Thương mại điện tử tiếp tục 'hái tiền' nhờ shoppertainment
(DNTO) - Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) tiếp tục được các tay chơi như Shopee, Lazada, TikTok Shop, đẩy mạnh để tạo khoảng cách với các đối thủ.
21h ngày 15/3, Võ Hà Linh, beauty blogger gây chú ý khi lần đầu livestream bán hàng trên nền tảng TikTokShop. Chỉ sau 1 giờ, cô nàng đã thu hút 80.000 lượt xem, và giúp bán hết sản phẩm tại 3 nhà máy trực tiếp sản xuất. Kết quả này xô đổ kỷ lục trước đó TikToker Phạm Thoại đã thiết lập khi tham gia bán hàng cùng thương hiệu cao cấp ADLV.
Shoppertainment đang là mô hình mua sắm hấp dẫn với người tiêu dùng khi kết hợp với các hoạt động giải trí, và đang được đầu tư lớn bởi các doanh nghiệp thương mại điện tử.
Lazada đã tạo tiếng vang trước các đối thủ khi từ năm 2018 đã đưa hình thức này vào hoạt động của mình. Sàn này đã chứng minh rằng sự phấn khích của khách hàng khi xem các hoạt động giải trí có thể chuyển thành các hóa đơn.
Chỉ tính từ tháng 1 đến tháng 11/2022, số lượt xe, lượng đơn hàng và doanh số bán hàng qua kênh livestream trên Lazada đã tăng gấp hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó 3 ngành hàng được mua sắm nhiều nhất trên livestream là bách hóa, hàng điện tử, hàng mỹ phẩm và làm đẹp.
TikTok Shop cũng ghi nhận tổng giá trị hàng hóa tăng gấp 11 lần, lượng đơn hàng tăng gấp 6 lần chỉ trong nửa năm qua, nhờ đẩy mạnh hoạt động mua sắm kết hợp giải trí.
Shopee cũng đã sớm được áp dụng các hình thức shoppertainment với các tính năng như Shopee Live, Shopee Games, Shopee Feed, Shopee Live Chat,.. nhằm duy trì vị trí “ngôi vương” trong nhiều năm nay tại Việt Nam.
Theo BCG, doanh thu shoppertainment ở Việt Nam năm ngoái là 1,8 tỉ USD, mức tăng trưởng 66%/năm. Shoppertainment ở 4 thị trường là Indonesia, Việt Nam, Thái Lan cùng với Úc sẽ ghi nhận tăng trưởng kép hằng năm 63% trong vòng 3 năm tới, giá trị thị trường tăng từ 24 tỉ USD lên 100 tỉ USD.
“Người tiêu dùng đang sử dụng internet để tìm kiếm niềm vui trong khi shoppertainment cho phép các thương hiệu tương tác với khách hàng một cách tự nhiên mà không cần rao bán sản phẩm công khai, giúp mối quan hệ với khách hàng bền vững hơn ", ông Sameer Singh, Giám đốc Giải pháp Kinh doanh Toàn cầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của TikTok, chia sẻ.
Chuyên gia truyền thông Phạm Minh Toàn, CEO & Founder Time Universal Communications cũng cho biết, shoppertainment đã chứng minh được những lợi thế như sản phẩm phong phú, thông tin rõ ràng, giá cả cạnh tranh, khuyến mãi đa dạng và linh động; khách hàng dễ dàng mua sắm, được quyền trả giá và được hỗ trợ, tư vấn trực tiếp từ người bán; còn người bán chủ có thể bán chéo nhiều sản phẩm, chủ động tiếp cận khách hàng…
“Shoppertainment không cao siêu mà chỉ đơn giản là biến lượng truy cập trên các kênh truyền thông xã hội chuyển đổi thành đơn hàng. Biến người hâm mộ, cộng đồng thành người mua hàng”, ông Toàn nhấn mạnh.
Ngoài livestream bán hàng, mua sắm ngay tại video – một ứng dụng khác của shoppertainment trong thực tế, được dự báo cũng sẽ trở thành xu hướng thay thế các video livestream bán hàng. Các video giới thiệu về sản phẩm theo phong cách riêng của doanh nghiệp sẽ được gắn vào website thương mại điện tử, giúp người dùng dễ dàng tìm hiểu sản phẩm và đi đến quyết định mua hàng.
Nghiên cứu của Nielsen cho thấy, 83% người dùng thích xem quảng cáo dưới dạng video hơn ảnh GIF hoặc văn bản. Do đó, dạng video này ngày càng phổ biến trên các nền tảng như TikTok, Instagram Reels, Youtube Shorts, và đang trở thành kênh truyền thông nổi bật nhất để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và đến gần hơn với khách hàng.
Một hình thức khác của mua sắm kết hợp giải trí là trò chơi điện tử ứng dụng hoá (Gamification), tức các trò chơi điện tử được lồng ghép khéo léo vào hoạt động marketing. Nghiên cứu cho thấy, nếu thương hiệu tạo một trải nghiệm thú vị, mới lạ với người tiêu dùng, tỉ lệ quay trở lại mua hàng cao hơn. Nghiên cứu của Bazaard Voice ghi nhận 70% người dùng muốn các yếu tố trò chơi được tích hợp vào trải nghiệm mua sắm trực tuyến.
Tuy nhiên, câu hỏi mà doanh nghiệp vừa và nhỏ đặt ra là khi áp dụng các giải pháp công nghệ vào doanh nghiệp nên thuê ngoài (outsource) hay tự xây dựng (inhouse). Theo ông Phạm Minh Toàn, doanh nghiệp nên lựa chọn outsource khi không có chuyên môn, chưa từng bán hàng qua thương mại điện tử hoặc không đủ nguồn lực, thời gian để làm inhouse. Ngoài ra, với những đơn vị lớn, muốn chuyên nghiệp hóa quy trình của mình cũng có thể lựa chọn outsource, thay vì lựa chọn những giải pháp manh mún, “cây nhà, lá vườn”.
Nhưng, việc lựa chọn outsource cũng có nhược điểm như giá thành cao, tính chủ động kém hay những mối lo về tính bảo mật. Vì vậy, ông Toàn cho biết doanh nghiệp cần cân nhắc kĩ giữa nhu cầu và khả năng tài chính để lựa chọn các đơn vị cung cấp giải pháp phù hợp.