nước khác như Campuchia và Việt Nam. Ảnh: Bloomberg

Một số hãng thời trang đã di dời dây chuyền sản xuất của họ sang các nước khác như Campuchia và Việt Nam. Ảnh: Bloomberg

Sức ảnh hưởng của một số hãng cung ứng sản phẩm từ Trung Quốc khiến việc tìm kiếm giải pháp thay thế rất khó khăn. Hãng may mặc Texhong International Group chiếm đến hai phần ba số lượng sản phẩm toàn cầu cho một loại sản phẩm sử dụng nguyên liệu cotton-spandex, theo dữ liệu của Altana Technologies.

Làm phức tạp hơn cho vấn đề, chính quyền Mỹ và châu Âu đã ngăn cấm việc sử dụng cotton đến từ vùng Tân Cương, lấy lý do lo ngại các vấn đề nhân quyền. Nhưng thường rất khó để có thể truy ra nguồn gốc của nguyên liệu sản xuất, trong khi không phải lúc nào cũng có nguồn cung thay thế.

Leo Bonnani, Giám đốc điều hành của hãng tư vấn chuỗi cung ứng Sourcemap, nói: “Sau khi phát hiện nguy cơ vi phạm, thiết lập lại chuỗi cung ứng có thể mất rất nhiều tháng”.

Một trở ngại khác là việc các công ty Trung Quốc lập chi nhánh ở các quốc gia khác để đa dạng hóa chuỗi sản xuất của họ, cùng lúc tận dụng chi phí lao động thấp hơn.

Hãng may mặc khổng lồ  Shenzhou International Group Holdings đã đầu tư mạnh tay vào Việt Nam và Campuchia. Ngày nay, hãng này chỉ có một nửa số nhà máy sản xuất là ở Trung Quốc, thấp hơn rất nhiều so với 90% của hồi 2013. Nhưng những hãng này vẫn sử dụng mạng lưới cung ứng vật liệu và bộ phận dày đặc từ Trung Quốc.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đang tìm cách tăng đầu tư vào Trung Mỹ để tạo đối trọng cạnh tranh với Trung Quốc, đồng thời giảm thiểu vấn đề nhập cư của vùng này.

Nhà Trắng cho biết nỗ lực của bà đã mang lại hơn 4 tỉ đô la vốn cam kết đầu tư. Tuy nhiên, không mấy ai trông mong hệ thống sản xuất ở đây bỗng dưng phát triển bằng với những gì Trung Quốc kiến tạo trong hàng thập kỷ.

Những lựa chọn thay thế khác cũng có rủi ro chính trị và kinh tế của riêng chúng. Haggar Clothing Co., một hãng quần nam lớn tại Mỹ, đã đưa 5% dây chuyền của họ từ châu Á sang Kenya và Ethiopia. Nhưng nhà máy ở Kenya mất rất nhiều thời gian để nhập vải vật liệu, trong khi Ethiopia mất quyền nhập khẩu không thuế vào Mỹ vì vấn đề nhân quyền trong nội chiến 2022.

Ngày nay, tuy  Haggar chỉ lấy một phần nhỏ sản phẩm từ Trung Quốc, nhưng họ vẫn phải lấy 20% nguyên vật liệu từ quốc gia này. Con số này đã giảm từ 60-70% của 5 năm trước, nhưng nguyên liệu vải dệt may của Trung Quốc vẫn đóng vai trò không thể thiếu trong sản phẩm đồ vest của họ.

Tony Anzovino, Giám đốc sản xuất của Haggar, nói: “Ai cũng gặp khó khăn khi tìm cách rời khỏi Trung Quốc, bởi nước này có thể làm quá nhiều thứ, quá tốt. Chuyên môn họ cũng có, máy móc họ cũng có”.

 

Tin khác

Doanh nhân - Doanh nghiệp
Thông báo từ nhà sáng lập thương hiệu Vua Cua, chị Đoàn Thị Anh Thư, sau 9 năm phát triển, Vua Cua sẽ dừng phát triển tại thị trường Việt Nam.
1 ngày
Tài chính - Thị Trường
Quyết định của Tổng thống Donald Trump vào ngày 26/3 về việc áp dụng mức thuế 25% với ô tô nhập khẩu xuất phát từ một mục tiêu chính trị rõ ràng: bảo vệ và thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, kết quả của chính sách này không hoàn toàn mang lại những lợi ích như kỳ vọng mà kéo theo hàng loạt hệ lụy tiêu cực.
2 ngày
Bất động sản
Khi các kênh đầu tư đều có nhiều yếu tố hấp dẫn nhưng cũng có không ít rủi ro đi kèm, việc lựa chọn kênh đầu tư phù hợp trở nên khó hơn với nhà đầu tư.
3 ngày
Tài chính - Thị Trường
Tiền xuất hiện ở cả khối nội và khối ngoại chung tay bắt đáy giúp ORS bật tăng sau chuỗi ngày nằm sàn liên tiếp.
4 ngày
Tài chính - Thị Trường
PDR chào phiên đầu tuần ngay giá sàn. Nhà đầu tư rũ hàng mạnh, tuy nhiên dòng tiền bắt đáy đã phần nào cản lực rơi của cổ phiếu này.
5 ngày
Tài chính - Thị Trường
Trong khi nhóm ngành ngân hàng giữ xu hướng tăng thì TPB lại lộn ngược dòng rơi mạnh, thậm chí có tình trạng bán tháo khi có tới 80 triệu cổ phiếu được trao tay trong phiên.
1 tuần
Tài chính - Thị Trường
Theo chuyên gia, thị trường trong nước và thị trường thế giới không đồng pha với nhau. Nếu FED chưa giảm lãi suất thì điều này cũng khó gây tác động đến thị trường chứng khoán.
1 tuần
Tài chính - Thị Trường
Thị giá HSG giảm gần 3%, đưa vốn hóa thị trường của Tập đoàn Hoa Sen giảm hơn 450 tỷ đồng, trước các thông điệp cẩn trọng từ Chủ tịch Lê Phước Vũ.
1 tuần
Tài chính - Thị Trường
Cuộc chiến thương mại toàn diện của Tổng thống Mỹ, Donald Trump, đang làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế, thế nhưng các nhà đầu tư đã tìm thấy một nơi trú ẩn mới không thể ngờ tới: cổ phiếu Trung Quốc.
1 tuần
Tài chính - Thị Trường
Bamboo Capital vừa thông tin, ông Kou Kok Yiow (Chris), Chủ tịch HĐQT đột ngột từ trần vào ngày 8/3/2025 do bạo bệnh, hưởng thọ 63 tuổi.
1 tuần
Tài chính - Thị Trường
Nếu so với mức giá đóng cửa phiên cuối tuần vừa qua, mức giá mục tiêu được KBSV đưa ra cao hơn 15,6% với 151.900 đồng/cổ phiếu.
1 tuần
Tài chính - Thị Trường
Cổ phiếu SHB đã bứt phá tăng kịch trần với khối lượng giao dịch khủng hơn 141 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch hơn 1,4 ngàn tỷ đồng và vẫn còn gần 7 triệu đơn vị dư mua thời điểm chốt phiên.
2 tuần
Tài chính - Thị Trường
Trước tình hình giá xăng dầu thế giới biến động, tỷ giá VND/USD thay đổi và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định phương án điều hành giá xăng dầu để đảm bảo giá xăng dầu trong nước phù hợp với thế giới.
2 tuần
Tài chính - Thị Trường
Đà tăng mạnh của bộ đôi VHM và VIC đã cho thấy triển vọng tích cực của doanh nghiệp cũng như sự khởi sắc của thị trường chứng khoán trong nước.
2 tuần
Tài chính - Thị Trường
Sự biến động mạnh mẽ của giá dầu thế giới trong những ngày gần đây đã tạo ra những ảnh hưởng đáng kể đến thị trường năng lượng toàn cầu. Với việc dự trữ dầu và nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh, giá dầu Brent và WTI đều tăng cao hơn so với dự báo. Điều này phản ánh sự mất cân bằng giữa cung và cầu, đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho ngành công nghiệp dầu mỏ trong thời gian tới.
2 tuần
Xem thêm