Hàng triệu USD đổ vào các kho chia chọn hàng hóa
(DNTO) - Giao hàng nhanh (GHN), Giao hàng Tiết kiệm (GHTK), Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post)…, đổ không ít tiền để đưa công nghệ vào các kho chia chọn, với tham vọng về nhất trong cuộc chiến giao hàng.
Đất rộng nhưng người ngày càng đông
Năm ngoái, lượng đơn hàng trực tuyến của người Việt lên tới 51 triệu đơn, tăng 13,5% so với cùng kì. Dự báo, thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trung bình 25%/năm từ nay đến 2025, đồng nghĩa với việc các đơn hàng tiếp tục tăng mạnh khi nhu cầu mua sắm online của người dân gia tăng.
Sự bùng nổ của hoạt động mua sắm online tạo ra cơ hội nhưng cũng là sức ép với ngành bưu chính, buộc các doanh nghiệp trong ngành phải tăng cả về quy mô và chất lượng dịch vụ. Bởi lẽ, chi phí vận tải ở Việt Nam chiếm 30 - 40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác (theo Armstrong & Associates). Điều này buộc các sàn thương mại điện tử phải nỗ lực để giảm chi phí bằng sử dụng nguồn lực ‘tự thân’ trong vận chuyển.
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022, có tới 69% các doanh nghiệp thương mại điện tử đã tự vận chuyển hàng hóa. Điển hình như Shopee, Lazada, Tiki… đã và đang xây dựng trung tâm logistics và đội ngũ vận tải hùng hậu. Mặc dù vẫn còn 59% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của bên thứ ba, nhưng điều này cũng phản ánh các doanh nghiệp đang dần chủ động hơn trong việc giao hàng, đồng nghĩa với việc “miếng bánh” dành cho bên vận chuyển thứ ba ngày càng “khó ăn”.
Bên cạnh đó, thị trường giao hàng còn ghi nhận sự gia nhập ngày càng nhiều các tay chơi. Ngoài các doanh nghiệp nội địa truyền thống có quy mô lớn như VNPost và Viettel Post, còn có các “ông lớn” ngoại quốc như DHL e-Commerce, Grab (GrabExpress) hay Gojek, Lalamove. Ngoài ra là sự nổi lên của nhiều tên tuổi khởi nghiệp như Giao Hàng Nhanh (GHN), Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK), Loship, Fastship, Ahamove… cũng khiến cuộc cạnh tranh nóng càng thêm nóng.
Không ai chịu kém ai
Trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, mục tiêu của các công ty giao hàng là làm sao để rút ngắn thời gian và chi phí giao hàng. Kho chia chọn được xem là một trong những khoản đầu tư quan trọng giúp các tay chơi đạt được mục tiêu này. Giao hàng nhanh đã rót khoảng 3 triệu USD để hoàn thành kho chia chọn tại khu vực Hà Nội, có khả năng xử lý tối đa 3,5 triệu đơn/ngày, giúp hãng vận chuyển này có thể giao hàng chỉ trong vài ngày, thậm chí trong ngày.
Con số đầu tư này không hề nhỏ với một doanh nghiệp nội, nhưng lại là điểm mấu chốt giúp GHN tăng sức cạnh tranh với các tay chơi khác, khi năng suất của người lao động tăng gấp 5 lần so với chia chọn thủ công, từ 600 đơn lên mức 3.000-4.000 đơn/giờ, tỷ lệ sai sót chỉ 0,001%.
Với lợi thế mạng lưới bưu cục phủ sóng toàn quốc, Vietnam Post không ngần ngại “bung” hệ thống trung tâm logistics theo các trục công nghiệp lớn trên khắp cả nước. Vietnam Post còn chơi lớn khi đã lắp đặt hệ thống dây chuyền chia chọn tự động Cross Belt với công suất trên 24.000 bưu kiện/giờ, rút ngắn 70% thời giao nhận khai thác hàng hóa.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, “ông lớn” này sẽ mở rộng 10 ha hệ thống kho ngoại quan, 15ha kho thương mại điện tử tại các vùng kinh tế trọng điểm và khoảng 10ha hệ thống trung tâm phân phối hàng hóa. Cùng với đó là tiếp tục sử dụng công nghệ để tăng công suất lưu thoát hàng hóa trên 200%, rút ngắn thời gian chuyển phát từ 1-2 ngày. Tham vọng này của Vietnam Post cũng khiến những đối thủ trên thị trường phải dè chừng.
Cũng đầu tư kho chia chọn như là “át chủ bài” để đi trước đối thủ, Viettel Post có vẻ nhanh chân hơn khi sở hữu băng chuyền duy nhất tại Việt Nam có thể chia chọn bưu kiện lên tới 50kg, trong khi với các đối thủ khác, những bưu kiện lớn như vậy vẫn phải phân loại thủ công. Nhờ vậy, công suất chia chọn của hãng có thể lên tới 42.000 bưu phẩm/giờ, giảm toàn quá trình lên tới 6 giờ.
Khoản đầu tư hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu USD vào các kho chia chọn cho thấy quyết tâm của các công ty trong làng giao hàng nhanh. Đây cũng là tín hiệu cho những tay chơi trong thị trường chuyển phát tuyền thống phải dè chừng, nếu không muốn bị mất khách hàng vào tay đối thủ.
Mặc dù cuộc đua công nghệ trong kho vận hiện vẫn đang nghiêng về các "ông lớn" giao hàng với tiềm lực tài chính hùng mạnh. Tuy nhiên, ngoài thời gian và chi phí vận chuyển, còn rất nhiều "điểm chạm" khác mà công ty giao hàng có thể ghi điểm trong lòng khách hàng.
Ví dụ như việc nhiều đơn vị vận chuyển, thậm chí những đơn vị tên tuổi đôi khi vẫn bị phàn nàn vì chất lượng dịch vụ như thái độ nhân viên chưa thân thiện, shipper tự ý hủy đơn hàng hay thay đổi thời gian giao hàng khi chưa có sự đồng ý của người nhận. Thậm chí nhiều trường hợp hàng hóa bị móp méo, có dấu hiệu bị khui, mở trước khi giao đến tay khách hàng. Những điều này tưởng chừng nhỏ nhưng có thể làm ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn đơn vị vận chuyển của khách hàng. Do vậy, chưa cần phải đầu tư công nghệ đao to búa lớn, có những điểm không tốn nhiều tiền để thay đổi nhưng vẫn có thể ghi điểm trong lòng khách hàng.