Thế hệ robot ra đời từ công viên giải trí Disney
(DNTO) - Bao năm nay, bộ phận nghiên cứu và phát triển bí mật của Công ty giải trí Walt Disney, Imagineering, đã cần mẫn sáng tạo một loạt các mẫu nhân vật máy có nhiều khả năng, từ đi bộ, nói chuyện, tạo hình cảm xúc..., sống động như thể từng vai diễn đã nhảy ra khỏi màn hình để sinh hoạt giữa đời thực.
Kể ra, thời gian sáng tạo của ê-kíp Sentient Disney Robots qua nhiều dự án khác nhau cũng không phải là ngắn. Khối công việc đồ sộ nhằm nuôi dưỡng kho hồi tưởng đầy lãng mạn và thơ mộng của các thế hệ trẻ em Mỹ và thế giới ấy đã bắt đầu từ thời chính quyền Nixon.
Trên con đường cụt khá vắng vẻ ở Glendale ngoại ô Los Angeles có một nhà kho. Nơi đây vừa xuất hiện robot Groot, một người máy cao khoảng ba mét vừa có thể đi bộ, nói chuyện, vừa tạo cảm xúc được như thể nhân vật “Avengers” đã nhảy ra khỏi màn hình, sống giữa đời thực.
Đó là thành quả sáng tạo mới nhất từ Imagineering, Bộ phận nghiên cứu và phát triển bí mật của Công ty Walt Disney, thế hệ kế tục chuỗi dự án đã kéo dài nhiều thập kỷ từ những năm 60 kể trên. Với sự xuất hiện của Groot, trình độ thông minh là xu hướng mới đang xuất hiện trong lĩnh vực hoạt hình điện tử, và là đại diện cho tương lai của phong cách duy trì và phối hợp nghệ-kỹ thuật tại Walt Disney.
Chính xác hơn, robot đã là một phần nước sốt đậm đà trên chiếc bánh hamburger là Disneyland kể từ những năm 1960, thời điểm Walt Disney công khai giới thiệu trào lưu các con rối kỹ thuật số “audio-animatronics”, là các nhân vật cơ học với các chuyển động được lập trình. Danh sách casting vai của chúng dài dần ra, từ những tên cướp biển Caribe, Tổng thống Abraham Lincoln, người nhện, anh hùng Marvel đến nàng Bạch Tuyết hay mụ phù thủy độc ác...
Xu hướng công nghệ này sớm thành công vang dội, mê hoặc nhiều thế hệ trẻ em và là một đà kích để biến Disneyland ở California và Walt Disney World tại Florida không những thành những điểm nhấn văn hóa mà còn là các doanh nghiệp khổng lồ.
14 công viên giải trí của Disney trên khắp thế giới đã thu hút 156 triệu du khách vào năm 2019, và riêng bộ phận Công viên, Trải nghiệm và Sản phẩm của Disney đã tạo ra doanh thu 26 tỷ USD. Đại dịch Covid-19 tuy có làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động trong một năm, nhưng dường như mọi thứ tích cực đã quay trở lại.
Tuy nhiên nếu với tầm nhìn trong dài hạn, Disney vẫn gặp khó khăn. Nhịp sống biến động nhanh chóng hàng ngày, những tiến bộ trong công nghệ cá nhân và bối cảnh phương tiện truyền thông thay đổi như vũ bão đang định hình lại những gì du khách mong muốn từ một công viên giải trí. Disney biết rằng họ phải nghĩ ra một thế hệ nhân vật mới bắt nguồn từ công nghệ cho các điểm tham quan ngoạn mục nếu còn nuôi ý đồ tiếp tục thu hút dòng tiền từ những kỳ nghỉ của các gia đình.
Ngày nay, trẻ em trên thế giới đã trở thành nhóm tiêu dùng nhí yêu thích công nghệ. Hàng ngày chúng được nuôi dưỡng bằng các ứng dụng ở của hàng Google, bằng vũ trụ trò chơi trực tuyến Roblox hay bộ lọc Snapchat thực tế tăng cường. Những hình ảnh ô-tô tự hành hoặc tên lửa SpaceX hạ cánh xuống tàu bay không người lái đang khiến lũ chim hoạt hình thô sơ trong Disneyland’s Enchanted Tiki Room từng chói sáng những năm 1960 nay khó thể cạnh tranh.
Sự phát triển của các nhân vật hoạt hình cải tiến từ lâu đã trở thành một phần quan trọng trong serie kịch dài tập của Disney. Năm 1982, khán giả nhí há hốc mốm kinh ngạc khi thấy xuất hiện một nhà khoa học Benjamin Franklin bằng máy dọ dẫm từng bước lên cầu thang. Bảy năm sau, Disney đã đưa công nghệ này đi xa hơn khi cho ra mắt robot phù thủy độc ác tự cỡi chổi bay vun vút trong không trung.
Gần đây hơn, tập đoàn giải trí này đã giới thiệu các nhân vật robot gần gũi với con người hơn như Mr. Potato Head năm 2008, pháp sư Avatar năm 2017 hay chàng Peter Pan, công chúa Elsa, gã khổng lồ Hulk, chú lùn Baby Yoda trong phần cuối của thập niên. Chính những tiến bộ trong phim, trong mảng hoạt hình do máy tính tạo ra, trong sự pha trộn giữa các cảnh phim người thật đóng với các hiệu ứng kỹ thuật số phức tạp, đã khiến thế giới robot của Disney trở nên thuyết phục đáng kể.
Vào đầu tháng 6 năm ngoái, công nghệ hoạt hình của hãng đã có một bước nhảy vọt về chất lượng. Trong phim A Spider-Man Adventure có một robot đóng thế thực hiện được các kỹ xảo trên không phức tạp chẳng kém gì cascadeur chuyên nghiệp. Người xem thật hồi hộp vì khó có thể phân biệt được đó là rô bốt hay người, nhất là với những khán giả trẻ em.
Robot Người Nhện mất hơn ba năm để phát triển này chứa bộ vi xử lý nặng đến 43 kg, chế tạo bằng nhựa, nhôm và các vật liệu khác theo công nghệ in 3D, tích hợp con quay hồi chuyển và gia tốc kế. Chi phí đầu tư nằm ở cỡ hàng triệu đô la. Khi công nghệ càng được hoàn thiện Disney càng phát triển chúng ở nhiều công viên khác.
Theo Bob Weis, người lãnh đạo bộ phận Imagineering với hơn 1.000 thành viên của Disney, cú mạo hiểm bơm tiền vào lĩnh vực điện tử đòi hỏi phải có bước nhảy vọt về niềm tin. Bởi nó luôn bắt đầu bằng một dự án nghiên cứu tốn kém, không hứa hẹn kết quả rõ ràng, rất khó chứng minh lợi tức đầu tư cho những phát minh chưa được đánh giá là khả thi. Tất cả phải chấp nhận rủi ro!
Trước những gì Công viên Disney đã làm cho thế hệ robot của họ bấy lâu nay, sẽ tiềm tàng tiếp một số câu hỏi. Liệu Disney có muốn tích hợp cả trí tuệ nhân tạo vào các điểm tham quan? Bao lâu nữa ở các Disney Park máy móc sẽ hoàn toàn thay thế hết các nhân vật con người? Và liệu các robot nhân vật ấy có sẽ nhảy ra khỏi vai diễn để đứng bên ngoài lâu đài ký tặng chữ ký cho nhóm khán giả đang xếp hàng chờ đợi?