Công dân thế hệ metro Việt
(DNTO) - Giấc mơ về mạng lưới metro đang dần từng bước hiện thực với người Việt Nam. Những công dân thế hệ thứ nhất thời tàu điện ngầm sẽ mở ra chương mới về phong thái sống, bao gồm cả tích cực lẫn tiêu cực
Thời gian khởi sự xây dựng hệ thống metro Việt, có lẽ vì chưa thể mường tượng rõ ràng về một thành phố có tuyến tàu điện ngầm hay đường sắt đô thị chạy qua nên người ta đành… hoài cổ khi thấy nhiều cảnh quan bị đảo lộn, phá bỏ, di dời dành không gian cho công trình dự án.
Một số người xót xa cho những hàng cây cổ thụ cả trăm năm. Số khác bần thần trước việc đóng cửa một hai thương xá có bề dày lâu đời. Thậm chí một số người lớn tuổi đang lo mình không... sống được đến lúc trở thành công dân đầu tiên của thế hệ metro Việt.
Chuyện thần tiên có dễ đi vào hiện thực?
Đã có những lúc người Việt xem tàu điện ngầm chỉ là một giấc mơ, dù những toa nối liền chạy vừa trên lộ vừa dưới lòng đất đã hoạt động trên hành tinh xanh này hơn 150 năm. Mơ cũng phải! Bởi đâu có thứ gì lâu đến như vậy mà chưa “ghé” vào Việt Nam.
Hòa bình trở lại, người Việt “ngao du” tứ phương trải nghiệm đủ kiểu tàu metro ở nhiều đất nước. Họ đem thứ phương tiện giao thông ấy về quê nhà bằng những chuyện kể khiến chúng đã gần gũi hơn. Phim ảnh, truyền hình, sách báo cũng kéo giấc mơ ấy lại gần hiện thực.
Khi những mô hình 3D đầu tiên về tuyến metro xuất hiện trên phương tiện truyền thông đại chúng, dân ta mới hiểu rằng điều phải đến sẽ đến và giờ chỉ còn việc... đợi. Chuyện kỳ thú về giao thông công cộng hình thái mới đang là hiện thực, thế mà xem ra vẫn không ít kẻ thiếu mặn mà. Những chờ đợi quá lâu thường dễ bị buông xuôi.
Việc suy nghĩ mình sắp trở thành công dân thế hệ metro đầu tiên có thể chẳng ám ảnh một số thị dân cho lắm. Ở một phía khác, nghe chuyện về tuyến metro, dân các thành phố không phải Sài Gòn hay Hà Nội lại có vẻ thờ ơ. Họ coi đó là “quà không phải cho mình”. Các tuyến chỉ non vài chục km nên viễn tưởng có đủ cả mạng lưới giăng kín toàn quốc e rằng hai ba thế hệ nữa vẫn còn phải chờ.
Metro - một kỳ công đáng kỳ vọng và là sức hút mang tính từ trường
Metro, khối kim loại sáng bóng, dài dài, di động, nơi đủ hạng người sang hèn, giàu bần bất ngờ góp mặt trong những toa xinh xắn. Chúng có thể là “sàn diễn” phô bày nhan sắc, trang phục và là không gian phả hương tóc hay nực nồng mồ hôi. Chí ít bạn phải tò mò, vì những nhà tâm lý quả quyết, thứ phương tiện hiệu quả để tránh kẹt đường mà lại tiết kiệm thời gian này làm người ta gần nhau hơn so với nhiều loại phương tiện khác.
Hấp dẫn nhất là sức thuyết phục của “chân lý” cho rằng metro cũng là chốn hẹn hò. Đó là nơi phát xuất tình yêu có tần số cũng cao ngất. Thế đấy! Từng mét vuông đất đang được giải tỏa cho công trình thế kỷ cứ diễn ra. Góc hững hờ, thờ ơ chiêm quan và góc nôn nao khao khát mong chờ cứ hình thành song hành trong não trạng dân Việt.
Dù dân tình hờ hững hay hồ hởi với metro thì bất động sản đã nổi sóng. Giới máu mặt nhà đất nhanh chóng khoanh vùng, thương lượng và chấm đỏ những điểm béo bở theo các trục metro chính. Các tập đoàn đầu tư cả trong và ngoài nước tung ra những mẫu thiết kế hoặc quyết thắng các phi vụ thầu khu phức hợp theo mô hình tàu điện ngầm quốc tế mà họ đã nằm lòng.
Cả một xã hội kinh doanh, dịch vụ sẽ quần tụ ăn theo ánh đèn nhấp nháy đường tàu chạy. Sự chuẩn bị tâm lý của thị dân về những thay đổi không gian, thời gian và trật tự văn hóa, xã hội... cũng đang căng ra trong từng mái ấm. Người nghèo sốt sắng dò tìm chỗ kiếm cơm ở các tuyến ga. Các loại hình dịch vụ cũng chuyển mình theo sơ đồ mạng lưới tàu.
Một số môi trường sống đột ngột chấm dứt, một số bất ngờ mở ra. Xáo trộn đổ về nơi đã từng trật tự. Cái ác bắt nguồn từ kim tiền "ngửi gió bắt mùi" để lấn chiếm địa bàn và hệ thống tệ nạn mới cũng có thể sẽ manh nha.
Tuy nhiên, tất cả sẽ được thị dân chấp nhận như gia vị cuộc sống. Bởi rốt cuộc họ sẽ thấy từng ấy tệ nạn không... mới. Cái lợi khi tính toán thiệt hơn từ các tuyến metro mang lại sẽ bao gồm nhiều thứ. Có thể kể đến chi phí đi lại thấp hơn so với ô tô, xe máy, xe buýt (theo các tỷ lệ 49%, 26% và 18%); làm việc và mua sắm cũng nhanh chóng dễ dàng hơn nên sức mua được kích cầu.
Các dịch vụ dân sinh quanh tuyến dễ ăn nên làm ra tất sẽ thành nam châm hút lao động ngoại thành. Việc thiệt hại do một số cây cổ thụ (từng được xem là những mảng phổi xanh của thành phố) bị đốn hạ nhường chỗ cho công trình rồi cũng sẽ được "bù đắp".
Đó là tình trạng ô nhiễm không khí sẽ giảm gấp 4 lần so với khi chưa có metro. Tai nạn giao thông bớt đi. Còn chuyện tính toán những cái lợi về tiết kiệm năng lượng, giảm diện tích mặt đường... Thôi, cứ để cho cơ quan thống kê của nhà nước làm việc.
Còn nhiều thứ thay đổi nữa mà ai cũng mong là tích cực. Chỉ cần một chiếc thẻ quẹt mua ở máy tự động là bạn ra vào ga thoải mái, nhanh chóng, bất chấp đó là giờ cao điểm.
... và bên cửa sổ metro
Hai từ “ưu tiên” là điểm văn hóa đặc thù được đề cao ở metro. Chúng được minh họa bằng hình ảnh dán nhiều ở các ga và ngay cả trong toa. Những kẻ “thiếu văn hóa” sẽ khó lòng bao biện. Đối tượng được ưu ái sẽ là người già, kẻ khuyết tật, thai phụ. Đối tượng được ưu ái tiếp theo không phải là phụ nữ... đẹp, mà là phụ nữ có con mọn.
Tàu điện ngầm là nơi ngẫu nhiên quy tụ lại với nhau những người đủ mọi lứa tuổi, màu da, phái tính... trong một không gian vây bó. Đây cũng chính là một phòng thí nghiệm di động hoàn hảo để nghiên cứu hành vi mỗi người. Một bà bầu xuất hiện, ai sẽ đứng lên nhường chỗ? Một người mù bước hụt, trượt chân té ngã. Ai đứng dậy nâng?
Một nghiên cứu tâm lý về tàu điện ngầm nhận định: phản ứng hay, dở, xấu, tốt của một hành khách có thể tùy thuộc thời gian họ ở trên tàu bao lâu. Chuyến đi càng dài, mức cortisol trong tuyến nước bọt tiết ra càng cao, người ta cư xử càng tệ. Mức căng thẳng ấy càng nguy hiểm hơn khi mật độ ghế ngồi quá kín. Tuy nhiên, không hoài nghi gì nữa, metro là cái nôi “đẻ” ra lắm chuyện tình thành thị nhất, đặc biệt là các hàng ghế ngồi gần cửa sổ.
Bí quyết đi metro cho thoải mái
- Kiểm tra thông tin giờ, chuyến đến – đi trên bảng thông báo.
- Tránh giờ cao điểm. Nếu bất đắc dĩ phải đi vào giờ cao điểm hay sau khi tàu bị hoãn, đừng chọn chuyến đầu.
- Lên tàu nên tìm cách di chuyển vào giữa.
- Muốn ở gần nhau, cả nhóm lớn nên lên tàu bằng cả 3 cửa một lúc.
- Ở trong tàu không xô đẩy, nên di chuyển qua phải hoặc trái để hành khách lưu thông thuận lợi.
- Không ăn, uống trên tàu điện ngầm.
- Luôn nghe nhạc với tai nghe.
- Ưu tiên nhường lại ghế ngồi quy định cho các đối tượng đặc biệt.