Dùng thiết bị lướt buồm không người lái để nghiên cứu mắt bão
(DNTO) - Thiết bị lướt buồm không người lái (saildrone) được thiết kế để đi thẳng vào mắt bão nhằm nghiên cứu, khảo sát các trận cuồng phong, những cơn trốt tạo sóng lớn hầu cảnh báo an toàn cho tàu bè.
Tính đến mùa hè năm nay, Saildrone, công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon đã 5 lần tung sản phẩm sáng tạo của mình vào thẳng đường đi của những cơn giông lốc, xộc đến tận mắt các trận bão lớn ở Đại Tây Dương. Đây là dòng thiết bị lướt buồm không người lái, tuy mang màu sắc sặc sỡ của khí tài một môn thể thao trên biển, nhưng chúng thực sự là những công cụ viễn dương tự hành, phục vụ khoa học trong nghiên cứu môi trường.
Từ trước đến nay người ta chỉ nghe đến chuyện dùng máy bay đi vào tâm các trận cuồng phong, còn việc lao thuyền thẳng vào mắt bão đang gào thét làm tung lên những con sóng lớn luôn bị cho là điên rồ. Thế nhưng nay giới khoa học lại vui ra mặt khi nhận thấy những loại tàu tự hành lướt buồm như Saildrone có thể cải thiện hiểu biết của con người về cách giông lốc hình thành, vì sao chúng mạnh lên khủng khiếp thành các siêu bão.
Đội thuyền dùng buồm lướt không người lái của Saildrone là loại không vỏ bọc, được chế tạo đặc biệt để chống chọi với gió bão và những con sóng lớn. Theo Chris Meinig, Giám đốc Kỹ thuật của Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia NOAA, chính sự xáo trộn xung đột khủng khiếp giữa nước và không khí ở đại dương sẽ cho khoa học nhận biết tốc độ gió giữa trung tâm của một cơn bão.
Máy bay hay tàu có người lái xộc thẳng vào những nơi như vậy là một sự điên rồ, cho dù là để nghiên cứu. Chỉ có những thủy thủ robot Saildrone dạng này mới là công cụ cần và hợp lý để thực hiện nhiệm vụ như vậy.
Để bảo đảm an toàn cho tàu bè lưu thông hàng hải, start-up Saildrone đã hợp tác với NOAA cùng phát triển phương tiện thích hợp để nghiên cứu cách các cơn bão hình thành, bao gồm cả tìm hiểu quy trình tạo nên cường độ khủng khiếp nhanh chóng của chúng.
Một Saildrone dài khoảng 7m tích hợp bốn camera có nhiệm vụ đo tốc độ gió cũng như nhiệt độ của đại dương và không khí. Chúng sẽ giải một trong các bài toán, như vì sao những cơn cuồng phong kiểu Ida gần đây, khi tấn công Gulf Coast trước khi di chuyển về phía Đông Bắc, lại có thể tăng từ cấp 1 lên cấp 4 chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ đồng hồ.
Theo CEO của Saildrone, Richard Jenkins, nhờ đội thuyền đặc biệt này, khoa học sẽ hiểu ý nghĩa hiện trạng phun và tạo bọt trên mặt nước, thậm chí cả băng giá trào phún, trong một cơn bão. Chúng cũng giúp nắm bắt được cách năng lượng và nhiệt được trao đổi ra sao giữa đại dương và khí quyển. Tất cả những dạng dữ liệu mà Saildrone thu thập này sẽ được truyền ngược trở lại trung tâm phân tích của công ty ở Alameda, California.
Saildrone tự hào vì cho đến nay 5 tàu robot của mình đều “sống sót” sau các mùa bão, kể cả với siêu cuồng phong Ida ở Đại Tây Dương từng giết chết ít nhất 78 người trên khắp Louisiana và Đông Bắc gần đây. Mục tiêu kế hoạch phía trước của Saildrone là nghiên cứu các cơn bão ở Thái Bình Dương để bổ sung vào danh mục các điều kiện đại dương mà công ty đã từng khảo sát như Alaska. Cho đến nay, hành trình của đội tàu tự hành lướt buồm này vừa vượt qua 500.000 dặm, cũng như trở thành phương tiện không có bánh xe đầu tiên đi vòng quanh Nam Cực.
Danh sách khách hàng của Saildrone còn bao gồm NASA, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ, Bộ Quốc phòng cũng như các trường đại học. Công ty đã chế tạo khoảng 100 tàu và đang có kế hoạch sản xuất thêm, bao gồm cả các phương tiện lớn hơn.
Mối quan tâm về biến động đại dương - là hạt nhân kích hoạt sự thay đổi về thời tiết và khí hậu toàn cầu - đã thúc đẩy nhiệt huyết khám phá và nghiên cứu của nhóm điều hành start-up trẻ của Saildrone. Họ biết rằng, hiểu được tốc độ của biến số thay đổi sẽ thực sự cung cấp cho con người những kiến thức sâu sắc về tương lai, từ đó nhân loại sẽ biết cần phải xoay chuyển mọi thứ cho đúng hướng như thế nào để được an toàn.