Công nghệ dùng drone giao hàng đang bị thử thách
(DNTO) - Drone, thiết bị bay không người lái, đang đối mặt với bài toán hóc búa trên thị trường hoạt động. Cụ thể là những khó khăn ở ứng dụng công nghệ và tính hơn thiệt về kinh tế của tiện ích giao hàng hiện đại này đang thực sự đe dọa quá trình phát triển của drone.
Giữa những nghi ngại về sự phát triển bền vững của thiết bị bay không người lái drone, người ta bỗng nhớ lại sự lạc quan trước đây 9 năm của tỷ phú Jeff Bezos khi ông bày tỏ tin tưởng vào phương tiện này. Ngày ấy, theo ông, trong vòng 4 hoặc 5 năm tới, phương tiện giao hàng hiện đại nhỏ gọn này còn có khả năng xa hơn, giao cả kem đánh răng và thức ăn cho mèo đến tận nhà của người Mỹ nói riêng và người dùng nói chung. Vậy Bezos hiện thực hóa lời dự đoán ấy thế nào?
Tuần vừa qua, Amazon cho biết hãng đang có kế hoạch bắt đầu giao hàng bằng máy bay không người lái đầu tiên tại Mỹ vào khoảng cuối năm 2022, có thể đích đến khai mào là ứng dụng tại một thị trấn nào đó ở California. Từ tuyên bố này, hai câu hỏi đã được đặt ra. Sao việc chuẩn bị để drone hoạt động trên thị trường giao hàng lại lâu hình thành đến như vậy? Và chúng có tốt hơn các phương cách cách khác để đưa hàng hóa đến tận cửa nhà của khách hay không? Câu trả lời cho cả hai là trong tương lai gần, việc giao hàng bằng máy bay không người lái chỉ thực sự có ích ở một số địa điểm hạn chế, và thuận lợi cho một số lượng nhỏ sản phẩm trong điều kiện nhất định nào đó.
Thực ra, nếu không khắc phục được những hạn chế về kỹ thuật và tài chính, máy bay không người lái khó có thể trở thành tương lai của việc giao hàng trọn gói trên quy mô lớn. Giao hàng bằng drone quả là cải tiến đáng kể đối với một số nhiệm vụ, cụ thể rõ nhất là mang thuốc đến cho người dân vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, đó chỉ là một, hai tham vọng nhỏ bấy lâu nay so với giấc mơ lớn của drone mà Bezos và nhiều tên tuổi khác đang quảng bá ra công chúng lúc này.
Tại sao quá trình phát triển máy bay không người lái lại nhiêu khê đến vậy? Trước tiên là vấn đề kỹ thuật, công nghệ. Máy bay mini tự hoạt động không có con người nhúng tay điều khiển phải đối mặt với hai trở ngại đáng kể. Một là công nghệ phức tạp, thứ đến là những yêu cầu nghiêm nhặt từ chính quyền.
Việc chế tạo thiết bị bay này không khó lắm và chi phí cũng chẳng đáng bao nhiêu nhưng phức tạp lại đến từ những điều khác. Cụ thể trước mắt là môi trường không gian hoạt động. Ở tốc độ nhanh, drone vẫn có lợi thế là tự quan sát địa hình chính xác để điều hướng khi lượn xung quanh các tòa nhà, dây điện, cây cối, máy bay khác và cả người giao thông trên đường trước khi hạ cánh xuống mặt đất hoặc “nhả” hàng từ trên cao.
Tuy nhiên ở drone lại có rất ít chỗ cho sai sót. Công nghệ GPS vốn hoạt động để quyết định điều hướng chớp nhoáng trong tích tắc đủ gây nguy cơ hỏng hóc cho drone nếu gặp sai sót. Trong vấn đề này chính các chuyên gia cũng nhìn nhận, giải quyết toàn bộ vấn đề phát sinh để nhiệm vụ phân phối và giao hàng bằng drone hoàn toàn thông suốt thực sự rất khó. Cách tiếp cận của các nhà công nghệ hiện nay xem ra đáng suy nghĩ hơn, tức là tìm cách cài đặt để giới hạn hoạt động của máy bay không người lái một cách thật hợp lý.
Đặt hoạt động của drone vào đúng môi trường tương thích để có lợi hơn đang là hướng đi của một số nhà điều hướng. Công ty khởi nghiệp Zipline chọn tập trung việc sử dụng drone vào nhiệm vụ cung cấp máu và vật tư y tế cho các trung tâm chăm sóc sức khỏe ở những vùng tương đối xa xôi thuộc Rwanda và Ghana, do khó đến bằng xe cộ. Còn ở vùng ngoại ô hoặc thành phố sẽ phức tạp hơn khi dùng drone giao hàng nên xe hơi vẫn được lựa chọn ưu tiên. Amazon đang cố thay đổi tình hình này với các địa điểm giao hàng bằng drone đầu tiên như ở Lockeford, California, nơi vài nghìn người sống trong các hộ gia đình nhưng lại ở rải rác.
Thực ra việc giao hàng bằng máy bay không người lái chẳng có ý nghĩa kinh tế lắm, tức không phải do rẻ hơn so với dùng xe tải chuyển hàng như của UPS mà drone được trọng dụng. Chúng cũng không thể mang vác nhiều hàng, chẳng dừng được nhiều điểm trong một chuyến bay. Thế nên tương lai phát triển của drone vẫn luôn được đánh dấu hỏi, cho dù những ông lớn như Amazon đang ra sức chống lưng.
Hóa ra bấy lâu nay, các phương tiện được điều khiển bằng máy đã bị đánh giá sai hoặc được thổi phồng quá cao về tiềm năng. Các nhà chuyên môn đang đúc kết một điều giống nhau giữa hai phát kiến. Theo họ, giao hàng bằng máy bay không người lái đáng tin cậy và ô tô không người lái là một ý tưởng hay, nhưng cả hai có thể không bao giờ phổ biến rộng rãi như các nhà công nghệ tưởng tượng, một sai lầm trong suy nghĩ với công nghệ tự động.
Suốt nhiều thập kỷ, ta luôn được nghe kháo về những chiếc ô tô không người lái, các loại máy tính hoạt động như con người và lực lượng công-nhân-nhà-máy-robot sẽ sớm phổ biến, rồi nay đến lượt drone. Tuy nhiên, trong lương lai dài, nếu những tầm nhìn này không đạt được, liệu có xuất hiện chuỗi thất vọng bẽ bàng?