Thợ săn thiên thạch ở Trung Quốc
(DNTO) - Tại đất nước Vạn Lý Trường Thành, thợ săn thiên thạch là những nhà thám hiểm dành cả ngày để nghiên cứu sao băng; họ đi khắp nơi tìm kiếm những mảnh đá có giá trị đến từ hành tinh khác, với hy vọng làm giàu.
Hiếm khi người ta thấy anh chàng Zhang Bo rời xa chiếc máy dò kim loại, bản đồ và xe địa hình. Ở Thượng Hải, không khó để chứng kiến các tay thợ săn thiên thạch như Bo, họ tự bỏ tiền túi nghiên cứu những lần xuất hiện của sao băng, rồi rảo đi khắp nơi lùng sục, tìm kiếm những mảnh đá “rơi xuống từ trời” có giá trị khủng.
Tuy không được đào tạo chính quy nhưng Zhang Bo, 37 tuổi, đã bắt đầu nghiên cứu thiên thạch sau khi nhìn thấy một vệt cầu lửa vụt sáng trên bầu trời miền Nam Trung Quốc vào năm 2009. Ba năm sau, anh bắt đầu thực hiện các chuyến thám hiểm, đến một số khu vực khắc nghiệt nhất thế giới ở Nga, Pháp, sa mạc Sahara và Tân Cương xa xôi. Chỉ với bản đồ và một máy dò kim loại quét trên mặt đất để tìm đá, nhiều lần Zhang đã định vị trúng điểm rơi của các thiên thạch.
Nhờ sự đam mê miệt mài của anh, các nhà chức trách Trung Quốc đã xác định được mỏ sao băng lớn nhất thế giới dài 425 km nằm ở Altay, thuộc vùng Tân Cương xa xôi phía Tây Trung Quốc. Phải lần mò đến đó khoảng 20 lần, Zhang mới tìm thấy thứ anh theo đuổi.
Các vùng đồng bằng và miền núi rộng lớn của Trung Quốc là những địa điểm săn tìm phổ biến của những người đam mê thiên thạch ở quốc gia này. Một số thiên thạch sắt lớn nhất thế giới đã được tìm thấy tại đây, trong đó có cả miền Altay, điểm cạnh tranh khốc liệt giữa nhóm thợ săn đá ngoài không gian.
Một phần sức hấp dẫn trong nghề săn thiên thạch là cảm giác phiêu lưu. Việc tiếp cận cho được các khu vực hẻo lánh đòi hỏi người săn phải có kế hoạch nghiêm túc và thiết bị thích hợp. Kèm theo đó là sự hồi hộp, kích thích sẽ tìm ra thứ gì đó thúc đẩy sự mở rộng hiểu biết của khoa học về các hành tinh, hệ mặt trời. Điển hình, các nhà khoa học đã tìm thấy chất hữu cơ gắn liền với nước - nguồn gốc của sự sống - trong thiên thạch được đặt tên "Zag và Monahans" rơi xuống Texas và Morocco năm 1998, minh chứng cho khả năng tồn tại của các hợp chất hữu cơ phức tạp trong không gian.
Tuy nhiên, đối với nhiều thành viên trong giới này, động lực cơ bản hơn vẫn là tiền. Sau khi một quả cầu lửa được nhìn thấy bay vút qua bầu trời gần biên giới Myanmar và Lào vào năm 2018, cơn sốt thiên thạch với hy vọng trở nên giàu có đã nổ ra khi dân săn lùng đổ xô đến với đầy đủ các loại máy dò kim loại. Bởi chỉ vài ngày sau khi phát hiện sao băng, các viên đá trời liền được quảng cáo trực tuyến với giá lên tới 7.800 USD/gram.
Một thợ săn thiên thạch, từng bán những mảnh thiên thạch có giá từ 275.000 đến 800.000 USD. Còn một tảng đá mặt trăng quý hiếm được rao giá 1 triệu đô la là chuyện thường. Zhang không tiết lộ bất kỳ chi tiết cá nhân nào về khách hàng của mình, nhưng anh cho biết họ sẵn sàng trả chí ít từ 100.000 USD cho các loại đá hiếm.
Tuy nhiên, Xu Weibiao, một chuyên gia ở Nam Kinh cho biết, thiên thạch có thể còn được bán với giá cao hơn thế, tùy loại. Bởi theo ông, độ hiếm của đá quyết định giá trị thị trường. Nhưng ông cũng bổ sung thêm, ngoại trừ những người thực sự biết về thiên thạch, tầm quan trọng của nó, hầu hết người mua đều là những tay bình thường trong nghề và thiên thạch họ có trong tay đa phần là giả.
Theo NASA, khoảng 44 tấn vật chất thiên thạch rơi xuống Trái đất mỗi ngày. Hầu hết nó bốc cháy trong khí quyển, nhưng một số còn nguyên vẹn sau khi rơi và hạ cánh ở những nơi khá bất thường. Chưa có trường hợp nào được xác nhận việc thiên thạch rơi làm chết người, nhưng theo dữ liệu, cũng có nhiều trường hợp chúng rơi trúng nhà dân hoặc ô tô.
Trung tâm Purple Mountain Observatory ở Nam Kinh, cách Thượng Hải 300 km về phía đông, nay trở thành đại bản doanh nghiên cứu vật thể không gian của Trung Quốc. Nơi đây các chuyên gia như Xu Weibiao làm công việc kiểm tra các thiên thạch mà những thợ săn như Zhang Bo truy tìm được mang đến để xác minh.
Khi đánh giá thiên thạch, các bậc thầy như Xu xem xét hai đặc điểm nổi bật tách biệt chúng với đá sỏi thông thường, đó là lớp vỏ nhiệt hạch và lớp rỗ sâu trên mặt đá, tức các lỗ hổng trên bề mặt của một thiên thạch, được tạo ra bởi ma sát khi chúng xuyên qua bầu khí quyển. Còn lớp vỏ nhiệt hạch lại là lớp áo tối màu dạng tinh thể thủy tinh đóng kết do nóng chảy bao quanh phía ngoài.
Theo Xu, hạt bụi mới là nguyên tố có giá trị nhất của bất kỳ thiên thạch nào. Bởi các đồng vị khác nhau trong những nguyên tố hóa học của hạt bụi sẽ chứa thông tin về cách các ngôi sao hình thành và phát triển.
Hơn thế kỷ trước, khoảng năm 1898, có một thiên thạch được những người chăn gia súc ở sa mạc Gobi tìm thấy, đặt tên là Silver Camel (Lạc đà bạc). Nó nặng 28 tấn và là thiên thạch sắt lớn thứ tư thế giới, nay được trưng bày trong Bảo tàng Địa chất và Khoáng sản Tân Cương. Năm 1986, một thiên thạch sắt tương tự nặng gần 18 tấn được tìm thấy ở Altay, được đặt tên là "The Tear of Allah" (Nước mắt thánh Allah).
Hầu hết các thiên thạch dạng này được cho là có nguồn gốc từ lõi của các tiểu hành tinh lớn di chuyển xung quanh vành đai tinh vân giữa sao Hỏa và sao Mộc, cách Mặt trời khoảng 400 triệu km, là tàn tích của quá trình tạo ra hệ mặt trời khoảng 4,6 tỷ năm trước. Đó là lý do tại sao chúng rất có giá trị và quan trọng đối với nghiên cứu khoa học về nguồn gốc ban đầu của nhân loại.